Phi Hổ - Nhóm phi công Mỹ làm lính đánh thuê cho Trung Quốc chống phát xít Nhật Bản

Thứ tư, ngày 16/02/2022 10:31 AM (GMT+7)
8 thập kỷ trước, một nhóm phi công Mỹ tham gia trận chiến đầu tiên của họ trong Thế chiến II với sứ mệnh đặc biệt: Làm lính đánh thuê cho Trung Quốc trong kháng chiến chống quân phát xít Nhật Bản. Họ được gọi là Nhóm tình nguyện Mỹ Quốc (AVG), sau đó được biết đến bằng cái tên Phi Hổ.
Bình luận 0

Mặc dù chỉ tham chiến trong chưa đến 7 tháng, nhóm này đã nổi tiếng vào lúc đó về khả năng gây ra thiệt hại lớn cho không quân Nhật Bản có quy mô lớn hơn và trang bị tốt hơn.

Chiến thắng của nhóm này xuất hiện vào thời điểm quân đội Nhật Bản dường như bất khả chiến bại. Larry Jobe – Chủ tịch Tổ chức lịch sử , tuyên bố: “AVG là một điểm sáng trong lịch sử khi mọi thứ thật u ám. Họ đã nhận được nhiều sự ghi nhận về chiến công của họ”.

Phi Hổ - Nhóm phi công Mỹ làm lính đánh thuê cho Trung Quốc chống phát xít Nhật Bản - Ảnh 1.

Các phi công Mỹ trong đội ngồi phía trước một máy bay Curtiss P-40 ở Côn Minh, Trung Quốc, năm 1942. Ảnh: AP.

Chiến tranh nổ ra, Trung Quốc thiếu trầm trọng phi cơ để đối phó Nhật Bản

Bên phương Tây, năm 1939 được coi là năm khởi đầu Thế chiến II. Nhưng tại châu Á, chiến tranh đã diễn ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản từ năm 1937.

Khi ấy Trung Quốc đang trong nội chiến giữa phe Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch và phe cộng sản. Hai bên đạt được một thỏa thuận đình chiến để hợp sức chống Nhật Bản xâm lược. Tuy nhiên, lúc đó Trung Quốc vẫn thiếu máy bay để đẩy lui các cuộc ném bom do không quân Nhật thực hiện.

Claire Lee Chennault – một phi công và giảng viên trong lục quân Mỹ, do một số lý do đã nghỉ hưu sớm, rời khỏi lực lượng không quân của lục quân Mỹ vào năm 1937 khi mới 43 tuổi.

Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Chennault nhận được công việc với mức thù lao hậu hĩnh từ phía lực lượng Không quân của chính quyền Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch.

Phía Trung Quốc yêu cầu Chennault khảo sát mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này. Nell Chennault Calloway – cháu gái của Chennault, và giám đốc điều hành của Bảo tàng hàng không và quân sự Chennault ở Monroe (Mỹ), nói: “Tưởng Giới Thạch ngỡ mình có 500 máy bay cánh cứng”. Nhưng Chennault đáp rằng “trong 500 chiếc phi cơ đó, ngài chỉ có 91 chiếc là còn bay được thôi”.

Khi chiến tranh chính thức nổ ra giữa Trung Quốc và Nhật Bản vào mùa hè năm 1937, Trung Quốc đã thuê Chennault làm cố vấn cho lực lượng không quân của mình. Ông ấy trở thành chỉ huy trên thực tế của lực lượng này.

Vào năm 1940, sau khi mất sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc rơi vào tình thế thiếu thốn và rất cần thêm máy bay. Lúc đó, Mỹ chưa chính thức tham chiến trong Thế chiến II nhưng Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt quan ngại về viễn cảnh Nhật Bản đánh bại Trung Quốc rồi nhắm đến mục tiêu tiếp theo là Mỹ.

Chennault quay trở lại Mỹ, tìm mọi cách để có được máy bay. Với sự giúp đỡ của ông Tống Tử Văn  – một quan chức Trung Quốc đồng thời là em vợ của Tưởng Giới Thạch, các bên đạt được một thỏa thuận cho phép Trung Quốc mua 100 chiến đấu cơ Curtiss P-40 do Mỹ sản xuất.

Phi Hổ - Nhóm phi công Mỹ làm lính đánh thuê cho Trung Quốc chống phát xít Nhật Bản - Ảnh 2.

Quân Nhật Bản tiến công quân Trung Quốc vào năm 1939. Ảnh: Getty.

Mỹ hỗ trợ phi công cho Trung Quốc kháng Nhật

Vấn đề tiếp theo là ai sẽ lái và bảo dưỡng các máy bay này. Nhiều viên phi công trong lực lượng không quân khi ấy của Trung Quốc được đào tạo kém. Do vậy, Chennault đã gửi các phi công tới các căn cứ quân sự Mỹ để đào tạo họ.

Chủ tịch Larry Jobe nói với đài NPR (Mỹ): “Ông ấy cố gắng thuyết phục Roosevelt cho một số phi công quân sự được nghỉ hưu trong quân đội Mỹ và chuyển sang Trung Quốc làm lính đánh thuê, căn bản là vì luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ nhân viên quân sự Mỹ nào dính líu vào cuộc xung đột ở đó”.

Đó là giữa năm 1941, trước khi xảy ra trận chiến Trân Châu Cảng và trước khi Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản.

Ghi chép của Bộ Quốc phòng Mỹ về lịch sử giải thích: “Bằng việc sử dụng ngân quỹ của Trung Quốc dành cho mua máy bay, phụ kiện đi kèm và trả lương cho các phi công sẽ lái các máy bay đó, chính phủ Mỹ sẽ giữ được bề ngoài trung lập trong lúc vẫn giúp Trung Quốc chống lại Nhật Bản”.

Để thu hút phi công và thợ máy vào nhóm này, người ta hứa hẹn cung cấp mức lương cao gấp đôi mức mà các ứng viên nhận được trước đó.

Kết quả là vào mùa hè và mùa thu năm 1941, 99 phi công, gồm 59 người đến từ hải quân Mỹ, 7 thủy quân lục chiến, và 33 người đến từ lục quân Mỹ, xách hành lý sang châu Á, cùng với đội ngũ khoảng 200 nhân viên hỗ trợ, theo biên niên sử Bộ Quốc phòng Mỹ.

Yue-him Tam - một giáo sư sử học tại Đại học Macalester chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và Nhật Bản, cho biết khoảng 12 người trong số này là người Mỹ gốc Trung Quốc.

Những người sang Trung Quốc có các động cơ khác nhau, từ thay đổi không khí cho đến tìm kiếm cơ hội thể hiện kỹ năng chiến đấu. Một số thì muốn giúp đỡ Trung Quốc trong lúc nguy nan. Số khác đơn thuần là vì tiền.

Phi công Gregory "Pappy" Boyington nói với Tạp chí Lịch sử Hàng không (AHM) vào thập niên 1980: “Tôi xin rút khỏi vị trí đang làm của mình và chấp nhận công việc bên AVG vào tháng 9/1941, vì tôi chậm lên lon mà lại đang rất cần tiền. Một đời vợ, 3 đứa con, nợ nần và lối sống khiến tôi thấy thực sự cần đến công việc mới này”.

Căn cứ của AVG nằm ở Côn Minh, tây nam Trung Quốc, cách xa các khu vực bị Nhật Bản chiếm đóng.

Tuy nhiên có một trở ngại tại đó, đấy là không có đường băng để hạ cánh.

Vậy là hàng ngàn người Trung Quốc được huy động để xây đường băng. Giáo sư Tam kể với NPR: “Người dân Trung Quốc, nhất là nông dân và công nhân, tình nguyện giúp xây dựng các đường băng đó và phi cảng, đồng thời cung cấp các dịch vụ khác cho các phi công Mỹ. Nhưng họ không có công cụ hiện đại nào cả. Họ sử dụng tay trần để xây đường băng”.

Trong khi đó, người Mỹ đã tiến hành một số hoạt động đào tạo tại một sân bay của Anh ở Myanmar.

Việc đào tạo lúc đầu không được thành công lắm. Các phi công ít kinh nghiệm hơn Chennault mong muốn rất nhiều. Ba phi công đã thiệt mạng, máy bay và thiết bị đã bị hư hỏng trong các vụ tai nạn khác nhau.

Phi Hổ - Nhóm phi công Mỹ làm lính đánh thuê cho Trung Quốc chống phát xít Nhật Bản - Ảnh 3.

Các phi công chạy ra vị trí các máy bay Curtiss P-40 khi có còi báo động vang lên tại một căn cứ không quân ở Trung Quốc vào năm 1943. Ảnh: AP.

Không chiến nảy lửa trên bầu trời Myanmar để bảo vệ tuyến tiếp tế cho Trung Quốc

Chẳng bao lâu sau các phi công này phải vận dụng ngay những điều họ vừa được đào tạo để chiến đấu. Cuộc giao chiến đầu tiên của các phi công là vào này 20/12/1941 – chỉ 13 ngày sau trận Trân Châu Cảng và 12 ngày sau khi Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản. Các oanh tạc cơ Nhật Bản đã tấn công căn cứ AVG ở Côn Minh.

Bà Calloway cho biết: AVG “bắn rơi 9 trong số 10 oanh tạc cơ của Nhật. Do vậy họ là những người Mỹ đầu tiên thực sự giành chiến thắng trong Thế chiến II”.

Theo lịch sử Bộ Quốc phòng Mỹ, tổn thất duy nhất của AVG là một phi cơ hạ cánh khẩn sau khi hết nhiên liệu, nhưng phi công không bị thương.

Trong các ngày tiếp theo, trọng tâm chiến đấu của họ nhanh chóng chuyển sang gần Rangoon, Myanmar, lúc đó là một thuộc địa của Anh. AVG hỗ trợ không quân Anh bảo vệ Rangoon trước các đợt tấn công của Nhật Bản.

Myanmar đóng vai trò thiết yếu đối với các nỗ lực chiến tranh của Trung Quốc. Nhật Bản đã phong tỏa bờ biển Trung Quốc để ngăn các nguồn tiếp tế, khiến Trung Quốc phải trông cậy vào các nguồn cung đến từ cảng Rangoon.

Máy bay Calloway của nhóm AVG không tốt bằng máy bay Nhật Bản nhưng các phi công AVG, được sự hướng dẫn của Chennault, đã thực hiện một số lối bay nhất định như bổ nhào và leo nhanh để khai thác điểm yếu của máy bay Nhật Bản..

Website chính thức của AVG trích hồi ký của Chennault viết sau này rằng “AVG tạo dựng dấu ấn của mình chủ yếu là thông qua các trận không chiến trên bầu trời Rangoon dù rằng AVG cũng có đổ máu trên bầu trời Trung Quốc”.

Giao tranh giữa AVG và không quân Nhật Bản tiếp diễn cho đến tháng 1 và tháng 2/1942 ở Myanmar và Thái Lan lúc đó do Nhật Bản kiểm soát.

Bà Calloway cho biết tiếp: “Họ lập chiến công bắn hạ 299 máy bay Nhật đã được xác nhận, và cũng bắn rơi lượng ấy máy bay chưa được xác nhận. Họ chỉ mất 12 máy bay trong tác chiến thực sự - đây là một kỷ lục chưa bao giờ bị phá cho đến ngày hôm nay”.

Tuy nhiên, quân đội Nhật Bản vẫn áp đảo AVG và quân Anh về cả số lượng và hỏa lực. Rangoon thất thủ vào tháng 3/1942. Nhưng các nỗ lực của AVG đã làm chậm đà tiến của quân đội Nhật Bản, duy trì tuyến tiếp tế và giúp Trung Quốc tiếp tục kháng chiến.

AVG được tích hợp vào quân đội Mỹ

Đến thời điểm này, Mỹ đã chính thức bước vào chiến tranh với Nhật Bản và không cần phải núp vỏ bọc để tham chiến nữa. Các lãnh đạo quân sự Mỹ thúc đẩy sáp nhập AVG vào lực lượng không quân của lục quân Mỹ. Chennault tái gia nhập lục quân Mỹ vào tháng 4/1942.

AVG tiếp tục các phi vụ vào mùa xuân và mùa hè, bao gồm các hoạt động ngăn chặn đà tiến của quân Nhật qua một hẻm sông trọng yếu vào tháng 5, theo ghi nhận của tư liệu lịch sử Bộ Quốc phòng Mỹ. Sau đó, Nhật Bản “không bao giờ còn có thể đe dọa” Trung Quốc từ phía tây nữa.

Vào ngày 4/7/1942, AVG chính thức được sáp nhập vào Liên đoàn chiến đấu cơ số 23. Một nhóm phi công và nhân viên hỗ trợ ở lại nhưng hầu hết thành viên của AVG gốc đã tái gia nhập quân chủng trước đây của họ. Số khác trở thành phi công vận tải dân sự ở Trung Quốc hoặc quay trở lại Mỹ để làm công việc dân sự.

Chennault được thăng lên quân hàm Chuẩn tướng và chỉ huy đơn vị chuyên trách về không quân Trung Quốc, trong đó có đơn vị 23 và các đơn vị khác, trước khi tiếp nhận quyền chỉ huy Lực lượng không quân số 14 ở Trung Quốc vào tháng 3/1943. Ông ở lại Trung Quốc trong thời gian còn lại của cuộc chiến tranh trước khi giải ngũ một lần nữa, vào năm 1945.

Tình cảm của người dân Trung Quốc dành cho phi công quân sự Mỹ

AVG nhanh chóng giành được tiếng tăm ở Mỹ và Trung Quốc nhờ vào các thắng lợi ban đầu của mình. Đây là sự khích lệ tinh thần quan trọng cho phe chống phát xít trong bối cảnh Nhật Bản đang nắm thế thượng phong.

Hiện không rõ ai đã nghĩ ra biệt danh , dù rằng cái tên này đã được sử dụng ngay từ trận chiến đầu tiên của nhóm phi công Mỹ trên bầu trời Trung Quốc.

Tống Tử Văn sau đó đã giúp hãng Walt Disney thiết kế logo của nhóm phi công này, trong đó có hình một chú hổ Bengal nhảy qua chữ V – biểu tượng của chiến thắng. Diễn viên nổi tiếng John Wayne đã thủ vai Chennault trong bộ phim năm 1942.

Ngày nay có một số tấm biển, đài tưởng niệm và vật trưng bày trong bảo tàng tôn vinh ở Trung Quốc đại lục, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), và Thái Lan. Công viên Di sản khai trương vào năm 2015 ở thành phố Quế Lâm, miền nam Trung Quốc. Công viên được xây với sự hợp tác từ phía Tổ chức lịch sử .

Thành viên cuối cùng còn sống sót của đội AVG ban đầu - Frank Losonsky, qua đời vào tháng 2/2020.

Các sử gia về sớm xác định vai trò thiết yếu của người dân thường Trung Quốc đối với sứ mệnh của AVG.

Giáo sư sử học Tam nói, những người dân ấy làm đường băng với tư cách tình nguyện viên, “để giúp các chiến đấu cơ Mỹ vì các máy bay này chiến đấu cho Trung Quốc, cho tự do”.

Ngoài ra, các dân làng Trung Quốc còn hứng chịu nhiều khổ đau lớn lao khi các phi công Mỹ bị bắn rơi.

Jobe nói: “Quân Nhật sẽ xông vào các làng này, tra tấn và tùng xẻo, sát hại dân làng nhằm truy tìm các phi công được họ che giấu. Trong đa phần các trường hợp, dân làng nhất quyết không khai. Và sau đó họ phải lãnh đủ”.

Giáo sư Tam nhận định: “Ở Trung Quốc, sự tưởng nhớ và lòng tôn trọng dành cho là thực sự chân thật, chân thành. Nhân dân Mỹ tình nguyện giúp đỡ Trung Quốc. Họ mạo hiểm mạng sống của mình để cứu nhân dân Trung Quốc”. Vì vậy, ông nói, nhiều người Trung Quốc nghĩ về những người Mỹ đó như “những người bạn của Trung Hoa”.

Trung Hiếu (Theo VOV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem