Nộp hàng chục triệu đồng, nhiều lao động "ăn bánh vẽ" đi xuất khẩu lao động tại Đức

Phi Long - Đình Việt Thứ hai, ngày 07/08/2023 08:41 AM (GMT+7)
Từ những thông tin trên mạng xã hội, hàng chục người ở nhiều địa phương khác nhau đã vay lãi, đóng tiền tham gia đào tạo để xuất khẩu lao động sang Đức, nhưng chuyến xuất khẩu lao động đến nay chỉ như "bánh vẽ".
Bình luận 0

Quảng cáo thu nhập 60-80 triệu/tháng

Bạn đọc B.V.N (trú huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) gửi đơn tới Báo điện tử Dân Việt phản ánh, từ những quảng cáo trên mạng xã hội (MXH), tháng 7/2022, B.V.N đã nộp hồ sơ vào Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet (Công ty Magnet).

Hàng chục người "vỡ mộng" đi xuất khẩu lao động Đức - Ảnh 1.

Hàng chục lao động không đi xuất khẩu được sang Đức, bị nợ tiền kéo nhau lên Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet để đòi quyền lợi của mình. Ảnh: Đình Việt

Theo lời mời quảng cáo trên MXH Facebook, một tài khoản có tên Đ.H giới thiệu: "Cơ hội sống và làm việc tại Đức, đầu bếp đặc sản. Thu nhập 60 – 80 triệu đồng. Bảo hiểm và thuế chủ bao hết. Không yêu cầu bằng cấp, không yêu cầu học tiếng, có tay nghề là lợi thế. Tuổi từ 25-40, hợp đồng 4 năm, định cư lâu dài, bảo lãnh gia đình sống và làm việc cùng. Để lại số điện thoại được tư vấn hoặc liên hệ".

N. cho biết, theo tư vấn của bà T.T.P - tự nhận là là chuyên viên kinh doanh của Công ty Magnet, tổng chi phí để đi được qua Đức là 245 triệu đồng và cam kết chỉ trong thời gian 3 - 5 tháng là có thể bay.

Hàng chục người vỡ mộng đi xuất khẩu lao động Đức - Ảnh 2.

Những lời quảng cáo đầy mùi mẫn đi xuất khẩu lao động trên MXH. Ảnh: Chụp màn hình

Từ tư vấn trên, B.V.N đã đóng tổng cộng 55 triệu đồng trong đó 20 triệu đồng tiền ký hợp đồng cọc và 35 triệu đồng chuyển khoản vào tài khoản của bà T.T.P là chuyên viên kinh doanh của Công ty Magnet.

Đầu tháng 10/2022, N. đã được Công ty Magnet cho đi học bổ túc nghề bếp tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Trung ương ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội). Thời gian học là 2 tuần.

"Sau khi học xong, nhân viên công ty hứa hẹn sau 1 tháng có chứng chỉ nghề và hoàn thiện hồ sơ để bay. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay tôi đã tìm đến công ty hỏi nhiều lần vì sao chưa được bay nhưng công ty không trả lời", B.V.N nói.

Cùng hoàn cảnh với N, ông C.B.C, trú xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi làm các thủ tục chuyển khoản 35 triệu đồng, ký hợp đồng đặt cọc 20 triệu đồng và học xong khoá học nghề bếp ông còn phải nộp thêm 80 triệu đồng với hứa hẹn sẽ được bay trong 1 tháng.

"Tổng số tiền tôi đã nộp là 120 triệu đồng nhưng từ khi học xong cho đến nay, nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho người nhận hồ sơ của Công ty Magnet mà không nhận được bất kỳ giải thích nào", ông C. nói.

Bức xúc vì không đi được xuất khẩu lao động tại Đức, nhiều lao động đã làm đơn tố cáo Công ty Magnet tới Công an quận Cầu Giấy.

Chỉ tư vấn thủ tục bảo lãnh sang Đức?

Trao đổi với PV Dân Việt qua điện thoại, ông Lê Đức Hạnh, người đại diện theo pháp luật của Công ty Magnet cho biết: "Lao động bên tôi có 2 khoản tiền, thứ nhất là học phí, thứ 2 là tiền cọc. Trong bất cứ trường hợp nào, tiền học phí cũng không lấy lại được. Tôi đã nói rất rõ ràng với lao động là sau này mọi người đi, công ty sẽ giảm 20 triệu đồng bù lỗ".

Cũng theo ông Hạnh, đơn hàng này, Công ty Magnet đứng trên phương diện tư vấn thủ tục bảo lãnh người lao động sang Đức?! Vì Đức và Việt Nam không có một thoả thuận nào đưa lao động Việt Nam đi sang nước họ làm việc. Có chủ  sử dụng lao động ở nước ngoài bảo lãnh nên Công ty Magnet đứng ra tư vấn thủ tục và hướng dẫn người lao động.

"Ai viết cam kết không thắc mắc đòi tiền học, không kiện sang công an, công ty sẽ trả hết tiền cọc?!", ông Hạnh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, người lao động phản ánh chỉ được học có 1 tuần ở Gia Lâm nhưng hết tận 40 triệu đồng và không được đi Đức, vậy công ty sao không trả lại tiền?

Ông Hạnh lý giải: Khoản tiền học chỉ là một phần, còn phí dịch thuật, phí hồ sơ.

Sau khi đặt lịch làm việc tại Công ty Magnet, với mong muốn làm rõ hơn các thắc mắc của người lao động, phóng viên đề nghị được gặp trực tiếp với ông Hạnh tại công ty hoặc mời ông tới toà soạn Báo điện tử Dân Việt để trao đổi.

Ban đầu, ông Hạnh đồng ý đến toà soạn để trao đổi và cung cấp thông tin nhưng đến ngày hẹn, ông Hạnh không đến.

Hàng chục người vỡ mộng đi xuất khẩu lao động Đức - Ảnh 3.

Hàn chục lao động kéo lên Công ty Magnet để đòi quyền lợi khi không thể đi xuất khẩu lao động sang Đức. Ảnh: VN

Công ty chưa được cấp phép 

Trong đơn gửi tới Báo điện tử Dân Việt, nhiều người lao động cũng phản ánh các nhân viên của Công ty Magnet khi tư vấn đều thông tin, không cần bằng cấp hay học tiếng, chỉ cần đóng tiền, đi học qua một lớp làm bếp trong thời gian 1 đến 2 tuần và 4 đến 6 tháng sau là bay.

Anh N.V.T, trú huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sau khi thoả thuận, Công ty Magnet đề nghị ký một hợp đồng đặt cọc 20 triệu đồng vào ngày 8/7/2022. Sau đó, công ty Magnet yêu cầu nộp thêm 15 triệu đồng làm các thủ tục giấy tờ và 20 triệu đồng để làm Bảo hiểm xã hội 2 năm.

"Sau khi đóng các khoản trên, Công ty Magnet đã gọi đi phỏng vấn nên tôi phải bay từ Đồng Tháp ra Hà Nội để tới Đại sứ quán Đức phỏng vấn. Sau đó, Công ty yêu cầu đóng thêm 100 triệu đồng và cam kết khoảng 1 tháng sau sẽ được đi Đức. Nhưng từ tháng 1/2023 đến nay, tôi không nhận được lịch bay như cam kết và cũng không liên lạc được với đại diện của Công ty Magnet", anh T. nói.

Cũng theo anh T., cùng thời điểm đó, vì cũng có ý định đi xuất khẩu lao động Đức cùng chồng nên vợ anh cũng đóng gần 40 triệu đồng cho Công ty Magnet, nhưng do đóng sau nên đã được công ty trả lại 20 triệu đồng. Hiện Công ty Magnet đang còn giữ hơn 150 triệu đồng của vợ chồng anh T.

"Gia đình tôi rất khó khăn, số tiền Công ty Magnet vẫn còn đang giữ đều là tiền đi vay, phải trả lãi hàng tháng nên rất mong cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ vụ việc và yêu cầu Công ty Magnet trả lại tiền cho gia đình tôi", anh T. bày tỏ.

Theo hợp đồng đặt cọc mà hàng chục lao động cung cấp, nội dung thể hiện nhận cọc để thực hiện: "Dịch vụ tư vấn du học và xuất khẩu lao động", bên nhận cọc là Công ty Magnet.

Để làm rõ thông tin này, PV Dân Việt đã nhiều lần liên hệ và đặt lịch làm việc với Đại sứ quán Đức nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định: Công ty Magnet không phải là doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do vậy, việc công ty này thu tiền cọc để đưa người lao động đi làm việc tại Đức là có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, hiện Đại sứ quán Đức chưa có thông báo tới Bộ LĐTBXH về chương trình xuất khẩu lao động.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Trên cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ Magnet có địa chỉ ở tầng 14, Tòa nhà Zen Tower, số 12 đường Khuất Duy Tiến, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam. Người đại diện pháp luật là ông Lê Đức Hạnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem