Phòng chống lao gặp khó vì... định kiến

Thứ bảy, ngày 08/12/2012 12:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù có nhiều nỗ lực trong phòng chống lao nhưng bệnh nhân lao tại cộng đồng vẫn chưa được phát hiện kịp thời và đầy đủ.
Bình luận 0

Theo TS Nguyễn Thị Kim Liên - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe T.Ư (Bộ Y tế), chính những định kiến là rào cản khiến cho bệnh lao vẫn gia tăng.

Bà Liên cho biết, theo báo cáo của Chương trình Phòng chống lao (PCL) quốc gia, năm 2011, Việt Nam có hơn 100.000 ca nhiễm mới trong đó 50% là lao AFB dương tính mới, 20% là lao phổi AFB, 21% là lao ngoài phổi và hơn 10% là tái phát và thất bại. Tỷ lệ điều trị khỏi là gần 91%. So với năm 2010, số ca mắc mới tăng hơn 1.000 ca. Theo thống kê chưa đầy đủ thì 70% bệnh nhân lao là người nghèo, đa phần là nông dân. Chương trình phòng chống lao quốc gia cũng đã phát triển mạng lưới đến 100% số huyện, xã.

img
Khám bệnh tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Thái Bình.

Bà nhận định thế nào về việc số ca mắc mới năm sau lại cao hơn năm trước mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn bệnh lao?

- Hiện Việt Nam đang có gần 300.000 người mắc lao và mỗi năm có gần 30.000 người chết vì bệnh này, khoảng 100.000 ca mắc mới. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Số bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị chỉ chiếm khoảng 54% số người mắc lao trong cộng đồng. Nhờ tuyên truyền tốt, làm tốt công tác phòng chống lao mà mỗi năm chúng ta lại đẩy 46% chìm còn lại của bệnh nhân lao lên và con số nhiều hơn ấy chứng tỏ số được phát hiện đã cao hơn. Tuy nhiên, số bệnh nhân chưa được phát hiện là mối nguy lớn khi mỗi bệnh nhân lao sẽ lây nhiễm sang khoảng 15 người khác.

Theo bà, hiện công tác phòng chống lao đang gặp những rào cản gì?

- Trước mắt là khó khăn về mặt nhân lực. Không chỉ là tình trạng bác sĩ “già hóa”, không có người thay thế mà nguồn nhân lực mạng lưới chống lao cũng thiếu và thường xuyên thay đổi công tác nên không thể hết lòng vì công việc. Ngoài ra, dịch tễ lao, lao/HIV và lao kháng thuốc ở Việt Nam còn cao, số bệnh nhân chưa được phát hiện còn quá lớn, là nguồn lây nhiễm theo cấp số nhân ra cộng đồng. Vì thế, người làm công tác phòng chống lao thường chạy đuổi đằng sau.

Trong khi đó, sự kỳ thị, định kiến vì bệnh lao của người dân còn lớn, khiến cho bệnh nhân lao giấu bệnh, tự chạy chữa, bệnh càng nặng, khả năng lây chéo sang người khác càng lớn. Do không nhận thức được mức độ rủi ro trong việc điều trị thiếu triệt để, bận việc, không đủ tiền... nên người bệnh cũng không đi điều trị.

Cần nói thêm, chính sách Nhà nước khuyến khích người nghi mắc lao đi xét nghiệm đờm miễn phí. Tuy nhiên, tại các cơ sở y tế, người bệnh muốn xét nghiệm đờm đều bị “tạm thu” 50.000 đồng, nếu kết quả “có” thì được trả lại tiền. Như vậy sẽ không khuyến khích được người nghèo đi khám và xét nghiệm đờm vì họ sợ “mất tiền oan”.

Vậy cần có sự thay đổi nào để giải quyết “tảng băng chìm” của bệnh lao?

- Cần phải tăng cường tuyên truyền để người dân có thêm kiến thức về bệnh lao, để họ cùng chung tay xóa bỏ các rào cản, giảm kỳ thị, không giấu bệnh, tự giác đi khám bệnh để được điều trị miễn phí. Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút đội ngũ bác sĩ làm lao và nhân lực phòng chống lao cơ sở. Ngoài ra, cần có sự thay đổi về chính sách để người bệnh chủ động tìm đến các cơ sở y tế, kiên trì điều trị lao theo phác đồ.

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem