Phạt chủ rác Đa Phước 1,5 tỉ đồng chỉ là "mắt muỗi"

Nguyễn Văn Thọ Thứ sáu, ngày 16/06/2017 05:40 AM (GMT+7)
Khi tôi ở Đức, để tiết kiệm 10 Eu giá thay dầu ở gara hay trạm xăng, tôi đã tự mình thay dầu xe (có khay đựng hứng dầu thừa) ở vườn nhà, người hàng xóm già tốt bụng người Đức, đã thông báo cảnh sát để phạt tôi 500 Đê Mác (D.Mark - tiền Đức cũ, xưa 2 mác bằng 2 Euro, hiện tại tỉ giá hối đoái tương đương 500 Euro).
Bình luận 0

Báo chí chính thống đưa tin Tổng cục Môi trường ra quyết định phạt, thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, đối với Công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (VWS - chủ đầu tư bãi rác Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM) tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. 

Một tỉ rưỡi, quả là số tiền cực lớn so với việc xử phạt hành chính nào đó trong lịch sử phạt ở Việt Nam đối với một tư nhân sinh hoạt và sống ở một địa phương nào đó. Nhưng số tiền ấy - 1, 5 tỉ - thực là như mắt muỗi cho một gia thế siêu giàu, một công ty tư nhân xử lí rác thải bằng phương pháp chôn cất rác, tiền chênh lệnh so với các đơn vị khác cũng xử lí với công nghệ cũ là 67.384 đồng/tấn rác. 

img

Chủ đầu tư của rác Đa Phước là VWS bị xử phạt 1,5 tỉ đồng

Như vậy, để xử lý 2.000 tấn rác mỗi ngày, với giá tương đương số tiền 6.000 đô la, tức là 138 triệu đồng Việt Nam. Như thế số tiền phạt 1.5 tỉ đồng chỉ là số tiền của 12 ngày thu tiền lãi ròng mà thành phố Hồ Chí Minh chi trả cho chủ bãi rác Đa Phước.

Và, rõ ràng như ban ngày, mặc dù việc bãi rác Đa Phước, Thủ tướng đã quan tâm, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình yêu cầu Thanh tra, Chính phủ phối hợp với các bộ ngành và UBND TP.HCM làm rõ các sai phạm của bãi rác Đa Phước thì việc xử phạt là như hạt muối bỏ bể. 

Tựa như hạt muối bỏ bể, hẳn chủ rác Đa Phước sẽ “phấn khởi“ chấp hành ngay mức phạt trên. Những ô nước thải ứ đọng ở rác Đa Phước vẫn còn đó để ngày ngày bốc mùi thối tởm lợm cho hàng vạn hộ gia đình. Những hố chôn rác vẫn âm ỉ ngày đêm tiết chất độc, chất kim loại nặng, các chất độc khác vẫn rò rỉ chảy, hòa tan vào lòng đất, vào nguồn nước ngầm, di hại cho khu vực. 

Khi tôi ở Đức, để tiết kiệm 10 Eu giá thay dầu ở gara hay trạm xăng, tôi đã tự mình thay dầu xe (có khay đựng hứng dầu thừa) ở vườn nhà, người hàng xóm già tốt bụng người Đức, đã thông báo cảnh sát để phạt tôi 500 Đê Mác (D.Mark - tiền Đức cũ, xưa là 2 mác bằng 2 Euro, hiện tại tỉ giá hối đoái tương đương 500 Euro).

Sau này gặp lại ông, người già Đức buồn, nói nhẹ nhàng bảo người Việt Nam bé nhỏ cần cù, là tôi: “Cậu nhìn kìa, dầu là loại chất dính nhớt. Cậu cẩn thận đến đâu thì vẫn có vài giọt chảy ra cái vít kia và rớt xuống vườn. Ai cũng như cậu thì mảnh đất của chúng ta sẽ nhiễm độc. Con cháu chúng ta sẽ chịu hậu quả khi sống ở đây”.

Rõ ràng, nếu so sánh hai nước Đức và Việt thì thành khập khiễng quá nhưng điều cần bàn ở đây là nhận thức vấn đề môi trường thì chúng ta không thể kém hơn bất kì một nước tiên tiến nào. Đó là đòi hỏi có tính khách quan trong tiến trình xây dựng đất nước ở góc độ hòa nhập với thế giới. 

Vậy mặc nhiên có thể nói, với những gì đã gây ra, việc xử phạt chủ bãi rác Đa Phước là quá nhẹ và có phần định tính. Hay chăng có sự xuê xoa và thiếu công bằng nào đó trong việc xử lí rác Đa Phước? 

Sự thiếu công bằng ở đây tôi muốn nói  tới là quyền lợi của các đối tác, khách thể và chủ thể trong xã hội, mà chính quyền và luật  pháp là người cầm cân nẩy mực. Xử lí với một doanh nghiệp tư nhân như thế liệu có công bằng chưa? Đã đúng với những gì cả ngàn người dân lao động ở đây thiệt hại, đang  hứng chịu thiệt thòi về sự an ninh của môi trường trong đời sống lâu dài của họ chưa?

Tôi chợt nhớ câu nôm na của Cụ Karl Marx: “Với lợi nhuận 300% thì nó chẳng từ một tội ác nào“. Lợi nhuận ở đây là khủng khiếp, 1,5 tỉ đồng dù là “kỷ lục xử phạt” thì cũng là mắt muỗi với chủ rác Đa Phước mà thôi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem