Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Ly Trúc Thứ hai, ngày 23/11/2015 06:50 AM (GMT+7)
Vì hoàn cảnh gia đình cũng khá neo đơn nên gia đình bà Nguyễn Thị Ngàn ngụ ấp Đông An, xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) rất lo lắng khi còn sống trong khu vực sạt lở. Nhưng từ khi được hỗ trợ di dời cuộc sống gia đình bà từ đó ổn định hơn.
Bình luận 0

“Cũng may được Nhà nước hỗ trợ cho số tiền 20 triệu đồng, hai đứa con đi làm cũng phụ tiền thêm mà xây được cái nhà đàng hoàng, không còn sợ cảnh sạt lở. Từ khi có mái nhà yên ổn, hai đứa con tôi cũng yên tâm đi làm, kinh tế gia đình từ đó mà ổn định hơn” – bà Ngàn bộc bạch.

img

Bà Nguyễn Thị Ngàn bên ngôi nhà mới. Ảnh: C.L

Cùng chung hoàn cảnh với bà Ngàn, anh Ngô Thanh Tuấn cũng là hộ đã phải lao đao vì có nhà nằm ở khu vực sạt lở. “Gần 8 năm trời gia đình tôi phải chịu cảnh nơm nớp lo sợ, không có ngày bình yên. Mấy tháng lũ về là ban đêm không dám ngủ vì sợ nửa đêm nhà trôi mất thì khổ. Ở cái xứ này hồi đó mấy hộ sống dưới mé sông thì khó khăn lắm, nội tiền lo sửa nhà, làm bờ kè cũng khá lớn, còn hơi sức đâu mà lo làm ăn. Như nhà tôi lúc trước, năm nào cũng tốn vài triệu sửa bờ kè, không làm thì không ở được”.

Từ khi có nhà mới, gia đình anh Tuấn không còn lo cảnh sụp nhà, kinh tế gia đình anh cũng dần ổn định. Với 3 khẩu, anh kiếm sống bằng nghề làm đậu hũ, mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng, vợ anh thì đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập. “Xây được cái nhà ở nơi an toàn tôi mừng lắm, thời gian tới sẽ tập trung lo làm ăn. Điều thuận lợi nữa là khi dời nhà về gần khu vườn gần 5 công của gia đình, tôi có điều kiện đầu tư trồng lại cây trái, vì hồi trước ở xa quá nên gần như bỏ hoang” – anh Tuấn phấn khởi nói.

Cũng theo anh Tuấn, chính sách hỗ trợ tiền để giúp cho nhiều hộ sống ở khu vực sạt lở được di dời nhà đến nơi an toàn là một chính sách hợp lòng dân. Khi có được nơi ở ổn định thì mới có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, bởi “an cư mới lạc nghiệp”. Ông Lê Hùng Chiến – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho rằng: Thời gian đầu, việc vận động bà con di dời cũng gặp rất nhiều khó khăn do những hộ sống ven sông chủ yếu đều nghèo khó. “Chúng tôi đã rất cố gắng để giải thích đồng thời kêu gọi gia đình của những hộ này hỗ trợ thêm để họ có đủ điều kiện cất nhà ở nơi mới. Bên cạnh đó, địa phương cũng đóng vai trò lớn, khi là lực lượng luôn theo sát và phối hợp với ngành nông nghiệp để lồng ghép các chương trình hỗ trợ dân, quan tâm đến đời sống của người dân về nhiều mặt”- ông Chiến nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem