dd/mm/yyyy

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên

Tận dụng lợi thế của địa phương, nông dân huyện vùng cao Bắc Yên (Sơn La) đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung, hạn chế rủi ro dịch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đầu tư phát triển chăn nuôi, nông dân có thu nhập khá

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Song Pe, huyện Bắc Yên (Sơn La), chúng tôi đi xe máy, vượt qua những con dốc, lội qua những khe suối đến với bản Chanh. Đón những cơn mưa đầu mùa, khắp các đồng có, nương chuối, ruộng cỏ voi đều phát triển xanh tốt. Đây là những nguồn thức ăn chính để phục vụ phát triển chăn nuôi của bà con nông dân bản Chanh.

Bản Chanh là bản vùng Mường của huyện Bắc Yên, với trên 100 hộ. Những năm gần đây, được các cấp ủy chính quyền, đặc biệt là các cấp Hội Nông dân của huyện vận động tuyên truyền, các hộ dân trong bản thi đua phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Nhà ít thì chăn nuôi 7, 8 con trâu, bò, nhà nhiều thì đến cả vài chục con. Cũng từ phát triển chăn nuôi, đời sống của bà con nông dân trong bản khấm khá hơn, có của ăn của để, nhà nào cũng sắm được xe máy, tivi, tủ lạnh, xây được nhà.

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên - Ảnh 1.

Huyện vùng cao Bắc Yên tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình ông Đinh Văn Bia là một trong những hộ gia đình chăn nuôi tiêu biểu ở bản Chanh. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán từ 9-10 con bò, cho thu gần 150 triệu đồng. Ông Bia chia sẻ: Trước đây, gia đình phụ thuộc vào việc trồng cây ngô, cây sắn trên nương, có chăn nuôi trâu, bò cũng nhỏ lẻ để lấy sức kéo, cho nên thu nhập của gia đình hạn hẹp. Năm 2012, sau khi được vận động tuyên truyền, với số vốn tích cóp của gia đình, tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua bò giống và chuyển đổi 0,5 ha diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò.

"Trước kia gia đình chỉ chăn nuôi giống bò cỏ địa phương, con nhỏ, bán lại được giá thấp. Từ khi được Nhà nước hỗ trợ bò đực giống, đàn bò của gia đình tôi đã được cải thiện, bò đẻ ra con nào con ấy đều cao to, khỏe mạnh, bán được giá cao. Năm nào gia đình tôi cũng duy trì đàn bò từ 20-25 con, nhờ chăn nuôi bò, gia đình tôi có của ăn của để, có tiền để xây nhà" ông Bia nói.

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên - Ảnh 2.

Mô hình trồng cỏ, nuôi bò của gia đình ông Đinh Văn Bia, bản Chanh, xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Từ một hộ nông dân thực hiện có hiệu quả, phong trào phát triển chăn nuôi tại bản Chanh đã được lan rộng ra cả bản. Gia đình ông Đinh Văn Tếnh cũng đang làm giàu từ phát triển chăn nuôi, ông Tếnh chia sẻ: Nhờ chăm sóc tập trung nên đàn bò lớn nhanh, ít ốm, bệnh. Hiện nay, mỗi năm gia đình xuất bán từ 7-8 con bò. Thực hiện khuyến cáo của ngành nông nghiệp, gia đình ông chủ động phòng, chống dịch bệnh và chuẩn bị đầy đủ thức ăn khô dự trữ nên đàn gia súc của gia đình đều khỏe mạnh, sinh sản nhanh. Lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí từ mô hình nuôi bò này đã đem lại cho gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm.

Trao đổi với phóng viên, Bà Đinh Thị Bích, Chủ tịch UBND xã Song Pe, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: Song Pe là một trong những xã có điều kiện thuận lợi phát triển nuôi gia súc, với hơn 2.300 ha đất sản xuất nông nghiệp gieo trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày, nhiều phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; nhân dân các bản tận dụng diện tích đất bỏ hoang, đất nương trồng cỏ voi làm thức ăn cho đàn gia súc; xây dựng chuồng trại kiên cố, tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc đầy đủ... Đến nay, xã Song Pe mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 80 ha, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 9.800 con.

"Xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư mở rộng diện tích trồng cỏ, xây dựng chuồng trại kiên cố phát triển đàn gia súc. Qua đó, giúp nông dân có thu nhập ổn định" bà Bích nói.

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên - Ảnh 3.

Đến nay, xã Song Pe mở rộng diện tích trồng cỏ voi lên hơn 80 ha, cung cấp thức ăn cho đàn gia súc trên 9.800 con. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân Bắc Yên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tăng số đàn gia súc

Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La cho biết: UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; mở các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi cho nông dân.

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên - Ảnh 4.

Huyện Bắc Yên đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân phát triển chăn nuôi bền vững. Ảnh: Văn Ngọc

Tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, đảm bảo yêu cầu về chất lượng giống cũng như đáp ứng quy chuẩn, quy định pháp luật. Đến nay, toàn huyện trồng trên 1.000 ha cỏ phục vụ chăn nuôi, đưa đàn gia súc đạt 81.240 con, từng bước nâng cao thu nhập từ phát triển chăn nuôi.

"Để tăng số lượng đàn, cũng như chất lượng đàn vật nuôi, huyện Bắc Yên (Sơn La) tập trung tuyên truyền vận động các hộ nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hiệu quả thấp sang trồng cỏ chăn nuôi; hướng dẫn phòng chống đói, rét, dự trữ, sơ chế, chế biến thức ăn cho vật nuôi. Tổ chức tiêm phòng các loại vắc xin, phun khử trùng tiêu độc đạt 100% so với chỉ tiêu giao. Cải tạo đàn bò, dê địa phương bằng phương pháp đổi đực giống, cung ứng giống bò lai sind để cải tạo đàn bò địa phương", bà Hương nói.

Phát triển chăn nuôi bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân vùng cao Bắc Yên - Ảnh 5.

Nông dân huyện Bắc Yên đẩy mạnh trồng cỏ nuôi bò để nâng cao thu nhập. Ảnh: Văn Ngọc

Huyện Bắc Yên phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc của huyện đạt trên 100.000 con; nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật; mở rộng diện tích trồng cỏ, thực hiện phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; giúp người dân vùng cao nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Văn Ngọc