Quy định cứng nhắc của Bộ GDĐT: Không hiểu sao vẫn tồn tại?

Vinh Hải - Đình Việt Thứ năm, ngày 03/01/2019 15:29 PM (GMT+7)
Ông Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) đã phản đối quy định cứng nhắc, phiền hà trong việc công nhận văn bằng nước ngoài cấp cho người Việt Nam từ lâu, không hiểu sao đến quy định này vẫn còn tồn tại.
Bình luận 0

Liên quan đến những quy định phiền hà, làm khó người dân trong quy định công nhận văn bằng cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam, Dân Việt ghi nhận ý kiến phản đối quy định này của ông Lê Viết Khuyến – một người công tác nhiều năm trong ngành giáo dục đào tạo.

img

Ông Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT). Ảnh: Zing.vn

Ông Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Bản thân tôi cảm thấy quy định này rất phiền hà và đã phản đối quy định này từ lâu. Tuy nhiên, điều đáng buồn là không hiểu sao đến bây giờ cái quy định này vẫn đang tồn tại?”.

Đối với việc nhiều người đi học ở Liên Xô trước đây, giờ vẫn phải làm thủ tục công nhận lại văn bằng, theo ông Khuyến là không phù hợp.

“Ngày trước, cán bộ, sinh viên đi học là Nhà nước cử đi chứ không phải đi học tự túc như bây giờ.

Có nghĩa là Nhà nước đã cử đi thì cơ sở giáo dục phía bên kia chắc chắn đã đảm bảo về uy tín và chất lượng.

Như vậy, tại sao đến bây giờ Bộ GD&ĐT vẫn còn đòi hỏi, hồi tố công nhận bằng cấp, chuyện của 30 – 40 năm về trước. Thử hỏi những lãnh đạo ở Bộ GĐ&ĐT hiện nay còn mấy người giữ được tấm bằng như thế hay không?” – ông Khuyến đặt câu hỏi.

Gần đây, sau một số vụ lình xình về bằng cấp của quan chức như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Xuân Anh, ... việc xác minh, công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được dư luận chú ý hơn. Tuy nhiên, trong cách làm, Bộ GDĐT đã cứng nhắc, đánh đồng "cá mè một lứa", hồi tố cả những văn bằng từ rất lâu. Bởi một bên là do Nhà nước cử đi học, một bên tự túc học sau đó có những vi phạm nhất định.

Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này là vì ở nước ta hiện nay vẫn còn quá sính chuyện văn bằng mà quên đi chuyện đánh giá thực chất năng lực của người lao động.

“Một số trường hợp bằng giả cơ quan chức năng vào cuộc, khi đó mới cần chức năng xác minh của Bộ GDĐT.

Nhưng với hàng nghìn trường hợp đi học ở trường đã được công nhận trong hệ thống giáo dục nước sở tại, họ cũng có Hiệp định với ta, thì chỉ cần yêu cầu người ta công khai đó là bằng gì, Tiến sỹ hay Thạc sỹ và bằng được cấp ở trường nào, ghi tên trường đó vào là được.

Sau đó cơ quan tuyển dụng sẽ tự đánh giá, kiểm tra trường đó là trường như thế nào. Tất nhiên việc tuyển dụng vẫn phải qua thi tuyển chứ không phải có bằng là sẽ được nhận” – ông Khuyến nêu quan điểm.

Tương tự, đối với những trường hợp du học tự túc như hiện nay, ông Khuyến cho rằng, chỉ cần trường cấp văn bằng cho học viên người Việt Nam nằm trong hệ thống giáo dục của quốc gia đấy, nghiễm nhiên bằng cấp được công nhận.

Hoặc nếu quốc gia đó mà có hiệp định giáo dục với Việt Nam, nghiễm nhiên bằng của trường đó cũng sẽ được công nhận chứ không cần Bộ GDĐT phải xác nhận ngược trở lại.

“Thông tư quy định việc công nhận văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài giống như một loại giấy phép con đang tồn tại ở Bộ GĐ&ĐT. Đây cũng là một trong rất nhiều quy định không cần thiết đang tồn tại ở Bộ này từ lâu mà không bỏ được. Nhiều người đã phải nhận cay đắng vì những giấy phép con như thế này.

Theo tôi được biết, có những trường hợp cùng học một trường nhưng có người thì xác nhận được, có người lại không” - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học cho hay.

Một Giáo sư hàng đầu trong ngành Ngôn ngữ học cũng bày tỏ sự đồng tình khi cho rằng quy định của Bộ GDĐT dễ bị biến thành giấy phép con. Vị Giáo sư này cũng đang có một nghiên cứu sinh bị “mắc kẹt” thủ tục công nhận văn bằng thạc sỹ ở Bộ GDĐT, chưa thể làm nghiên cứu sinh tiến sỹ được.

“Ở nước ngoài có một số cơ sở đào tạo thạc sỹ thực hành, ở Việt Nam chưa công nhận để có thể tiếp tục làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Bộ GDĐT có cơ sở để đưa ra quy định công nhận văn bằng nước ngoài nhưng quy định cụ thể phải khác, không được cứng nhắc như hiện nay.

Ở Việt Nam, quy định này dễ bị biến thành giấy phép con. Những người có bằng đường hoàng chính chính trước giờ không sợ gì lại bị làm khó, còn những người dùng bằng giả, bằng kém chất lượng tìm cách luồn lách” – vị Giáo sư nêu ý kiến.

Thống nhất quan điểm với ông Lê Viết Khuyến, vị Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho rằng Bộ GDĐT chỉ cần đưa ra danh sách các trường trong hệ thống giáo dục được các nước công nhận, trường đấy phải chịu trách nhiệm bằng cấp của họ.

“Ai ở danh sách thiếu sẽ cần xác minh thêm. Chứ không phải ai có văn bằng nước ngoài cũng phải đến Bộ GDĐT để xác minh lại cả” – vị Giáo sư nói với Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem