Nông nghiệp, sản xuất bền vững hút mạnh dòng vốn đầu tư từ Hà Lan

Tường Thụy Thứ hai, ngày 06/11/2023 14:50 PM (GMT+7)
Nguồn vốn tín dụng và đầu tư trự tiếp và từ Chính phủ và các công ty Hà Lan không ngừng chảy vào Việt Nam trong giai đoạn thế giới ưu tiên phát triển bền vững và sản xuất xanh.
Bình luận 0

Ngân hàng Phát triển doanh nghiệp Hà Lan FMO (do Chính phủ Hà Lan nắm giữ 51% cổ phần) tuần qua đã công bố 2 gói tín dụng tổng cộng 190 triệu USD cho 2 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.

Trong đó, gói dành cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) trị giá 100 triệu USD và Tập đoàn Lộc Trời chuyên về nông nghiệp sẽ nhận 90 triệu USD tài trợ thương mại trong thời gian tới.

Khoản tín dụng lớn cho MSB đến từ FMO và Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) có kỳ hạn tới 9 năm nhằm tài trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và các dự án xanh. Ngoài ra, FMO cũng sẽ hỗ trợ MSB hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội nhằm đạt được các tiêu chuẩn quốc tế cao hơn.

Đối với các dự án xanh, Ngân hàng Hàng Hải cho biết sẽ rót vốn vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, chống biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải carbon thấp.

Tương tự, "ông lớn" ngành lúa gạo Lộc Trời cam kết sử dụng gói 90 triệu USD từ FMO cho mục đích sản xuất lúa gạo bền vững và để nâng cao năng lực sản xuất và cung ứng gạo của tập đoàn.

Nông nghiệp, sản xuất bền vững hút mạnh dòng vốn đầu tư 'khủng' từ Hà Lan - Ảnh 1.

Nhà máy lương thực Thoại Sơn thuộc Tập đoàn Lộc Trời tại huyện Thoại Sơn, An Giang. Ảnh: Lộc Trời

Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 với chủ đề "Hợp tác châu Âu-Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh" ở Hà Nội ngày 2/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đề nghị các công ty Hà Lan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất kinh doan theo hướng bền vững theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Cùng ngày, công ty sản xuất chip bán dẫn BE Semiconductor Industries của Hà Lan được ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) trao giấy chứng nhận đầu tư để xây dựng nhà máy chip trong SHTP. Nhà máy dự kiến sẽ vận hành vào 2025 với vốn đầu tư giai đoạn 1 là 4,9 triệu USD.

Nông nghiệp, sản xuất bền vững hút mạnh dòng vốn đầu tư 'khủng' từ Hà Lan - Ảnh 2.

Đại diện của BE Semiconductor Industries Hà Lan nhận giấy phép đầu tư vào SHTP ngày 2/11/2023 tại Hà Nội. Ảnh: SHTP

Tăng cường hơn cho gạo, chăn nuôi, sản phẩm giải khát

Trước chuyến công du của Thủ tướng Mark Rutte, tổ chức Phát triển Hà Lan SNV viện trợ 22 tỷ đồng cho "Dự án Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" (TRVC) vào tháng 9/2023.

TRVC được triển khai tại 3 tỉnh có diện tích lúa nhiều nhất vùng là An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp là chủ dự án thực hiện đến 2027 và mục tiêu của TRVC nhằm cải thiện sinh kế cho hộ nông dân sản xuất lúa nhỏ lẻ ở khu vực dự án triển khai, đồng thời giúp xây dựng các chuỗi giá trị lúa gạo bao trùm, giảm phát thải khí nhà kính từ sản xuất lúa gạo, hỗ trợ phát triển các thương hiệu gạo carbon thấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và rộng ra các tỉnh ĐBSCL.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa và 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Trong chuyến thăm chính thức Hà Lan của Thủ tướng Phạm Minh Chính tháng 12/2022, lãnh đạo hai nước đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác hai nước trong khuôn khổ Đối tác Chiến lược về Thích ứng với Biến đổi Khí hậu và Đối tác Chiến lược về Nông nghiệp Bền vững, và nhiều vấn đề khác.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hà Lan lúc ấy, lãnh đạo tập đoàn bia Heineken nói Heineken đã đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam và dự kiến đầu tư thêm 500 triệu USD trong 10 năm tới.

Trước đó, Heineken khai trương nhà máy bia quy mô "khủng" tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân A (thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) trong tháng 9/22. Với vốn đầu tư 400 triệu USD và diện tích 40 ha, đây là nhà máy bia lớn nhất Việt Nam. Công suất nhà máy lên tới 12 triệu lon bia mỗi ngày, và 1,1 tỷ lit/năm.

Điểm đặc biệt nhất của nhà máy hiện đại này là vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo (nhiệt năng và điện năng), theo Heineken Việt Nam.

Nông nghiệp, sản xuất bền vững hút mạnh dòng vốn đầu tư 'khủng' từ Hà Lan - Ảnh 4.

Một góc nhà máy Heineken Vũng Tàu với tổng diện tích 40 hectare. Ảnh: công ty cung cấp.

Quan hệ đối tác chiến lược nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực giữa Việt Nam và Hà Lan được ký kết năm 2014 nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte. De Heus của Hà Lan, một trong những tập đoàn nông nghiệp hàng đầu thế giới, là doanh nghiệp tham gia tích cực cho hợp tác nông nghiệp.

De Heus bước chân vào thị trường Việt Nam năm 2008 bằng quyết định mua lại 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi Bình Dương và Hải Phòng. Đến nay, toàn hệ thống De Heus Việt Nam gồm hơn 20 nhà máy và các kho trung chuyển khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Tháng 6 vừa qua, De Heus và tập đoàn Hùng Nhơn ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với UBND tỉnh Tây Ninh về việc nghiên cứu đầu tư một số dự án lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2023-2030 tại Tây Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Hiện nay, liên doanh DHN giữa De Heus và Hùng Nhơn đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh có quy mô gần 40 ha và tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 gồm các hạng mục lớn như xây dựng trang trại sản xuất gà giống, heo giống và nuôi gà thịt xuất khẩu. Ngoài ra, DHN đang xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm nhằm hoàn thiện chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Liên doanh cũng đang thực hiện các dự án chăn nuôi khác bên ngoài Tây Ninh. DHN đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 10.000 heo giống tại khu vực Tây Nguyên, 200.000 heo nái thương phẩm tại khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; 58 triệu con gà giống và 25 triệu con gà thịt ở Tây Ninh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem