NSƯT Đức Long và liveshow “35 năm hát tự tình”: Ăm ắp chuyện đời, chuyện tình...

Thanh Hà (thực hiện) Chủ nhật, ngày 12/10/2014 08:06 AM (GMT+7)
“Sau 35 năm mới làm một liveshow của riêng mình, với tôi không phải là quá muộn” - NSƯT Đức Long chia sẻ khi anh đang bận rộn chuẩn bị tổ chức liveshow “35 năm hát tự tình” vào ngày 26.10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bình luận 0

Sau 35 năm, anh mới quyết định làm một liveshow của riêng mình, anh có thể chia sẻ về liveshow cũng như lý do nào đến bây giờ anh mới tổ chức?

- Liveshow đêm nhạc của tôi với tựa đề là “NSƯT Đức Long – 35 năm hát tự tình” sẽ bao gồm cuộc đời và những câu chuyện tình tôi mượn để nói lên 35 năm đi hát của chính tôi. Sẽ có 25 ca khúc của các tác giả như Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Trần Tiến, Phú Quang… và đặc biệt sẽ có 2 nhạc sĩ trẻ cũng có ca khúc trong đêm nhạc này là Việt Anh và Đức Trí.

Điểm nhấn cho đêm nhạc tôi nghĩ đó chính là sự kết hợp song ca giữa tôi và 2 ca sĩ trẻ, thế hệ tiếp nối chúng tôi, ca sĩ Minh Thu với “Như đã dấu yêu” và ca sĩ Ngọc Anh với ca khúc “Khi giấc mơ về”. Tôi cho đây là sự thú vị, điểm xuyết cho đêm nhạc thêm phần bay bổng, nhẹ nhàng sau những ca khúc tiền chiến đầy sâu lắng và da diết kia. Tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp nhất, giọng hát của mình có độ chín để mình làm một liveshow và cũng để tri ân với khán giả, những người đã yêu mến mình.

Đến bây giờ mới quyết định làm liveshow, trong khi với nhiều các bạn trẻ mới đi hát thì chuyện đó khá dễ dàng, có phải anh chọn một lối đi an toàn quá hay không?

- Tại sao tôi lại chọn giải pháp an toàn, bởi tôi không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, mà tôi còn là một nhà giáo đang giảng dạy tại Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương, chính vì vậy tôi không thể làm điều gì để các sinh viên của mình có cái nhìn không tốt về thầy.

Quan điểm
img
NSƯT Đức Long
  Tôi luôn tự tin với bản thân mình, bởi khi mình lao động nghiêm túc, ở một người thợ lành nghề thì ngọc càng mài càng sáng, càng đẹp hơn. Với người thợ khi lần đầu nặn chiếc cốc chắc chắn sẽ không thể đẹp bằng những chiếc cốc tiếp theo và cho đến cốc 100 chắc chắn sẽ còn đẹp nữa...  
Nhưng cũng không phải vì sợ sinh viên nhìn mình với cái nhìn không hay mà tôi né tránh và không đi biểu diễn hay ra sản phẩm âm nhạc. Tôi vẫn thường xuyên đi diễn ở các phòng trà, vừa là niềm vui, cách giải trí đơn thuần mà không mang nặng về kinh tế. Đi hát phòng trà cũng cho tôi những trải nghiệm, những cảm xúc khác với vai trò của một người thầy đứng trên bục giảng. Và mới cách đây 5 tháng tôi đã ra album “Có một ngày” gồm 9 tình khúc của Phú Quang và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sau rất nhiều năm đứng ở vị trí thầy giáo, các lứa học trò có làm anh cảm thấy tự hào?

- Có chứ, rất nhiều học trò cũ của tôi khiến tôi cảm thấy tự hào và hãnh diện, ví dụ như các em Tùng Dương, Hiền Anh ở cuộc thi Sao Mai, ca sĩ Minh Thu cũng được một Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc… Đấy là các em ở Hà Nội, còn nhiều em ở các tỉnh nữa.

Tùng Dương ngày đó còn là một cậu học trò yếu ớt, nhút nhát, nhưng mỗi khi đến kỳ thi Dương luôn thuộc top đầu của khoa. Đến giờ khi thầy trò gặp nhau, Tùng Dương vẫn hay nói đùa, cháu vẫn nhớ mãi hôm đầu tiên vào học lớp của chú, chú bóp mồm cháu đau mà về đến nhà sái hết cả hàm.

Có khi nào anh nghĩ vì anh ở cả hai vị trí vừa là thầy giáo vừa là nghệ sĩ biểu diễn, nên đôi khi anh phải giữ hình ảnh thay vì mình có sự nổi loạn, thể hiện cá tính hơn nữa cho phần biểu diễn của mình?

- Tôi không nghĩ nhiều đến chuyện đó, nhưng với tôi dạy học là một niềm vui, là cách tôi có thể trao đổi nghề nghiệp với các sinh viên, các đồng nghiệp. Khi tôi đi dạy học, tôi cũng học được ở các em rất nhiều, những cái mà tôi không có và các em có. Nên nghề giáo viên cũng là nơi tôi được học hỏi rất nhiều, chứ những lứa ca sĩ cùng tuổi với tôi nhiều nghệ sĩ đã nghỉ hát được 10 năm, trong khi tôi vẫn đi biểu diễn, vẫn hát bởi từ những học hỏi của các em học sinh mà tôi không bị tụt hậu, lỗi thời mà vẫn bắt kịp âm nhạc hiện đại bây giờ.

Tôi luôn tự tin với bản thân mình, bởi khi mình lao động nghiêm túc, ở một người thợ lành nghề thì ngọc càng mài càng sáng, càng đẹp hơn. Với người thợ khi lần đầu nặn chiếc cốc chắc chắn sẽ không thể đẹp bằng những chiếc cốc tiếp theo và cho đến cốc 100 chắc chắn sẽ còn đẹp nữa. Và với giọng hát cũng vậy bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ phải yêu cầu sự tròn trịa. Chỉ có hình ảnh của mình trước khán giả sẽ già đi, sẽ cũ đi mà thôi (cười).

Xin cảm ơn anh!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem