Xây dựng NTM ở Kon Tum: Huyện nghèo loay hoay gỡ “nút thắt”

Văn Hà Thứ ba, ngày 20/08/2019 18:00 PM (GMT+7)
Xuất phát điểm thấp, nguồn vốn đầu tư ít ỏi, nguồn lực địa phương không có, nên việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Tu Mơ Rông gặp nhiều khó khăn. Hiện có đến 11/11 xã của huyện chỉ đạt 8 - 9 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, các tiêu chí về thu nhập, giao thông, giảm nghèo, y tế và giáo dục đều không đạt.
Bình luận 0

Tiêu chí nào cũng… khó

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, hàng năm các cấp ủy, chính quyền 11/11 xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM.

Huyện đã triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tổ chức chỉ đạo các đơn vị chức năng chú trọng thay thế các giống cây trồng cũ cho năng suất thấp bằng các giống mới phù hợp với điều kiện tự nhiên và cho năng suất cao hơn. Tập trung phát triển các loại cây trồng có lợi thế và giá trị kinh tế cao như: Cà phê xứ lạnh, bời lời, hồng sâm, sâm Ngọc linh, đẳng sâm… gắn với việc hình thành, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất tập trung và bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

img

Huyện Tu Mơ Rông phát động người dân tham gia xây dựng NTM.  Ảnh: Văn Hà

Bên cạnh đó, các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đã đáp ứng được phần nào khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch, vệ sinh.

Mặc dù nỗ lực như vậy nhưng việc phấn đấu đạt các tiêu chí về thu nhập, giảm nghèo của huyện còn nhọc nhằn. Theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM, đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 38 triệu đồng, trong khi kế hoạch đề ra của huyện chỉ 21 triệu đồng (năm 2018 chỉ đạt 14 triệu đồng). Nguyên nhân tiêu chí thu nhập chưa đạt xuất phát từ hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua tương đối thấp, giá cả các mặt hàng ở mức thấp, đầu ra không ổn định…

Ông Hoàng Xuân Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết, xã đang gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng NTM, có nhiều tiêu chí đến năm 2020 khó đạt được như tiêu chí thu nhập của người dân trung bình 14 triệu đồng. Thứ hai là tiêu chí về chất lượng giáo dục, vì con em trên địa bàn huyện sau khi học THCS xong hầu hết sẽ đi học tại các trường trung cấp nghề, còn học lên nữa rất hạn chế, chỉ được khoảng 16 - 17%, trong khi chỉ tiêu đưa ra là 70% - rất khó đạt được.

Cần vốn để phát triển sản xuất

Theo ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, do xuất phát điểm thấp, nhu cầu nguồn vốn đầu tư thực hiện các tiêu chí còn nhiều, nhưng nguồn hỗ trợ của tỉnh, Trung ương có hạn, nguồn lực của địa phương không có. Vì vậy, việc triển khai thực hiện 19 tiêu chí còn nhiều khó khăn, nhất là tiêu chí về thu nhập, giao thông, tỷ lệ hộ nghèo, y tế và giáo dục không triển khai kịp.

Trong năm 2019, từ các nguồn kinh phí, UBND huyện đã phân bổ hơn 47 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình mục tiêu quốc gia  xây dựng NTM. Cụ thể, đã bố trí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hơn 41,5 triệu đồng, 70 công trình giao thông nông thôn, 3 lớp học mầm non, 2 cơ sở văn hóa, 5 công trình kênh mương thủy lợi, 1 công trình đào giếng. Theo UBND huyện, sở dĩ cơ cấu đầu tư như vậy là do cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và thủy lợi trên địa bàn huyện rất kém, hầu như không đáng kể.

Sau 10 năm xây dựng NTM, đến nay, huyện Tu Mơ Rông chỉ có 4 xã đạt 9 tiêu chí (Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Lây, Đăk Rơ Ông), 4 xã đạt 8 tiêu chí (Ngọc Yêu, Măng Ri, Đăk Sao, Đăk Tờ Kan), 3 xã đạt 7 tiêu chí (Đăk Hà, Tê Xăng, Đăk Na). 

Trước những khó trong xây dựng NTM, huyện Tu Mơ Rông đã kiến nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét hỗ trợ thêm ngân sách, chủ yếu để phát triển sản xuất, giúp dân phát triển kinh tế, đồng thời, giảm một cấp về trình độ văn hóa, chuyên môn đối với công chức làm việc tại các xã theo Thông tư số 06/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức trách, tiêu chuẩn cụ thể, nhiệm vụ và tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn để huyện đạt tiêu chí 18.1.

Ngoài ra, UBND huyện cũng đề nghị Sở Y tế hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường bác sĩ tại các trạm y tế nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân, hướng đến đạt tiêu chí về y tế...

Nếu phấn đấu lắm, đến năm 2020, các xã được chọn làm xã điểm về NTM của huyện (Đăk Rơ Ông và Ngọc Lây) cũng chỉ có thể đạt được 14/19 tiêu chí. Để đạt chuẩn NTM là bài toán rất khó đối với địa phương…”.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem