Nuôi loại thú ham ăn mía, gặm tre, chăm rất nhàn, nông dân 9X Quảng Bình bán làm đặc sản

Quang Tuyển - Trần Anh Thứ năm, ngày 17/08/2023 05:07 AM (GMT+7)
Anh Phạm Hùng Nhật (ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đi học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi rồi về quê nuôi thử. Anh làm chuồng trại, trồng tre, mía, sắn để nuôi con dúi, một loài gặm nhấm. Nhật chia sẻ, nuôi dúi hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao và có triển vọng làm giàu.
Bình luận 0

Nông dân 9X nuôi dúi má đào

Trò chuyện với PV Dân Việt, anh Phạm Hùng Nhật (SN 1995, thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) chia sẻ: "Năm 2013, tôi tốt nghiệp trung học phổ thông rồi không thi vào đại học mà ở nhà lao động giúp đỡ bố mẹ. Đến năm 2015, tôi quyết định du học ở Nhật Bản. Nói là du học nhưng thực chất sang bên đó vừa học vừa đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và giành dụm gửi về cho ba mẹ trả nợ".

Quảng Bình: 9x khởi nghiệp từ việc nuôi con đặc sản, thích ăn mía, gặm tre sồn sột cả ngày - Ảnh 1.

Anh Phạm Hùng Nhật (SN 1995, thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cầm trên tay con dúi mà anh nuôi hơn 3 tháng qua. Ảnh: Quang Tuyển

Theo Phạm Hùng Nhật, năm 2019, sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, Nhật đi làm được một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát. Giữa năm 2021, Nhật phải về Việt Nam tránh dịch.

Trong thời gian cách ly ở nhà để phòng chống dịch Covid-19, Hùng Nhật suốt ngày làm bạn với chiếc máy tính. Tình cờ anh đọc được một số bài viết làm giàu từ nuôi dúi ở các tỉnh phía Bắc.

Đến đầu năm 2022, dịch Covid-19 được khống chế, mọi hoạt động cơ bản trở lại bình thường, Nhật khăn gói theo các địa chỉ mà anh đã ghi chép rồi tìm đến các cơ sở nuôi dúi từ Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Quảng Ninh và Gia Lai để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm.

Nhật thường xin lưu trú ở các cơ sở chăn nuôi dúi từ 3 đến 5 ngày để quan sát, tìm hiểu và ghi chép cẩn thận cách thức làm chuồng trại, thức ăn và chăm sóc, phòng bệnh cho dúi. 

Sau hơn 1 năm rưỡi trau dồi kinh nghiệm nuôi dúi. Nhật quay trở về quê hương rồi khởi nghiệp nuôi dúi và tận dụng 3,5 ha đất đồi của gia đình để trồng các loại cây làm thức ăn cho dúi, như: tre, mía, ngô, khoa, sắn....

Quảng Bình: 9x khởi nghiệp từ việc nuôi con đặc sản, thích ăn mía, gặm tre sồn sột cả ngày - Ảnh 2.

Phạm Hùng Nhật, nông dân 9X, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, (tỉnh Quảng Bình) bên chuồng trại nuôi dúi với diện tích 150 m2. Ảnh: Quang Tuyển.

Để có vốn, Nhật đã tới Ngân hàng Chính sách huyện Quảng Ninh để vay 50 triệu từ chương trình cho vay Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn rồi làm làm chuồng trại chăn nuôi với diện tích 150 m2 và mua máy cắt tre, máy xay tre, ngô thành bột...

Những ngày đầu, Nhật chỉ mua 40 cặp dúi má đào từ tỉnh Quảng Ninh về làm giống nuôi sinh sản. Khi đưa giống về cũng là lúc mùa mưa lạnh, do có sự khác biệt về thời tiết nên đàn dúi bị viêm phổi cấp, sốc nhiệt và nhiều con bị chết.

Sau sự cố này, Nhật chú tâm hơn đến việc kiểm soát nhiệt độ cho đàn dúi, anh lắp hai nhiệt kế trong trại để đo nhiệt độ hàng ngày. Huy động nhân công trong gia đình chặt lá cọ che chắn chuồng trại đảm bảo ấm về mùa đông, mát về mùa hè, lắp thêm hệ thống phun sương, quạt mát để giữ nhiệt độ trong chuồng từ 25 - 300C.

Đồng thời, Nhật thời xuyên thay đổi, bổ sung nhiều loại thức ăn giàu dinh dưỡng nên đàn dúi của Nhật chóng phục hồi và tăng trưởng nhanh. Đến nay, đàn dúi đã bắt đầu sinh sản, mỗi dúi mẹ sinh 3 - 5 dúi con.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi con đặc sản

Phạm Hùng Nhật cho biết: "Dúi má đào giống sau 3 tháng xuất chuồng đạt đến 0,5 - 0,7 kg, với giá bán từ 1,5 đến 2 triệu đồng/cặp; dúi thương phẩm nuôi 6 -7 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng hơn 1 kg, có giá từ 2 đến 3 triệu đồng".

Quảng Bình: 9x khởi nghiệp từ việc nuôi con đặc sản, thích ăn mía, gặm tre sồn sột cả ngày - Ảnh 3.

Anh Phạm Hùng Nhật bên máy xay bột tre, ngô làm thức ăn cho con dúi. Ảnh: Quang Tuyển

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi dúi, Nhật nói: "Loại dúi này không thích nhiều ánh sáng. Đặc biệt, thức ăn sẵn có trong vườn, dễ kiếm và chúng ăn ít nên không mất nhiều thời gian chăm sóc.

Dúi có đặc tính ở sạch, khi làm chuồng bố trí lổ để dúi đi vệ sinh phân rơi xuống sàn. Cũng nhờ chúng ăn ít, chất thải ra ít, nên hai ngày vệ sinh chuồng trại một lần".

Theo Phạm Hùng Nhật, một năm dúi sinh sản từ 2 - 3 lứa, mỗi lứa đẻ từ 4 - 7 dúi con. Dúi con được khoảng 60 ngày thì tách mẹ.

Sau khi tách mẹ khoảng 15 ngày, phải cho dúi con ăn bổ sung thêm ngô non, bột tre, các loại đậu thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng.

Thời gian tách dúi con phải thích hợp, nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ.

Vì vậy, khi dúi sinh sản được 2 - 2,5 tháng thì tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm. Việc ghép dúi bố mẹ cũng phải phù hợp, nếu không chúng cắn nhau và không thể phối giống được.

Quảng Bình: 9x khởi nghiệp từ việc nuôi con đặc sản, thích ăn mía, gặm tre sồn sột cả ngày - Ảnh 4.

Dúi là loài gặm nhấm, thích ăn mía và gặm tre sồn sột bán làm con đặc sản cho các nhà hàng, khách sạn, giúp nông dân tăng thu nhập cho anh Nhật, nông dân 9X xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình... Ảnh: Quang Tuyển

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Phạm Hùng Nhật mong muốn được các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân tạo điều kiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để nhân rộng đàn dúi má đào, vừa mua thêm dúi mốc để đa dạng chủng loại, tạo ra nhiều loại dúi thương phẩm.

Đồng thời, Nhật cam kết hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình nuôi dúi, để góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống của bà con ở miền núi Trường Xuân (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem