Pacific Holdings – “Game mới” tại Vinaconex của Chủ tịch Đào Ngọc Thanh

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 06/03/2022 18:55 PM (GMT+7)
1 tháng sau khi được thành lập mới, Công ty Cổ phần Đầu tư Pacific Holdings (Pacific Holdings) - doanh nghiệp thay thế An Quý Hưng trở thành công ty mẹ của Vinaconex, đã cầm cố gần 127 triệu cổ phiếu VCG của Vinaconex tại nhà băng.
Bình luận 0

Công ty TNHH An Quý Hưng - công ty mẹ của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG) đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ gần 278 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 62,9% vốn điều lệ.

Sau giao dịch, An Quý Hưng không còn nắm cổ phiếu nào của Vinaconex. Thời gian thực hiện giao dịch là ngày 23/02/2022.

Pacific Holdings - Doanh nghiệp "4 tháng tuổi" nắm quyền chi phối Vinaconex

Bên nhận chuyển nhượng là Công ty Cổ phần Đầu tư Pacific Holdings (Pacific Holdings). Như vậy, sau giao dịch Pacific Holdings chính thức thay thế An Quý Hưng trở thành công ty mẹ của Vinaconex.

Giá trị giao dịch tính theo mệnh giá là hơn 2.778 tỷ đồng. Tạm tính theo thị giá chốt phiên giao dịch ngày 23/02 (44.400 đồng/cp), lô cổ phiếu chuyển nhượng này có giá trị khoảng 12.336 tỷ đồng.

Pacific Holdings – “Game mới” tại Vinaconex của Chủ tịch Đào Ngọc Thanh - Ảnh 1.

Biến động giá cổ phiếu VCG của Vinaconex. (Nguồn: Vietstock)

Còn nhớ, tại thời điểm cuối năm 2018 thị trường xôn xao trước thông tin An Quý Hưng – công ty có vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng (cuối năm 2018) bất ngờ trở thành công ty mẹ của Vinaconex, trong khi đó, vốn hóa của Vinaconex lên tới 12.000 tỷ đồng, tổng tài sản tính đến cuối 2018 cũng vượt 20.000 tỷ.

Chưa hết, ở thời điểm thâu tóm Vinaconex, An Quý Hưng vẫn là một cái tên khá lạ lẫm, chưa được biết đến trên bản đồ doanh nghiệp Việt Nam song lại "gây sốc" giới tài chính khi đã vượt qua nhiều đối thủ khi chi tới 7.400 tỷ đồng để mua lô cổ phiếu Vinaconex do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán, tức cao hơn khoảng 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm SCIC đưa ra. Vì vậy, nguồn tiền gần 7.400 tỷ An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex luôn là một câu hỏi lớn nhận được sự quan tâm của thị trường tại thời điểm đó.

Pacific Holdings – “Game mới” tại Vinaconex của Chủ tịch Đào Ngọc Thanh - Ảnh 2.

Tổng hợp báo cáo tài chính Vinaconex.

Về phía Vinaconex, sau khi về tay An Quý Hưng, tình hình kinh doanh của Vinaconex đến nay vẫn chưa có nhiều đột phá.

Năm 2021, dù tăng trưởng dương về doanh thu, song lợi nhuận trước thuế của Vinaconex vẫn "bốc hơi" gần 66% so với năm 2020, đạt 726 tỷ đồng - mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vinaconex là 31.194 tỷ đồng, tăng 60% so với đầu năm. Tuy nhiên nợ phải trả của công ty đã tăng 90% lên 23.554 tỷ đồng, cao gấp 3 lần vốn chủ sở hữu và chiếm khoảng 75% nguồn vốn.

Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng vọt lên 154%, trong các năm liền trước tỷ lệ này chỉ giao động từ 52% - 61%.

Pacific Holdings – “Game mới” tại Vinaconex của Chủ tịch Đào Ngọc Thanh - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính Vinaconex.

Pacific Holdings thế chấp gần 127 triệu cổ phiếu VCG tại ngân hàng

Quay trở lại với thương vụ chuyển nhượng gần 278 triệu cổ phiếu giữa An Quý Hưng và Pacific Holdings.

Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Pacific Holdings được thành lập vào ngày 12/11/2021 – tức là chỉ gần 4 tháng trước khi nắm quyền chi phối Vinaconex. Người đại diện pháp luật là ông Trần Đình Tuấn, sinh năm 1978. Đáng nói, dù là doanh nghiệp non trẻ nhưng số vốn điều lệ của Pacific Holdings lên tới 7.100 tỷ đồng.

Trên thực tế, Pacific Holdings là công ty con do An Quý Hưng sáng lập và nắm 99,92% vốn điều lệ (khoảng 7.094 tỷ đồng). Như vậy, An Quý Hưng không hoàn toàn rút khỏi Vinaconex mà thay vào đó, gián tiếp sở hữu Vinaconex thông qua Pacific Holdings.

Pacific Holdings – “Game mới” tại Vinaconex của Chủ tịch Đào Ngọc Thanh - Ảnh 4.

Nguồn: Đăng ký doanh nghiệp

Hoạt động chính của Pacific Holdings là kinh doanh bất động sản, cụ thể như mua bán nhà, công trình xây dựng, cho thuê nhà, công trình xây dựng; Cho thuê mua nhà, công trình xây dựng; chuyển nhượng, cho thuê lại quyền sử dụng đất; Dịch vụ quản lý bất động sản.

Các cổ đông còn lại đều là các lãnh đạo thượng tầng tại Vinaconex gồm ông Đào Ngọc Thanh (Chủ tịch HĐQT), ông Dương Văn Mậu (Thành viên HĐQT), ông Nguyễn Xuân Đông (Thành viên HĐQT – Tổng Giám đốc), ông Nguyễn Hữu Tới (Thành viên HĐQT) đều sở hữu 0,02% vốn tại doanh nghiệp.

Tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, dù là doanh nghiệp gần 4 tháng tuổi, nhưng Pacific Holdings đã ghi nhận một giao dịch bảo đảm trước khi An Quý Hưng công bố thông tin chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng gần 278 triệu cổ phiếu VCG.

Theo đó, tại thời điểm ký hợp đồng (14/12/2021) - 1 tháng sau khi đăng ký thành lập mới, tài sản bảo đảm là toàn bộ số chứng khoán (hình thành trong tương lai do đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục chuyển giao/ đăng ký sở hữu hay đã hình thành/ tài sản hiện có) thuộc sở hữu của Bên bảo đảm là Pacific Holdings bao gồm: 126.667.607 cổ phiếu do Vinaconex phát hành ("Cổ Phiếu Cầm Cố") với tổng mệnh giá gần 1.267 tỷ đồng, cùng toàn bộ cổ phiếu sau khi bị chia tách, cổ phiếu thưởng, quyền mua cổ phiếu mới, cổ phiếu phát hành thêm, cổ tức bằng tiền mặt, cổ tức bằng cổ phiếu, và các quyền lợi phái sinh khác liên quan đến số Cổ Phiếu Cầm Cố này.

Tại thời đó, tài sản bảo đảm hiện đang được niêm yết để giao dịch tại Sở Giao Dịch Chứng Khoán Hà Nội (HNX), được lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và được quản lý bởi Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS . Toàn bộ trái phiếu và cổ phiếu nêu trên chưa được đăng ký tập trung tại tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoánViệt Nam

Trừ tàu bay, tàu biển, hoặc quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thuộc thẩm quyền đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem