Ở một huyện của tỉnh Thái Bình có 400 hộ cấy từ 2 mẫu lúa, hộ nhiều lên đến 50 mẫu

Thứ bảy, ngày 17/06/2023 17:00 PM (GMT+7)
Nhờ mạnh dạn làm theo hướng mới, những nông dân này ở huyện Đông Hưng (Thái Bình) đã biến đất thành vàng.
Bình luận 0

Cái nắng chói chang của ngày hè làm rạng rỡ thêm nụ cười của anh Trần Công Giàu, xã Đông Sơn (huyện Đông Hưng, Thái Bình) bên những ruộng lúa trĩu bông. Anh Giàu hiện là người có diện tích tích tụ cấy lúa hàng hóa nhiều nhất huyện. Những thửa ruộng do anh tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào gieo cấy, chăm sóc thường ít sâu bệnh, luôn cho năng suất, giá trị kinh tế cao.

Anh Giàu chia sẻ: Tiếc “bờ xôi ruộng mật” do bà con không cấy, tôi thuyết phục vợ mượn lại ruộng để cấy lúa hàng hóa. Tùy theo nhu cầu của thị trường tôi để chọn giống cấy, như vài vụ gần đây tôi cấy chủ yếu là nếp Đài Loan, lúa Nhật, TBR 225. Để giảm công lao động, để nghề nông đỡ vất vả, với sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh tôi mạnh dạn đầu tư mua máy cày, máy bừa, máy gặt cỡ lớn phục vụ sản xuất, áp dụng cấy máy mạ khay, ký kết với công ty tổ chức diệt chuột, phun thuốc trừ sâu bằng máy bay…

Nhiều ruộng nên anh thường dành phần lớn thời gian của mình từ ngày gieo cấy đến khi thu hoạch để kiểm tra, kịp thời chăm bón, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Với cách làm chuyên nghiệp đó, các thửa ruộng của gia đình anh năng suất thường cao hơn các hộ khác từ 30 - 40kg/sào. Cấy lúa thương phẩm, chất lượng cao, vì vậy cứ tới vụ thu hoạch là thương lái tìm về tận ruộng nhà anh để mua thóc tươi. 

Vẫn những mảnh ruộng xưa bà con cấy cày nhưng hiệu quả không cao thì nay anh Giàu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lại trở thành đại điền chủ nổi tiếng trong cả tỉnh, mỗi vụ thu từ lúa trên 800 triệu đồng. Nguồn thu mà trước đây chính bản thân anh Giàu cũng không dám nghĩ tới nay nhờ tích tụ hiệu quả đã thành hiện thực.

Ở một huyện của tỉnh Thái Bình có 400 hộ cấy từ 2 mẫu lúa, hộ nhiều lên đến 50 mẫu - Ảnh 1.

Mỗi năm anh Đặng Tất Tuân (đứng thứ nhất bên phải) ở xã Phú Châu (Đông Hưng, Thái Bình) thu từ lúa và làm dịch vụ cho bà con trên 1 tỷ đồng.

Đông Sơn là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn 400ha, song mấy năm gần đây thiếu lao động sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhờ cơ chế, chính sách hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp đã có khoảng 20 hộ nông dân mạnh dạn thuê, mượn ruộng cấy từ 5 mẫu đến 50 mẫu, tổng diện tích tích tụ cả xã hiện tăng lên gần 100 mẫu.

Anh Nguyễn Văn Quang, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Sơn cho biết: Trước đây, Đông Sơn do thiếu lao động có một số diện tích ruộng bỏ hoang, việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn bởi người trẻ đi công ty việc đồng áng toàn người cao tuổi đảm nhận, vì vậy năng suất lúa thấp. Thời gian qua, nhiều hộ mạnh dạn tích tụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó đến nay xã không còn ruộng bỏ hoang, năng suất lúa luôn dẫn đầu huyện.

từ ngày thuê, mượn ruộng của những hộ không cấy để sản xuất lớn, anh Đặng Tất Tuân, xã Phú Châu (Đông Hưng) từ người phải đi làm thuê, làm mướn đã trở thành đại điền chủ với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Ở một huyện của tỉnh Thái Bình có 400 hộ cấy từ 2 mẫu lúa, hộ nhiều lên đến 50 mẫu - Ảnh 2.

Anh Lê Đức Tuấn, 5 năm qua đã biến những mảnh ruộng manh mún, cấy không hiệu quả thành những cánh đồng vàng.

Anh Tuân cho biết: Vụ xuân 2023 gia đình tôi cấy 32 mẫu, tăng so với vụ trước 2 mẫu, 60% diện tích cấy lúa TBR 225. Tôi đã đầu tư gần 1 tỷ đồng mua các loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất vừa để giảm công lao động, giảm chi phí đầu vào vừa tăng năng suất, giá trị nông sản. Cứ đến mùa vụ là tôi phải thuê thêm 2 - 3 người điều khiển các loại máy móc làm đất, cấy và thu hoạch cho diện tích của gia đình và làm dịch vụ cho bà con. 

Rút kinh nghiệm từ những vụ trước bị thất thu do đến kỳ thu hoạch thì mưa to, lúa mộng và bị tư thương ép giá, tôi đã tự nghiên cứu xây lò sấy để sấy lúa. Gặt đến đâu tôi sấy khô luôn đến đó, giảm công phơi mà lúa sấy khô bảo đảm chất lượng, bao giờ được giá thì mới xuất bán, so với bán thóc tươi tại ruộng thì lãi hơn nhiều. Vụ nào mưa, tôi còn sấy lúa cho bà con. 

Vụ xuân này dù đầu vụ ít mưa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa nhưng tôi chú trọng làm tốt việc bón thúc, lúa ít sâu bệnh chỉ phải phun 1 lần, chuột không gây hại vì có công ty đánh đồng loạt. Do vậy, lúa của gia đình đến kỳ thu hoạch lá vẫn khỏe, bông to, hạt mẩy, duy trì năng suất 2,2 - 2,4 tạ/sào. Vụ này gia đình thu được trên 65 tấn thóc khô.

Thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang cánh đồng lớn, ruộng không bờ, nhiều nông dân xã Đông Xá còn làm chủ máy móc hiện đại, cấy lúa thương phẩm, biến những cánh đồng không có thu hoạch thành những cánh đồng vàng bội thu.

Anh Lê Đức Tuấn là một trong những điển hình nông dân trẻ đã thành công với cây lúa. Anh Tuấn chia sẻ: Nhà tôi con nhỏ, vì vậy vợ chồng không đi làm công ty như mọi người mà 5 năm nay chọn ở nhà làm nông nghiệp, mượn, thuê lại 12 mẫu ruộng của bà con để cải tạo cấy chủ yếu lúa nếp Đài Loan, lúa Nhật. Có máy móc hỗ trợ do đó công việc của nhà nông giờ nhàn mà hiệu quả hơn trước. Lúa năm nay được mùa, năng suất đạt khoảng 2,4 tạ/sào. Gặt xong tôi bán lúa tươi, đỡ công phơi và không phải bảo quản. Trước đây tôi cấy lúa không có lãi, giờ cấy nhiều, không phải bỏ tiền thuê máy móc, mỗi sào cũng lãi 500.000 - 700.000 đồng.

Toàn huyện Đông Hưng hiện có trên 400 hộ nông dân tích tụ ruộng cấy từ 2 mẫu trở lên, trong đó có nhiều hộ cấy từ 20 mẫu đến 50 mẫu. Tích tụ ruộng đất đã làm “thay da đổi thịt” những cánh đồng phân tán, nhỏ lẻ, nhiều vùng đất hoang hóa nay đã được hồi sinh, mở ra xu hướng mới cho sản xuất lúa, tạo động lực để người nông dân gắn bó với đồng ruộng. 

Sau vụ gặt, ruộng đồng đang tiếp tục “cựa mình” sẵn sàng chờ đón không khí rộn ràng của những đợt chuyển đổi, tích tụ ruộng đất mới để chuẩn bị cho vụ mùa 2023.

Thu Hiền (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem