Nóng tuần qua: Động thái mới của TP Hà Nội có khiến người dân yên tâm dùng nước sạch?

Thiên Lý Chủ nhật, ngày 03/11/2019 16:01 PM (GMT+7)
Tại Hà Nội, tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch.
Bình luận 0

Hà Nội thành lập trung tâm quản lý, giám sát hệ thống cấp nước

Để nâng cao chất lượng nước, chất lượng phân phối, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước cung cấp nước sạch trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã gửi văn bản số 4779/UBND-ĐT chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai một số biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của thành phố Hà Nội.

Theo đó, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Xây dựng chủ trì cùng các Sở liên quan nghiên cứu, đề xuất thành lập Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch, trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành.

img

Hiện chất lượng nước sạch tại TP Hà Nội đang đặt nhiều dấu hỏi?

Sau khi có trung tâm này, Thành phố yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch.

Theo UBND TP. Hà Nội, đây là việc làm nhằm nâng cao chất lượng nước, chất lượng phân phối, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng hệ thống cấp nước sạch cho Thành phố, đáp ứng yêu cầu xây dựng Thành phố thông minh trong tương lai gần.

Để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả hệ thống cấp nước sạch của Hà Nội, Chủ tịch TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và chủ đầu tư các nhà máy nước sạch (kể cả các nhà đầu tư dự án đang triển khai đầu tư) rà soát hệ thống truyền dẫn nước sạch của từng nhà máy, đề xuất các biện pháp hoàn thành kết nối thành mạch vòng Hệ thống cấp nước sạch toàn Thành phố (trừ các xã vùng sâu, vùng xa sử dụng các trạm cấp nước riêng).

Trung tâm quản lý, điều tiết, giám sát hệ thống cấp nước sạch hoạt động theo dạng như Trung tâm điều độ điện của ngành điện lực, trong đó sử dụng công nghệ thông minh để quản lý, vận hành; yêu cầu tất cả các nhà máy nước sạch, các nhà phân phối nước sạch phải kết nối hệ thống quản lý vận hành, các trạm quan trắc chất lượng nước tới Trung tâm này, báo cáo UBND Thành phố trong tháng 12/2019.

Công an Thành phố chủ trì cùng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan xây dựng phương án đảm bảo an ninh cho Hệ thống cấp nước Thành phố, báo cáo UBND Thành phố xem xét trong tháng 11/2019 để báo cáo Thường trực Thành ủy xin chỉ đạo.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công an Thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các Nhà máy nước lập khoanh vùng bảo vệ nguồn nước đầu vào và xây dựng kế hoạch bảo vệ nguồn nước theo khoanh vùng; tổ chức thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nội dung này yêu cầu thực hiện xong trong năm 2019. Sau năm 2019, nếu đơn vị nào chưa thực hiện xong, Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo, đề xuất UBND Thành phố xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố giao Sở Tư pháp chủ trì cùng Sở Xây dựng nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố văn bản pháp lý quy định ràng buộc trách nhiệm của các nhà sản xuất cung cấp, phân phối nước sạch với Thành phố và yêu cầu các đơn vị này thực hiện, báo cáo trước ngày 20/11/2019.

Bộ Công an cảnh báo dấu hiệu lừa đảo của ví thanh toán điện tử PayAsian

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an được biết, khoảng đầu năm 2019, một nhóm người do ông Nguyễn Mạnh Hùng (trú tại phường 3, quận 11, TP.HCM) là người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần PayAsian cầm đầu, thuê đặt trụ sở tại 137 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

PayAsian được giới thiệu là ví điện tử thanh toán mobile đầu tiên trên thế giới chấp nhận tất cả các loại tiền tệ quốc gia, không giới hạn địa lý, lĩnh vực, cộng đồng, hay môi trường thanh toán...

Hình thức hoạt động của ví điện tử PayAsian được quảng cáo là sử dụng đồng tiền thanh toán có tên PAYA, với tổng số lượng phát hành là 21 tỷ đồng PAYA và quảng cáo sau 6 tháng sẽ tăng lên gấp 10, thậm chí là 20 lần hoặc nhiều hơn thế. Nhà đầu tư khi tham gia vào hệ thống sẽ được tiền thưởng giống như mô hình đa cấp kim tự tháp.

Cụ thể, muốn tham gia vào hệ thống PayAsian, nhà đầu tư phải nộp tối thiểu số tiền tương ứng 100 USD để mua đồng PAYA với giá 0,05 USD/PAYA. Theo đó, 100 USD sẽ quy đổi được 2.000 PAYA; 500 USD quy đổi được 10.000 PAYA; 5.000 USD quy đổi được 100.000 PAYA.

Mỗi thành viên khi lôi kéo được người khác tham gia nộp tiền sẽ được hưởng hoa hồng từ việc giới thiệu; và càng lôi kéo được nhiều người tham gia thì càng được hưởng nhiều lợi ích (hoa hồng của F1 là 30%; F2 là 20%; thưởng nhánh yếu là 30%; thưởng lãnh đạo là 15% tổng doanh số nhánh yếu khi đạt mốc 10 triệu PAYA, 20 triệu PAYA...).

Trong khi đó theo Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước hiện chưa cấp phép cho ví điện tử PayAsian; Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công thương cũng chưa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho Công ty cổ phần PayAsian.

img

Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam ví điện tử PayAsian hiện chưa được cơ quan chức năng cấp phép, số tiền nạp vào ví điện tử PayAsian không thể sử dụng; các nhà đầu tư muốn rút tiền chỉ có cách bán PAYA ảo cho nhà đầu tư khác trong nội bộ, tồn tại rất nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Hoạt động của Công ty cổ phần PayAsian có dấu hiệu huy động vốn, kinh doanh đa cấp trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vì vậy Bộ công an khuyến cáo người dân cảnh giác tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. Những ai đã nạp tiền vào ví điện tử PayAsian có thể đến cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Tập đoàn Petrolimex 

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, và thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 39 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông  Bùi Ngọc Bảo, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn; đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Petrolimex nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Petrolimex Singapore; cảnh cáo đối với ông Trần Văn Thịnh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Ủy viên HĐQT, nguyên Tổng giám đốc; khiển trách đối với ông Trần Minh Hải, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy và Nguyễn Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Petrolimex.

Cũng tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung tướng Trình Văn Thống  do trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công an ban hành văn bản về đơn vị nghiệp vụ không đúng quy định, vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Năm 2020, ngành điện dự kiến huy động 7,9 tỷ kWh điện "giá chát"

Theo Tập đoàn điện lực (EVN), với tình hình thủy điện cạn nước, nhiệt điện cũng khó do thiếu than, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng trưởng cao, trong khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng nguồn điện, dự kiến năm 2020 ngành điện sẽ tiếp tục phải đối mặt với thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cân bằng cung cầu.

Cụ thể, để đáp ứng điện cho nền kinh tế, ngành điện sẽ phải huy động thêm 7,9 tỷ kWh các tổ máy chạy dầu với giá điện khoảng 4.000-5.000 đ/kWh và có thể tăng lên 12,5 – 16,7 tỷ kWh trong trường hợp không thể tích được các hồ lên mực nước dâng bình thường hoặc phụ tải tăng cao hơn dự báo.

img

EVN sẽ phải huy động nguồn chạy dầu với chi phí cao.

Thực tế, ngay từ giữa năm 2019, EVN đã tăng huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó có cả nhiệt điện dầu giá cao để đảm bảo cung cấp đủ điện.

Dự tính, trong cả năm 2019, EVN sẽ phải huy động nguồn chạy dầu với chi phí cao (5.000 - 6.000 đồng/1 kWh (tuỳ vào thời điểm giá dầu), với sản lượng khoảng 1,56 tỷ kWh. Mức giá mua điện chạy dầu này cao gấp 2,5-3 lần so với thủy điện và nhiệt điện.

Được biết, theo khung giá bán buôn của Bộ Công Thương, chi phí một kWh nhiệt điện than (chưa gồm thuế giá trị gia tăng, cảng biển, truyền tải...) dao động 1.677 - 1.896 đồng một kWh. Còn mức trần khung giá thuỷ điện là 1.110 đồng một kWh, chưa bao gồm phí dịch vụ môi trường, tiền cấp quyền khai thác nước, thuế..

Như vậy, từ mức 1,56 tỷ kWh điện dầu giá cao mà EVN phải huy động trong năm 2019, thì mức 7,9 tỷ kWh dự kiến phải huy động trong năm 2020 là cực lớn. Chưa kể, nếu phụ tải tăng cao và tích nước tại các hồ thủy điện không như kỳ vọng thì  có thể tăng lên 12,5 – 16,7 tỷ kWh.

Thành lập Tổ giám sát liên ngành việc đấu thầu nhà đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa quyết định thành lập Tổ giám sát liên ngành theo dõi, giám sát quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Các nội dung giám sát tại dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 của tổ liên ngành là hồ sơ mời thầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ yêu cầu, kết quả sơ tuyển, danh sách nhà đầu tư, nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, trong đó gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách; được chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Trong điều kiện tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đang có mức tăng trưởng cao và ổn định, đồng thời đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình thực tiễn trong nước và khu vực.

Nóng trong tuần: Sabeco đã bị bán cho Trung Quốc?

Lãnh đạo Bộ Công thương đã lên tiếng chính thức về thông tin này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem