Nơi muộn phiền cất cánh

Quang Hưng Thứ ba, ngày 07/02/2023 11:27 AM (GMT+7)
Trong tập thơ "Sương" của nhà thơ Lương Kim Phương, khi nhân vật trữ tình vẫn cặm cụi đồng hành với u hoài, cho đến khi nỗi buồn cất cánh bay lên...
Bình luận 0

Như là đi mãi trong một hành trình nhiều mong đợi nhưng đã sớm dự cảm về một tương lai bất định với những ước muốn khó thành. Điều này không hẳn từ sự mẫn cảm sẵn có mà bởi những gì đã trôi xa, hay đã không thỏa nguyện từ quá vãng. Nhưng vẫn không ngừng đi, không thôi mong đợi, trong đan xen nhiều tâm trạng, tiếc nhớ, đắng cay, băn khoăn, bất an về hiện tại, bồi hồi dư vị ngọt ngào còn trong ký ức…

Đó là ấn tượng được mở ra từ "Sương" (NXB Hội nhà văn) - tập thơ mới của nhà thơ Lương Kim Phương, hiện dạy học và sống tại Hải Phòng. Những muộn phiền, những bâng khuâng được thể hiện sinh động qua những chuyển đổi của không gian, vật chất. Tác giả cho thấy sự khéo léo vận dụng những phương tiện bên ngoài để truyền tải cảm xúc, tâm trạng, nội dung câu chuyện đang kể. Đồ vật, không gian, hình ảnh với gió, với cát, với sóng, những lá, những chuyến phà, thạch nhũ, chiếc gai, vòm xoan, những trang sách, cái cốc, chiếc tất ren… được huy động làm nơi nương dựa, chuyên chở. Nhưng bản thân chúng, trong những câu thơ, lại không tồn tại như vốn thế, mà ở trong sự biến đổi, ảo hóa. Tình cảm, tâm trạng, những ưu tư của nhân vật trữ tình vì thế mà cũng bất định theo, làm nên sự linh động của câu thơ, mở ra những hình dung xa xôi, đó đây, ẩn khuất.

Đọc sách cùng bạn: Nơi muộn phiền cất cánh - Ảnh 1.

Tập thơ mới của nhà thơ Lương Kim Phương. (Ảnh: ST)

Những chuyển đổi đó được lồng ghép khá gọn gàng trong những câu chữ tưởng như vừa đủ. Cho thấy những tưởng tượng phong phú của tác giả trong cuộc kết nối các hình ảnh. Hãy nghe những câu thơ này: "tìm đâu chiếc ghita cũ để gẩy phím đàn thân thể anh/gọi chòm sao chạy trốn" (Ngày anh xa), "ngọn đèn thắp anh/ chiếc lá thông ghé vào khung cửa/xâu gai có thể khiến anh tứa máu/ em đó em" (Đêm Cô Tô), "mùa đã mùa trên tay/ năm đã năm trên tóc/vốc một thời thiếu nữ trong tay/ khỏa những vòng hoa xoan trên mặt nước" (Khi vòm xoan đã tím), và: "lúc mình bên nhau/ chiếc tất thè lưỡi quái đản/liếm nhẹ vào gót chân/ điểm huyệt những lời thề" (Chiếc tất)…

Thật khó tìm quá, những gì vui vẻ ở tập thơ này! Nhưng những nỗi niềm, vì sao lại có thể hiện lên sống động? Đó cũng là điều khiến ta quên câu chuyện được kể mà hứng thú hơn với cách mà nhà thơ kể ra nó. Cảm thấy như những hình ảnh của đời sống ấu thơ, của quá khứ tươi trẻ vẫn còn sắc nét trong nhung nhớ của tác giả, để đến bây giờ vẽ lại chúng trong cuộc hành trình mải miết thực tại. Một hành trình đôi khi thật không rõ đi về phía trước hay cuối cùng chính là ngoái lại đằng sau hồn nhiên. Bài thơ "Mùa chim ngói" tiêu biểu cho điều này. Đó là khi "sư thầy vừa đi khuất/ chú tiểu chui vào quả chuông/ gọi trò ẩn nấp", để rồi bâng khuâng "có phải mình từng lẫn trong đám trẻ mục đồng/ nướng buổi chiều trong chiếc bắp", và chợt "muốn bơi sang bờ bên kia/ tìm tuổi thơ và bầy chim ngói/ bay về".

Dường như khi đó, người ta hiểu được một điều gì hệ trọng đã không còn giữ được nữa, khó lòng quay lại được nữa. Nhưng cũng đồng thời nhận ra việc vẫn phải đắm đuối theo nó, bám giữ nó, dù ngày mai chưa từng ước hẹn. Bởi những gì là đẹp tươi, là đắm đuối, chân thành, là gợi mở ra bao nhiêu hy vọng thì có khi nào tan hết cho được. Bài thơ "Thạch nhũ" là một ví dụ, với khổ kết: "ngậm những giọt trong veo/ từ ngực đá trầm uất/ còn in dấu môi nồng". Và những câu thơ trong bài "Đọc sách của người cũ": "… lật giở mãi chẳng thấy những con chữ/ chỉ nhớ cái giá treo đầy nắng/ kỷ vật cuối cùng trong tiệm gốm tháng năm/ chiếc bình in hình mùa hạ/ khum lại trong lòng tay/ những xáo trộn thả theo cơn gió ướt/cố nhìn chỉ thấy/ một đám mây bọc khung cửa".

Chấp nhận bước đi, chấp nhận dấn thân vào những xa xót, buồn bã. Dường như ở đâu trong những bài thơ cũng vẳng lên ý thức này. Cũng như chính hành trình nhọc nhằn của sáng tạo trong cuộc bước tới, nữa và mãi, để nhận ra ở mình những le lói, những lóe sáng mới trên trang viết. Đôi khi có những ý kiến rất đúng khi cho rằng, đừng nên chỉ gọi cuộc sáng tạo văn chương là khổ ải. Người viết bền bỉ được với hành trình dài lâu của mình, chính bởi anh ta sung sướng, hạnh phúc khi ở trong đó. Tất nhiên, sẽ đúng nữa là khi thấy rằng, trong chuỗi sáng tạo không khỏi không có lúc mệt mỏi, nao núng, thì hành động đi tới nữa của người viết, vừa dũng cảm, vừa gắng sức, cũng chính là tiếp tục được hạnh phúc trong khổ nhọc.

Có thể liên tưởng với trường hợp tập thơ "Sương" lần này, khi nhân vật trữ tình vẫn cặm cụi đồng hành với u hoài, cho đến khi nỗi buồn cất cánh bay lên. Và ta có niềm vui nhận được vẻ lấp lánh ánh bạc của nó. Như những câu thơ này, của bài "Biển đã xóa": "kỷ nguyên nào biển cạn/ một đại dương muối khô/ còn những hạt muối từ nước mắt em/ từ những ban mai run rẩy".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem