Điểm nhấn dạy nghề nông nghiệp ở Hà Giang

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 15/12/2018 09:28 AM (GMT+7)
Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, thời gian qua, chất lượng nguồn lao động nông thôn của tỉnh Hà Giang đã được nâng lên đáng kể, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng nhanh.
Bình luận 0

Dạy nghề ngắn hạn phát huy thế mạnh

Xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang) có hơn 600 hộ, số người trong độ tuổi lao động là hơn 2.000 người. Mặc dù nguồn lao động dồi dào nhưng do không có việc làm thêm nên quanh năm người dân chỉ quanh quẩn với 2 vụ sản xuất lúa. Bởi vậy nên tỷ lệ hộ nghèo trong toàn xã còn khá đông.

img

Lớp học sửa chữa điện dân dụng tại xã Phương Tiến (Vị Xuyên, Hà Giang). ảnh Thùy Anh

Trước thực tế đó, UBND xã Phương Tiến đã phối hợp với Trung tâm Giáo Dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Hầu hết các nghề được học là những nghề nông nghiệp như: Chăn nuôi thú y, bảo quản nông sản, kỹ thuật trồng cây nông lâm nghiệp…

Các lớp học không chỉ cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật để nông dân vận dụng vào sản xuất mà qua đó còn giúp nâng cao năng xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Nhờ đó, hiện nay, xã đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế tốt như: Mô hình trồng cây ăn quả, trang trại nuôi lợn rừng… góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã lên 17 triệu đồng/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn trên 40%.

Ông Nguyễn Đắc Lộc – giáo viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Vị Xuyên cho biết: “Do là lớp dạy nghề ngắn hạn chỉ từ 1-2 tháng, nên việc dạy nghề được ưu tiên theo hướng thực hành cầm tay chỉ việc là chính. Chủ yếu dạy kỹ thuật cơ bản về chọn lựa giống, chăm sóc, làm chuồng trại, phát hiện bệnh và sử dụng thuốc...”.

Trọng tâm đào tạo nghề nông nghiệp

Ông Sùng Đại Hùng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang cho biết, trong 5 năm (từ 2013- đầu 2018), tỉnh Hà Giang đã đào tạo nghề cho trên 75.000 người, trong đó có trên 67.000 lao động nông thôn được đào tạo sơ cấp nghề.

Trong các ngành nghề được đào tạo đã có gần 30.500 nông dân được học các nghề phi nông nghiệp và khoảng 36.600 người được đào tạo các nghề nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề của lao động nông thôn đạt trên 62%.

Có thể kể đến một số mô hình đào tạo nghề cho nông dân điển hình như: Đào tạo kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè cho nông dân tại huyện Vị Xuyên; đào tạo về kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cây cam sành tại huyện Bắc Quang;...

Ông Hùng cho biết: “Việc đào tạo nghề đã góp phần nâng cao nguồn nhân lực cho lao động nông thôn của tỉnh; nâng tỷ lệ lao động nông thôn của Hà Giang qua đào tạo nghề từ 26,8% đầu năm 2012 lên 37,9% vào đầu năm 2018. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp Hà Giang đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn trước mắt và lâu dài”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem