Những quán ăn ngon ở Sài Gòn có thâm niên hơn 30 năm

Huyền Thanh Thứ sáu, ngày 14/04/2017 11:00 AM (GMT+7)
Những quán ăn ngon ở Sài Gòn với các món ăn dân dã như bún miến, cháo lòng, bánh mì, hủ tiếu... nhưng đủ sức níu chân du khách lần đầu thưởng thức.
Bình luận 0

Phở, miến gà Kỳ Đồng

img

Món ăn trông đơn giản nhưng hấp dẫn thực khách bởi hương vị thơm ngon. Ảnh: VNE

Thực khách đến TP.HCM không thể bỏ qua quán miến luôn đông đúc trong hẻm Kỳ Đồng (quận 3). Quán có từ cách đây gần 40 năm, bán phở, miến, mì gà. Với lượng khách lớn mỗi ngày, quán rất đông nhân viên phục vụ nên khách ít phải đợi lâu. Một phần phở, miến có giá từ 35.000 đồng. Thời gian đông khách nhất là buổi trưa và 7-8h tối.

Quán bánh cuốn 40 năm

img

Bánh cuốn là món ăn dân dã, dễ ăn. Ảnh: I.T

Quán bánh cuốn nhỏ trong chợ Bàn Cờ (quận 3) có thâm niên 40 năm lúc nào tấp nập khách mỗi sáng dù giá một phần bánh là 28.000 đồng, cao hơn nhiều nơi khác. Chủ quá là một bà lão đã 86 tuổi và vẫn trực tiếp làm bánh theo kinh nghiệm gia truyền. Hàng ngày cụ dậy từ 4h sáng trực tiếp xào nhân, tráng bánh và phục vụ thực khách chủ yếu là quen. Bánh cuốn của bà mềm mượt, ăn thơm mùi bột gạo quyện cùng mùi hành phi thơm nức.

Cháo lòng Cô Giang

img

Quán có thâm niên trên 80 năm. Ảnh: Zing

Quán nằm trên đường Cô Giang, quận 1 và đã có hơn 80 năm. Hiện người bán là cháu ngoại bà Lê Thị Út – người chủ đầu tiên của gánh cháo này. Cháo ở đây được nấu theo kiểu Sài Gòn xưa với huyết tươi được cho trực tiếp vào nồi.

Ngoài lòng, một tô cháo còn được phục vụ thêm một chút xí quách có tác dụng làm ngọt nước cháo. Quán ăn này không có giá cố định. Bạn có thể gọi tô 5.000 đồng hay 50.000 đồng đều được.

Bánh mì Bảy Hổ

Quán bánh mì nổi tiếng với thâm niên hơn 80 năm nằm ở đường Huỳnh Khương Ninh, quận 1 là một trong những món “một tuần không ăn là nhớ” của nhiều người dân Sài thành.

Anh Hồ Quốc Dũng, người bán hiện nay, cho biết công thức luộc thịt và chế biến nước luộc do ông ngoại của anh – ông Trần Văn Hậu, người khai sinh xe bánh mì – tìm ra và truyền lại cho con cháu. Bánh mì Bảy Hổ nhỏ, phần nhân bánh là thịt luộc xắt mỏng và nước luộc thịt đã nêm nếm. Khi đông khách, người mua phải xếp hàng chờ khoảng 5-10 phút mới được thưởng thức.

Quán cháo Tiều 70 năm

img

Đến quán chủ yếu là khách đã ăn từ nhiều năm. Ảnh: VNE

Tô cháo lòng theo kiểu Triều Châu (người Tiều) được bán trong chợ Bàn Cờ là sự kết hợp của cháo trắng và nguyên liệu tươi sống, có giá 65.000 đồng, được thực khách Sài Gòn yêu thích.

Quán cháo xuất phát từ một gánh hàng ở đường Nguyễn Thiện Thuật, do người Triều Châu nấu bán từ năm 1942. Chủ quán hiện nay kế nghiệp cha và ông ngoại, duy trì món cháo Tiều lâu đời nhất ở Sài Gòn. Khác với món cháo lòng của người Việt, món cháo này là sự kết hợp của cháo trắng và lòng heo còn tươi.

Cháo được đổ ra bát, thêm rau mùi và gừng thái sợi, rắc chút hạt tiêu, có thể thêm trứng gà tùy nhu cầu của thực khách. Đến quán chủ yếu là khách đã ăn từ nhiều năm, quen vị và cho là đáng đồng tiền bát gạo với giá 65.000 đồng một tô đầy đủ. Nếu tô cháo có một hoặc 2 loại nguyên liệu sẽ là 37.000 và 47.000 đồng.

Hủ tiếu Thanh Xuân

Quán đã có thâm niên trên 75 năm ở đường Tôn Thất Thiệp, quận 1. Bạn có thể chọn rất nhiều món ăn như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu nước, hủ tiếu khô, mì chỉ… Trong đó, được yêu thích nhất là hủ tiếu càng cua (khô). Hủ tiếu càng cua đầy đặn với cua, tôm, thịt bằm… Điểm nhấn của món ăn là phần sốt có độ sệt, màu đỏ, vị chua nhẹ. Người bán chia sẻ mỗi ngày, quán bán hết nồi sốt khoảng 15 lít.

Xem thêm: Mì vịt tiềm và cá viên cà ri "ăn là ghiền" ở Sài Gòn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem