Những thách thức toàn cầu

Thứ năm, ngày 10/01/2013 06:08 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi chậm, tranh chấp biển đảo ở Đông Á vẫn tiếp tục leo thang, mùa xuân Arab sẽ mất dần sức nóng... là những dự báo cho năm 2013.
Bình luận 0

Rất nhiều thách thức trong năm mới này, khi các nhận định đều thống nhất rằng lãnh đạo các nước trên thế giới sẽ đối diện những thách thức to lớn.

img
Tổng thống Mỹ Obama và Đảng Cộng hòa bất đồng trong việc bàn ngân sách năm 2013

Kinh tế

Đã 6 năm trôi qua từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu, nhưng kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Chẳng hạn, tại châu Âu GDP khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ tăng chưa tới 0,5% trong năm này. Đức và Pháp hầu như không cải thiện. Hy Lạp có năm thứ sáu suy thoái liên tiếp. Kinh tế Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha rơi vào suy thoái năm thứ tư trong 5 năm. Mỹ khá hơn chút đỉnh, với dự báo GDP tăng trên 2% trong năm nay, nhưng chính phủ đang đối mặt với các “vách đá” tài khóa, có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nếu không giải quyết tốt.

Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là cỗ máy tăng trưởng cho kinh tế toàn cầu, với tăng trưởng bình quân dự báo tăng 6%. Trong đó, Brazil tăng 4%, Ấn Độ tăng 6,5%, Trung Quốc tăng 8,6%.

Châu Mỹ

Trong nửa đầu năm 2013, Mỹ phải đối mặt với năm vấn đề lớn. Thứ nhất, chính phủ và quốc hội phải đạt được thỏa thuận ngân sách hòng tránh “vách đá” tài khóa. Nếu họ thất bại, việc cắt giảm chi tiêu và nâng thuế trị giá 600 tỷ USD sẽ tự động được kích hoạt. Điều này có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào tái suy thoái. Thứ hai, ông Obama phải đứng trước việc chọn lựa các nhân sự mới cho nội các, như việc chọn ông John Kerry để thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton và sẽ còn thay đổi nhân sự ở ghế Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính...

Thứ ba, những vụ thảm sát đã làm dấy lên tranh cãi về sử dụng và sở hữu súng ở Mỹ. Dự báo sẽ có nhiều sức ép đòi thay đổi việc sở hữu súng để giảm thiểu các vụ xả súng trong tương lai. Thứ tư, quyết định hợp pháp hóa việc sử dụng cần sa cho mục đích giải trí của các bang Washington và Colorado sẽ có những hậu quả sâu rộng. Thứ năm, việc kết hôn giữa người đồng tính tiếp tục gây tranh cãi. Theo kế hoạch, tháng 6, Tòa án Tối cao sẽ phán quyết tính hợp pháp của hôn nhân đồng tính.

Do kinh tế toàn cầu đi xuống, tăng trưởng kinh tế ở Mỹ Latin có vẻ khá hơn, nhưng vẫn chưa phải là điểm sáng. Dự báo trong năm nay tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latin sẽ từ 3,5-4%, cao hơn mức 3,1% của năm 2012. Trong đó, Brazil dự báo tăng 4% nhờ lãi suất thấp và hạ thuế doanh nghiệp, thuế tiêu dùng. Trong số các nước lớn, Chile sẽ bầu cử tổng thống.

Đó sẽ là cuộc chạy đua giữa ứng viên trung tả Michelle Bachelet (cựu TT) và Laurence Golborne, ứng viên trung hữu. Paraguay cũng sẽ bầu cử vào tháng 4. Tại Argentina sẽ là năm then chốt quyết định thành bại của nữ TT Cristina Fernández. Tháng 10 sẽ diễn ra bầu cử quốc hội, lúc bà Fernández hoặc sẽ trở thành phe đa số, hoặc bị cô lập. Tại Venezuela, TT Hugo Chavez sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ mới 6 năm. Tuy nhiên, vì ông đang bị ung thư, nên người ta vẫn không biết ông có thể qua nổi năm nay hay không.

img
Phó TT Nicolas Marudo được TT Venezuela Chavez trao nhiều quyền trong năm 2013

Châu Á

Trong năm qua, Trung Quốc có nhiều hành động gây căng thẳng với các nước láng giềng trong vấn đề tranh chấp biển đảo. Dự báo trong năm 2013, điều này vẫn tiếp diễn. Các lãnh đạo mới như ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục những kế hoạch kinh tế đã được thế hệ lãnh đạo trước đặt ra. Cụ thể, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 sẽ được tiếp nối, kéo dài đến năm 2015.

Ưu tiên đầu tiên của ông Tập là bảo đảm ổn định chính trị và xã hội trong bối cảnh kinh tế đi xuống. Kinh tế TQ đang tăng trưởng chậm lại từ khi gói kích cầu đối phó cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hết hạn. Tuy nhiên, tăng trưởng trong năm nay có thể đỡ hơn chút ít so với năm 2012, nhờ các biện pháp kích cầu mới. Một thách thức cho các nhà lãnh đạo mới sẽ gặp phải trong năm nay là số người trong độ tuổi lao động bắt đầu sụt giảm, hậu quả của nhiều năm thực thi chính sách một con.

Nhật Bản sẽ có một sự thay đổi mạnh mẽ trong năm 2013: một chính phủ mới và quốc hội mới; có thể có Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới; và một sự thay đổi về nhân khẩu. Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe được cho rằng sẽ cứng rắn hơn với TQ trong tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Châu Âu

Nhiều năm chìm trong khủng hoảng nợ đã thử thách sự tồn tại của Liên minh châu Âu (EU) nhưng trước khi kết thúc năm, các nhà lãnh đạo đã có một bước đi khá mạnh mẽ: trao quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giám sát các ngân hàng lớn trong khu vực. Từ tháng 3-2014, ECB sẽ giám sát trực tiếp các ngân hàng có tài sản trị giá trên 30 tỷ euro (39 tỷ USD) và bất kỳ ngân hàng nào được cho là có vấn đề về thanh khoản. Ước tính khoảng 200 ngân hàng lớn nhất trong tổng số khoảng 6.000 ngân hàng của Eurozone sẽ chịu sự giám sát của ECB.

Liên minh ngân hàng được kỳ vọng sẽ là lá chắn giúp châu Âu đối phó với khủng hoảng và cũng là bước đầu của châu lục này trên con đường hội nhập lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là các nhà lãnh đạo EU sẽ phải bàn thảo xem họ sẽ làm gì sau khi đạt được thỏa thuận này. Bên cạnh đó, giới phân tích lưu ý rằng mỗi bước tiến gần tới liên minh ngân hàng cũng đồng nghĩa với việc các nước thành viên phải từ bỏ một phần chủ quyền lớn hơn cũng như sẵn sàng đón nhận phản ứng mạnh về chính trị, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, căng thẳng xã hội và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Châu Phi và Trung Đông

Ở Somalia, al- Qaeda bị đẩy ra khỏi các thành trì đô thị lớn do những cuộc tấn công quân sự Liên minh châu Phi (AU). Sức sống tạm hồi sinh, các nhà đầu tư người Somali ở nước ngoài đang quay về. Các nhân viên cứu trợ nay có thể tiếp cận hàng triệu người thiếu đói. Nhưng al- Qaeda đang tập trung lại ở phía bắc Somalia. Nhiều người Somalia hy vọng trong năm 2013, nước họ có thể hòa giải và dân chủ sẽ được tái lập.

Trong bối cảnh chính phủ TT Syria Bashar al-Assad đang tiến dần đến giờ chót, nhiều người bắt đầu hỏi điều gì sẽ diễn ra với quân nổi dậy. Nhiều người lo rằng nếu không có kế hoạch giải giáp nhóm này, họ có thể khiến đất nước bất ổn như tình trạng của Iraq hoặc Libya sau khi chính quyền bị lật đổ. Cho đến nay, hầu hết các đơn vị Quân đội Giải phóng Syria cam kết sẽ giải giáp một khi lật đổ được ông Assad. Tuy nhiên, giới quan sát vẫn lo ngại có những nhóm không giải giáp.

Trong khi đó, xung đột giữa Israel và Palestine vẫn căng thẳng, trong bối cảnh giải pháp một lãnh thổ hai quốc gia đã nhanh chóng bị đóng lại. Israel sẽ bầu cử vào tháng 1, trong khi người Palestine vừa đạt thắng lợi khi được phê chuẩn tư cách quan sát viên nhà nước ở LHQ. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhiều lần mời Palestine quay lại bàn đàm phán, nhưng người Palestine không đồng ý vì người Do Thái vẫn tiếp tục mở rộng việc xây khu tái định cư ở Bờ Tây. Trong năm này, người Palestine yêu cầu Israel chấm dứt việc xây dựng khu tái định cư, trong khi Israel muốn Palestine công nhận họ là nhà nước Do Thái.

Theo Thế giới & Hội nhập

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem