Bình Dương: Xét xử cựu tỉnh uỷ viên và nhiều cán bộ vì sai phạm về đất đai

Văn Dũng Thứ hai, ngày 04/11/2019 10:01 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hồng Khanh, cựu tỉnh ủy viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) cùng 6 bị cáo khác bị TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử ngày 4/11 do cáo buộc liên quan đến những sai phạm về lĩnh vực đất đai. 
Bình luận 0

Sáng 4/11, TAND tỉnh Bình Dương đã đưa ra xét xử vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí. Đây là vụ án có liên quan đến cựu tỉnh ủy viên, cựu bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh cùng với các bị cáo Nguyễn Huy Hùng - cựu giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Nguyễn Quang Lộc - cựu Phó trưởng Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp BIDV (cùng Chi nhánh Tây Sài Gòn) và 4 bị cáo khác gồm: Lê Hoài Linh (cựu giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Thành Luân (cựu cán bộ đo vẽ Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát), Nguyễn Minh Tâm (cựu Phó Chủ tịch UBND xã An Tây, thị xã Bến Cát) và Đặng Văn Thọ (cựu cán bộ địa chính UBND xã An Tây) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

img

Cựu Bí thư thị xã Bến Cát Nguyễn Hồng Khanh được dẫn giải đến toà. Ảnh: V.D

Riêng bà Hồ Thị Hiệp (người cầm cố đất ở BIDV) đã qua đời vào năm 2016 nên cơ quan tố tụng không truy cứu trách nhiệm. 

Đúng 7h30, các bị cáo được dẫn giải đến toà. Riêng bị cáo Nguyễn Hồng Khanh được dẫn giải đến toà lúc 8h30. Có tổng cộng 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó có 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Khanh. 

Theo cáo trạng truy tố của VKSND tỉnh Bình Dương, bà Hồ Thị Hiệp cầm cố hàng chục ha đất tại BIDV chi nhánh Tây Sài Gòn để vay hàng chục tỷ đồng. Sau thấy bà Hiệp không thể trả nợ, cán bộ BIDV Tây Sài Gòn đồng ý cho bà bán đất đã thế chấp để trả nợ ngân hàng. Việc bán đất này phải có sự giám sát của cán bộ ngân hàng.

img

Trước khi phiên toà diễn ra, gia đình ông Khanh đã gửi đơn kêu oan, cho rằng cơ quan tố tụng Bình Dương đã hình sự hóa quan hệ dân sự (mua bán, sang nhượng đất). Ảnh: V.D

Thông qua người môi giới, ông Khanh (lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) biết bà Hiệp muốn bán đất nên tới hỏi mua. Bà Hiệp cho biết số đất định bán đang thế chấp ở BIDV nên ông Khanh yêu cầu bà Hiệp phải xin được giấy ngân hàng xác nhận cho bà Hiệp bán đất thì ông Khanh mới mua. 

Bà Hiệp tới ngân hàng trình bày thì cán bộ ngân hàng đồng ý. Sau đó, 3 bên gồm ông Khanh, bà Hiệp và cán bộ ngân hàng đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất (hợp đồng 3 bên).

Từ năm 2012 đến năm 2015, ba bên đã làm hợp đồng mua bán tài sản thế chấp 4 lần. Tổng cộng ông Khanh mua được hơn 18ha đất mà bà Hiệp cầm cố tại BIDV. 

img

Các bị cáo trong phiên toà đều là những cán bộ ngân hàng và cán bộ quản lý đất đai của thị xã Bến Cát. Ảnh: V.D

Cơ quan tố tụng Bình Dương cho rằng vụ mua bán này là sai quy định, quy trình xử lý tài sản thế chấp, gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước vì BIDV là ngân hàng thuộc nhà nước. 

Theo cơ quan tố tụng, hơn 18ha đất mà bà Hiệp thế chấp trị giá hơn 45 tỷ đồng nhưng sau khi bán cho ông Khanh ngân hàng chỉ thu về được hơn 10 tỷ đồng, nhà nước lỗ hơn 35 tỷ đồng. Từ đó, ông Khanh và cán bộ ngân hàng bị truy tố tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí.

img

Phiên toà dự kiến diễn ra trong 4 ngày. Ảnh: V.D

Trước khi phiên tòa mở, gia đình bị cáo Nguyễn Hồng Khanh đã gửi đơn kêu oan, cho rằng cơ quan tố tụng Bình Dương đã hình sự hóa quan hệ dân sự (mua bán, sang nhượng đất).

Phiên toà dự kiến diễn ra trong 4 ngày, từ ngày 4 – 7/11/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem