Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Tăng tốc trên nền tảng phát triển vững chắc

Phạm Quang Chủ nhật, ngày 03/12/2023 11:09 AM (GMT+7)
Đúc rút bài học kinh nghiệm “Phát triển kinh tế là nhân tố đặc biệt quan trọng để ổn định chính trị - xã hội”, xác định “đưa kinh tế biển nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” là 1 trong 5 trọng tâm tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế phù hợp với đặc điểm của tỉnh và có tính khả thi.
Bình luận 0

Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình đã quán triệt, vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh thành các chủ trương, giải pháp đồng bộ tạo nền tảng phát triển vững chắc cho kinh tế biển.

Tập trung bổ sung, điều chỉnh và phát triển chủ trương phát triển kinh tế biển trong các giai đoạn trước, đến năm 2005, Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tiếp tục xác định trọng tâm thứ tư để tạo ra đột phá trong tăng trưởng kinh tế của địa phương "Phát triển kinh tế biển tập trung vào nuôi trồng đánh bắt và chế biến hải sản, chú trọng phát triển dịch vụ, du lịch và vận tải biển.

Quy hoạch mở rộng diện tích, tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả nuôi trồng hải sản trong và ngoài đê biển; chuyển mạnh sang phương thức nuôi thâm canh, bán thâm canh".

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Tăng tốc trên nền tảng phát triển vững chắc - Ảnh 1.

Điều đáng ghi nhận là qua công tác tuyên truyền vận động đã làm chuyển biến tích cực nhận thức của cán bộ và nhân dân về tiềm năng, thế mạnh, vị trí, tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển - một trong 5 trọng tâm tập trung tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế.

Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết, các cấp uỷ đảng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm những điển hình tiên tiến để nhân ra diện rộng, đồng thời chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền (nhất là các huyện Thái Thụy, Tiền Hải) trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cần thiết cho phát triển kinh tế biển, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005) và những năm tiếp theo.

Thái Bình cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách thông thoáng, có ưu tiên nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư vật tư, tiền vốn, trang thiết bị, kỹ thuật cho phát triển kinh tế biển (chính sách về giao, thuê đất đai; chính sách thuế; chính sách khuyến nông, lâm, ngư; chính sách đào tạo, nâng cao tay nghề; chính sách về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật...).

Sau 10 năm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế biển, Thái Bình đã có sự tăng tốc trên nền tảng bền vững. Về nuôi trồng thủy, hải sản, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về chuyển đổi từ cây lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy hải sản, trong 5 năm 2001 – 2005, huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã chuyển đổi 930 ha đất cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mặn, lợ đạt giá trị 70 -80 triệu đồng/ha, cao hơn 4 - 6 lần cấy lúa, làm muối; cá biệt có những hộ đạt giá trị từ 200 – 300 triệu đồng/ha. Từ năm 2006 – 2009, UBND huyện Thái Thụy và Tiền Hải đã chuyển được thêm 940 ha cấy lúa, làm muối hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế gấp 4 – 6 lần so với cấy lúa, làm muối.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Tăng tốc trên nền tảng phát triển vững chắc - Ảnh 2.

Một số hộ nuôi thủy sản đạt giá trị sản xuất trên 200 triệu đồng/ha/năm. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 16 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng diện tích 923ha. Việc chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đã tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có 469 trang trại nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích khoảng 1.700ha, sử dụng 1.700 lao động, giá trị sản lượng hàng hóa đạt được trên 96 tỷ đồng. Nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ có bước phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, đối tượng, hình thức, phương thức và sản lượng.

Về khai thác, đánh bắt thủy hải sản, nếu như năm 1997, toàn tỉnh có 850 phương tiện tàu, thuyền, trong đó có 500 tàu, thuyền gắn máy, với công suất trên 17.000 CV, sản lượng khai thác chỉ đạt trên 8000 tấn; thì sau 3 năm, tàu thuyền gắn máy đã phát triển lên 648 chiếc, với công suất 31.000 CV (trong đó có 19 đôi tàu khai thác xa bờ), sản lượng khai thác đạt trên 21.000 tấn. UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng cảng cá Tân Sơn và bến cá Nam Thịnh phục vụ cho tàu thuyền đánh cá trong và ngoài tỉnh neo đậu, tránh trú bão và tiêu thụ sản phẩm.

Ngư dân tích cực đầu tư đổi mới trang thiết bị, du nhập cải tiến lưới nghề, mở rộng ngư trường khai thác, nhất là việc tham gia vào vùng đánh cá chung Việt Nam – Trung Quốc.

Vì vậy, mặc dù khai thác thủy hải sản xa bờ còn hạn chế, nhưng sản lượng khai thác từ năm 2000 đến năm 2008 đều tăng. Năm 2005, đạt 25.666 tấn, tăng 37,7%; năm 2008 đạt 32.106 tấn, tăng 72,3% so với năm 2000.

Trước năm 2001, toàn tỉnh có 29 tàu vận tải biển, trong đó trọng tải của tàu lớn nhất chỉ đạt 400 tấn, đến năm 2005 có 52 doanh nghiệp vận tải biển, với 88 tàu vận tải cỡ lớn trong đó có tàu 6.500 tấn, năng lực vận tải biển đạt 130.000 tấn. Năm 2008, toàn tỉnh có 200 doanh nghiệp vận tải biển với 140 tàu, gấp 4,8 lần so với năm 2000.

Phát triển kinh tế biển ở Thái Bình: Tăng tốc trên nền tảng phát triển vững chắc - Ảnh 3.

Hạ tầng vận tải biển được đầu tư nâng cấp tạo tiền đề phát triển kinh tế biển. Cảng Diêm Điền được đầu tư mở rộng và nâng cấp đạt công suất xếp dỡ 300.000 tấn/năm cho tàu 600 tấn ra vào được thuận tiện, do đó đã thu hút được các tàu chở hàng loại nhỏ về khi vực Diêm Điền vào làm hàng tại cảng. Triệt để khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của biển, Thái Bình đã chú trọng phát triển tuyến du lịch biển Thái Bình – Kiến Xương – Tiền Hải, Thái Bình – Thái Thụy, kết hợp với tham quan làng nghề, di tích lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng, bình quân đã thu hút 29.000 lượt khách/năm với mức tăng trưởng bình quân 19%/năm.

Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt; tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời tháo gỡ khó khăn, khắc phục hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện, đến năm 2010, quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế biển của Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu to lớn; góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, phát huy tối đa hiệu quả các tiềm năng của tài nguyên biển, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng tốc bứt phá ở những giai đoạn tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem