Phố trong sách gợi

Quang Hưng Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:09 AM (GMT+7)
Đọc, tôi lại cứ hay tưởng tượng, nhất là đọc ai khéo vẽ khéo gợi khéo đưa các hành động vào trang viết thì những gì mình phác theo ra lại càng linh động.
Bình luận 0

Tưởng tượng ấy, lấy những ký ức và dữ liệu trải nghiệm của mình ra để kết cấu, vì thế, sống với trang viết tác giả, mình lại được thêm sống với những gì mình có, đã lưu. Cái hay của đọc, ngẫm và "trải nghiệm tại chỗ" nó cũng nằm ở chỗ ấy: Tưởng tượng, sống thêm và sống lại!

Nên là tôi đọc đến một con phố của Hà Nội: Hàng Đường, Hàng Điếu, Tạ Hiện…, tôi nhớ đến bằng những hình ảnh mà hôm nao hôm nào mình đã đi qua đấy. Tác giả kể con phố ấy, Lãn Ông, Yết Kiêu, hay Nhà Chung…, có dáng đi người này, nước mắt người kia, thân phận những ai ai khác, thì mình vừa xem vừa phác ra bằng những tay chân gầy guộc, những áo xống nâu bạc, những mồ hôi mồ kê đầm trán nhòe mắt mà mình đã được trông thấy và có gì đó nao nao khiến cho mình phải nhớ. Hoặc chúng từng lưu vào mình trong vô thức thôi, nhưng gặp cái cớ gì như cái lẫy cửa, là hình thù, cử chỉ, nỗi niềm sẽ ùa ra, chuyển động. Cho nên, có những người hay ngồi nhìn ngắm phố xá, ai ai qua lại, là cũng không thừa đâu. Họ nghĩ đấy, họ hoài niệm đấy, và họ sẽ sống cùng hình ảnh đó, cùng ký ức từ đó gợi ra. Rồi tất cả lại hòa quyện, sum vầy khi đọc một trang sách hay, nghe một câu chuyện thú vị, có khi chỉ là đâu đó vẩn vơ một câu nói mà làm mình sực nhớ!

Phố trong sách gợi - Ảnh 1.

Hôm nay tôi đọc đến bài viết tả rất sinh động và thân phận về một bà phe, tôi nhớ lại ký ức ít ỏi những năm cuối bao cấp khi mình nhận biết được. Đấy là đi xếp hàng đợi nhận muối, thịt, bố mẹ bảo đứng đâu thì mình đứng đó, rồi được đưa gì thì cầm đi về. Nhao nhao và ồn ào người quanh một cái cửa bé với mặt quầy đặt chiếc cân và những quả cân to nhỏ các loại được các cô bán hàng áo trắng nhấc lên nhấc xuống. Tem phiếu, tiền đều dính mỡ dính sạn theo tay người bán, người mua. Trong những trang sách khác, có nhắc đến con phố kia với cây cổ thụ bao năm tỏa bóng lên những xáo trộn, sướng khổ nhọc nhằn, tôi nghĩ đến những cây xà cừ thân đã rất to, lừng lững các hè phố thỉnh thoảng mình "lượn" qua: Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng, Lý Nam Đế…, cây đứng thế mà không im lặng đâu, lúc nào cũng rung rinh, xao động những dịu lành, nếu nhìn, nghe, ta sẽ thấy. Những trang sách khác, tác giả kể chuyện ngắm hồ Gươm từ các góc, tôi mê quá, nhớ lại ký ức tôi với hồ, và khi đi bộ vòng quanh, cũng để ý nhìn sang để thấy quang cảnh đổi thay thường xuyên theo từng góc rộng, góc hẹp.

Nghĩ, và ngắm như thế, với cả những bâng khuâng thời gian, những gì còn ở đấy, những gì đã đổi thay đi mất, đi mãi, gắn bám theo đó, là bao đời người, phận người. Trong một số bức ảnh gia đình, tôi thấy hồ Gươm mấy chục năm trước còn bờ cỏ. Mấy chục năm trước nữa, có những chỗ còn um tùm các bụi cây. Bây giờ thì rõ nét công viên xén tỉa rồi. Không thể chỉ là những đất, những cỏ cây, vì sẽ dễ bị sạt lở, nhưng làm gì cho giữ được đôi nét hoang sơ, tự nhiên quanh những không gian như hồ Gươm, như các hồ, các bờ bến khác của Hà Nội - những không gian đã trở nên văn hóa, lịch sử, thì tôi nghĩ là người ta có thể nghĩ được, giữ được, tái tạo được, chứ không chỉ làm đẹp bằng cách cho không gian ngày càng… bóng bẩy.

Đấy, đọc, xong rồi cứ nhìn ra, ngẫm nghĩ và vòng vèo đi xa, có khi xa quá cái trang sách mình đang đọc. Thì thôi kệ chứ, những người văn người ta viết hay cho mình đọc, để mình cùng mở ra niềm yêu và mong muốn vun vén cho đường đi, cho những cây, những bến, những thuyền, những con người ngày mới ở nơi này cơ mà. Có những trang viết tác giả kể chuyện bếp than tổ ong, kể những khu căn hộ chung căn bếp, chung nhà vệ sinh, và bao con người xoay xoay trong mấy chục mét vuông thời ấy. Thì còn nguyên đây như bên cạnh, một cảm giác khói ám, những vệt tường trắng, vàng xạm màu, bụi cũ đã bám đầy muội đen lam nham. Thế nhưng còn vươn lên ở đấy, là những cái lá xanh các chậu cây nhỏ mà người ta cố gắng xếp chỗ cho chúng giữa bao nhiêu là chật chội, nực nội, để còn nhìn màu cây mà hoa mà tươi trong lòng, nhìn vào nảy nở ngày mai mà sống tiếp.

Những trang viết kể vết đạn thành Cửa Bắc, những dòng truyện một người đánh trống trên thành trong đạn bay, máu chảy. Những chuyện kể các nhà tư sản làm ăn phát đạt thời trước cách mạng, đem đóng góp phần nhiều gia sản để hỗ trợ đồng bào. Những trang tác giả viết đâu đó cuộc đời niên thiếu trôi trong hoang dã cây cối phố phường từ con phố Lý Quốc Sư vắng vẻ. Những trang nữa, trang nữa, về lớp lớp nghệ sĩ ẩn mình vào làm lũ phố buồn một thời dài. Những gì nữa, về những người trai trẻ từ phố vào mặt trận. Những dòng chữ ngõ chật, nhà tối, chiếc áo len cũ tháo ra đan lại ngày gió bấc về, thấp thoáng những bông thược dược, bông cúc rung rinh ngày cuối năm… Tôi đọc, tôi đi qua trong hình dung của mình những khung cảnh, niềm thương nhớ đó, và tôi đi thật vào phố để nghe ngóng tiếp, sao lòng cứ run run… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem