Những yêu cầu "cực gắt" về VAR trận Việt Nam vs Australia

Chính Minh Thứ ba, ngày 07/09/2021 07:10 AM (GMT+7)
Trong lần đầu tiên công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (Video Assistant Referee - VAR) xuất hiện trên sân Mỹ Đình, AFC đã đưa ra những yêu cầu rất khắt khe.
Bình luận 0

Ê kíp truyền hình hồi hộp, áp lực với VAR

19 giờ tối 7/9 tới, VAR sẽ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, trên sân Mỹ Đình – nơi ĐT Việt Nam tiếp Australia ở lượt trận thứ 2 bảng B vòng loại cuối cùng World Cup 2022.

Suốt từ ngày 4/9, các thành viên trong ê-kíp truyền hình VTV đã phải làm việc, họp hành liên tục với tổ kỹ thuật VAR cho tới tối muộn 6/9 khi VAR được "tổng duyệt" lần cuối trước khi đưa vào hoạt động.

Một thành viên trong ê-kíp truyền hình VTV chia sẻ cảm xúc: "Chúng tôi cảm thấy rất háo hức nhưng cũng áp lực khi lần đầu tiên tiếp xúc với VAR. Anh em bảo nhau cố gắng tập trung làm việc sao cho thật hiệu quả, chứng minh cho Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và các đối tác thấy Việt Nam cũng có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, nhân lực để có thể làm VAR tốt chứ không riêng gì các nước lớn".

Những yêu cầu "cực gắt" về VAR trận Việt Nam vs Australia - Ảnh 1.

Sơ đồ lắp đặt 15 camera phục vụ VAR trận đấu giữa ĐT Việt Nam vs Australia trên sân Mỹ Đình.

Được biết, với công việc của đạo diễn hình, bên cạnh việc nhạy cảm, bấm được những khung hình có tính phát hiện, dự đoán tình huống mà đội quay phim gửi về; đạo diễn hình còn phải thật chính xác trong việc bấm những khung hình "cứng" theo kịch bản của AFC liên quan tới quảng cáo:

"Tôi ví dụ là tại AFF Cup 2018, AFF đã yêu cầu dù ĐT Việt Nam vô địch hay không vô địch thì mình cũng phải làm đúng theo kịch bản: Đoạn cuối cũng phải để camera chính trong 1 phút. Điều đó làm khán giả không được chứng kiến những cảnh ăn mừng rất vui, xúc động của khán giả và cầu thủ.

Trận đấu tới, AFC còn yêu cầu sát hơn. Họ làm kịch bản quảng cáo chi tiết đến từng giây. Đến giây này phải bấm hình này, đúng giây kia phải bấm hình kia. Còn các chi tiết trong trận đấu là của mình", thành viên trong ê-kíp truyền hình kể trên cho hay.

VAR không đơn giản như người xem tưởng!

Liên quan đến công nghệ VAR tại Mỹ Đình khi ĐT Việt Nam tiếp Australia tối 7/9, như Dân Việt đã thông tin, sẽ có 15 camera phục vụ VAR. Ngoài ra, còn có 2 camera phục vụ họp báo, không liên quan đến trận đấu và VAR.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, các nhà báo của VTV, FPT (2 đơn vị phối hợp sản xuất chương trình, đưa tín hiệu đi các nước có bản quyền truyền hình) tác nghiệp tại trận đấu đều phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống Covid-19 và có giấy xét nghiệp RT-PCR âm tính trong 72 tiếng kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm.

Những yêu cầu "cực gắt" về VAR trận Việt Nam vs Australia - Ảnh 3.

Hệ thống VAR đã được lắp đặt xong trên sân Mỹ Đình và "tổng duyệt" lần cuối lúc 21 giờ ngày 6/9. Ảnh: Cao Oanh

Sáng 6/9, đội quay phim của VTV đã đi vào hoạt động theo nguyên tắc "bong bóng khép kín", không tiếp xúc với người bên ngoài, tương tự như những gì ĐT Việt Nam đã áp dụng trong suốt thời gian qua.

Với người xem, để có được hình ảnh VAR trên truyền hình tưởng như đơn giản ấy là quá trình phối hợp giữa nhiều bộ phận, mà quan trọng nhất hệ thống dây, đầu nối… rất phức tạp sao cho tín hiệu từ 15 camera lắp đặt trên sân truyền tới phòng VAR phải cực chuẩn khi có tình huống tranh cãi xảy ra.

Sau khi VAR làm việc, họ sẽ gửi lại hình cần phải phát trên truyền hình và đơn vị sản xuất không được can thiệp bất kỳ chi tiết nào, phải dùng nguyên hình ảnh của VAR tua đi tua lại để làm rõ tình huống.

Những yêu cầu "cực gắt" về VAR trận Việt Nam vs Australia - Ảnh 4.

VAR với nhiều góc máy sẽ phân tích chi tiết lỗi trong các tình huống gây tranh cãi. Ảnh: AFC

Chi tiết lạ mà ít người biết nữa liên quan đến hình ảnh quảng cáo trên sóng truyền hình. Cạnh phòng VAR có một phòng trung chuyển tín hiệu. Khi camera bắt hình các bảng quảng cáo trên sân Mỹ Đình, hiện trên sóng truyền hình Việt Nam y như vậy.

Nhưng khi đến các nước khác có bản quyền truyền hình trận đấu ví dụ như Nhật Bản, Trung Quốc hay Australia… thì hình ảnh biển quảng cáo lại là của nước họ.

Để làm được "động tác kỹ thuật" này cũng là cả một quá trình đấu nối cực kỳ phức tạp liên quan đến công nghệ mà phòng trung chuyển sẽ có nhiệm vụ xử lý hình, trước khi được chuyển đi các nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem