“Nuôi” hát xẩm bằng thơ đương đại: Cuộc chơi… thử nghiệm

Thứ bảy, ngày 07/11/2015 13:00 PM (GMT+7)
Thay vì những vần thơ bất hủ của Nguyễn Bính, Tản Đà… quen thuộc trong hát Xẩm, không ít khán giả sẽ phải ngạc nhiên khi thấy NSND Xuân Hoạch ngồi bên chiếu Xẩm ngân nga câu hát...
Bình luận 0

“Tiết canh Hàng Bút, Hàng Phèn/Bún xuôi Tô Tịch phở lên Hàng Đồng/Cháo lòng chợ Đuổi, Hàng Bông/Nhật Tân, Âm phủ mênh mông thịt cầy.”

Đây vốn là những câu thơ trong bài “Cơm bụi ca” của nhà thơ Nguyễn Duy, được NSND Xuân Hoạch “Xẩm hóa” và từng được biểu diễn ở nhiều chiếu Xẩm khắp trong Nam ngoài Bắc. Bên cạnh đó, còn có một vài bài thơ đương đại khác được các nghệ nhân chuyển thể sang loại hình hát xẩm, như: “Tre Việt Nam” hay “Xẩm ngọng” của Nguyễn Duy.

Từ thơ đương đại đến “xẩm đương đại”

Xẩm là một loại hình dân ca của miền Bắc Việt Nam, với ca từ chủ yếu là thơ lục bát, lục bát biến thể có thêm các tiếng láy, tiếng đệm cho phù hợp với làn điệu. Trước đây, được diễn ca trong hát Xẩm thường là thơ Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Tản Đà... Vài năm gần đây, kể từ khi hát Xẩm vươn dậy mạnh mẽ trở lại trong đời sống âm nhạc dân tộc, các nghệ sĩ đã tìm đường làm mới Xẩm bằng cách sử dụng những vần thơ lục bát của các thi nhân đương đại, tạo nên những “đứa con chung” từ tinh hoa thơ hiện đại và nhạc cổ truyền. Đây là việc mà nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vỹ gọi là “đưa thơ về với cội nguồn của nó”.

img

Đáng mừng là, việc thổi hồn đương đại vào một thể loại âm nhạc dân gian là Xẩm đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Mới đây nhất, trong đêm diễn “Nhớ mẹ ta xưa” tối 29/10 tại đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG HN), 2 NSND Xuân Hoạch, Thanh Hoài và 3 NSƯT Thanh Bình, Vũ Ngọc, Hữu Đạt thuộc nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” đã khiến khán giả vỗ tay không ngớt khi ca những câu Xẩm hết sức hiện đại. Trước đó, mấy ai nghĩ rằng mình sẽ được nghe các nghệ nhân Xẩm ngân nga những câu kiểu như: “Cực kỳ gốc sấu bóng me/Cực ngon cực nhẹ cực nhòe em ơi” hay “Rủ nhau cơm bụi giá bèo/Yêu nhau theo mốt nhà nghèo... vô tư!” của “Cơm bụi ca” (thơ Nguyễn Duy).

Để làm nên những tiết mục Xẩm dựa trên những vần thơ đương đại ấy, các nghệ sĩ đã phải trăn trở tìm cách bẻ làn, nắn điệu sao cho thơ hiện đại và nhạc cổ truyền quyện hòa làm một. Đây là một công việc lắm công phu, bởi tìm được một bài thơ lục bát đương đại hay đã khó, chuyển thể nó sang làn điệu Xẩm còn khó hơn nhiều lần. Đó là lí do vì sao các nghệ sĩ của “Đông Kinh cổ nhạc” lại ưu ái lựa chọn những bài thơ lục bát chân phương, mộc mạc, mang hơi thở dân gian của Nguyễn Duy để “Xẩm hóa”.

Có thể nói, việc đưa thơ đương đại vào Xẩm là một cuộc chơi và cũng là một cuộc thử nghiệm của các nghệ sĩ cho một xu hướng “xuất bản thơ” mới. Cuộc thử nghiệm ấy, nếu thành công, sẽ tạo ra một cú hích đưa Xẩm đến gần hơn với công chúng ngày nay, vốn ưa thích và có xu hướng tìm đến những sản phẩm nghệ thuật độc đáo gắn mác “tân cổ giao duyên” trong làn sóng trỗi dậy mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc dân tộc.

“Khát” vốn thơ để “xẩm hóa”

Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đã khẳng định: “Tôi thấy tương lai của xẩm rất rộng mở. Đơn cử là đoàn xẩm của Trung tâm Phát triển âm nhạc truyền thống có tới 16 suất diễn/tuần, điều mà không phải nhà hát nào cũng làm được. Chỉ có điều chúng ta có sáng tác kịp để đáp ứng nhu cầu của công chúng hay không”. “Sáng tác” ở đây được hiểu là sáng tác thơ và chuyển thể lời thơ ấy sang làn điệu Xẩm, chủ yếu là thơ lục bát. Ông cũng nói thêm, trong địa hạt thơ lục bát, các nhà thơ chưa lão thành sẽ rất khó tìm chỗ đứng bởi thơ lục bát “dễ sáng tác nhưng khó hay”.

Trên thực tế, số lượng các nhà thơ mới sáng tác thơ lục bát và số lượng các bài thơ lục bát đương đại được công chúng yêu thích là không nhiều, nếu so sánh với các thể thơ khác. Bởi vậy, dù đã tìm được một hướng đi mới đáng kỳ vọng cho Xẩm là sử dụng lời thơ đương đại, nhưng các nghệ nhân Xẩm lại vấp phải một khó khăn khác: lấy thơ lục bát mới ở đâu?

Bản thân nhà thơ Nguyễn Duy cũng không chủ định tìm đến các nghệ nhân xẩm để “Xẩm hóa” các bài thơ của mình, hay sáng tác các bài thơ dành riêng cho làn điệu Xẩm. Ông nói: “Trong cuộc chơi này, tôi là người bị động.

Các nghệ nhân tự thấy thích những bài thơ của tôi rồi tự chuyển thể nó. Và sau đó tôi bị cuốn theo để rồi cùng tham gia vào cuộc chơi ấy với họ”. Từ đó, có thể thấy, công cuộc “nuôi” Xẩm bằng thơ đương đại gần như vẫn chỉ là cuộc hành trình của riêng những nghệ nhân Xẩm, bởi những nhà thơ đồng hành như Nguyễn Duy chưa nhiều. Các nghệ nhân vừa phải “đãi cát tìm vàng” để chọn ra những bài thơ đương đại phù hợp với xẩm, vừa phải chuyển thể nó sao cho giữ được tinh hoa làn điệu Xẩm và giữ được cả linh hồn của bài thơ.

Trong lúc chờ đợi các nghệ nhân Xẩm tìm được thêm những bài thơ mới để “Xẩm hóa”, chờ đợi các nhà thơ sáng tác thêm những tác phẩm dành riêng cho làn điệu Xẩm, có một tin vui cho các khán giả yêu thích các bài Xẩm mang hơi thở đương đại là: nhà thơ Nguyễn Duy cùng các nghệ sĩ thuộc nhóm “Đông Kinh cổ nhạc” đang tích cực gây dựng kinh phí để thực hiện tour diễn toàn quốc.

Biết đâu sau tour diễn này, sẽ có thêm nhiều nhà thơ bị cuốn vào cuộc chơi giống như Nguyễn Duy để rồi khán giả lại gặp: “Tôi thấy thơ đương đại trong nhạc cổ truyền.”

Hạnh Trang (Phụ nữ Thủ đô)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem