Những ngày “bước chân nát đá...”

Thứ bảy, ngày 08/03/2014 06:40 AM (GMT+7)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp không sao chợp mắt được với bao suy nghĩ, đắn đo. Mỗi ngày, ông càng thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Đầu bốc lên đau nhức...
Bình luận 0
Lời tòa soạn: 5 giờ sáng ngày 8.5.1954, tờ Le Figaro (Pari) đăng ở vị trí quan trọng nhất bài báo với tựa đề: “Sau 55 ngày đêm, Điện Biên Phủ đã thất thủ!”: Nước Pháp rúng động. Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc, mời bạn đọc cùng NTNN nhìn lại hành trình cuộc chiến với nhiều tư liệu lịch sử mới thể hiện rõ nét những cuộc đấu trí cam go, ý chí của quân dân trong chiến dịch...

Bài 1: Đêm không ngủ và quyết định từ trái tim

Lo lắng nếu Pháp rút khỏi Điện Biên Phủ


Mới đây, nhà báo Pháp Cecil Currey trong tác phẩm “Chiến thắng bằng mọi giá” cho rằng: “Trong quá trình chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ, các cố vấn Trung Quốc đã gây sức ép để Võ Nguyên Giáp chọn phương án đánh nhanh thắng nhanh như họ đã thử nghiệm ở Triều Tiên. Thế nhưng, Võ Nguyên Giáp quyết định chọn phương án “đánh chắc, tiến chắc”. Các cố vấn Trung Quốc ngỡ ngàng khi Võ Nguyên Giáp thay đổi cách đánh Điện Biên Phủ và trách cứ Võ Nguyên Giáp “thiếu tinh thần Bôn-sê-vích”. Tuy nhiên, bằng sự thận trọng, xử lý khôn khéo, kiên trì thuyết phục, Đại tướng đã tạo ra sự nhất trí trong tướng lĩnh và cố vấn bạn.

Đoàn xe đạp thồ của dân công hỏa tuyến đưa hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đoàn xe đạp thồ của dân công hỏa tuyến đưa hàng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 5.1.1954, từ núi rừng Việt Bắc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường đi Tây Bắc trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Theo hồi ký “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Hữu Mai ghi), Đại tướng cho rằng: Pháp chiếm Điện Biên Phủ là có lợi cho ta và ông rất lo lắng về chuyện quân Pháp có thể bất ngờ rút chạy khỏi Điện Biên. Khi đó các đại đoàn của ta đang bao vây quanh Điện Biên sẽ lại phải nhanh chóng rút ra và kéo theo nhiều nguy hiểm, phiền phức, tốn kém…”. Đi dọc đường từ Việt Bắc sang Tây Bắc, Đại tướng theo dõi sát hoạt động phía địch qua các báo cáo của đồng chí Cao Pha- Cục phó Cục 2. Cuối cùng ông rất mừng vì phía Pháp có vẻ quyết tâm trụ lại Điện Biên để chờ trận huyết chiến.

Người đầu tiên Đại tướng gặp là Tướng Hoàng Văn Thái. Ý kiến của nhiều tướng lĩnh là cần đánh sớm trong lúc địch chưa kịp xây dựng và củng cố công sự vững chắc, chưa tăng quân, ta sẽ giành chiến thắng trong 2 ngày 3 đêm. Cố vấn Trung Quốc là Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh cũng đồng quan điểm. Đó là chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh, dùng binh lực, hỏa lực mạnh đánh liên tiếp vào khu trung tâm đầu não của địch.

Lắng nghe lời phản biện

Tuy nhiên, khi nghiên cứu lại tình hình thực địa thì Đại tướng thấy 5 ngày nữa mới làm xong đường đưa pháo vào. Con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên 82km, chúng ta làm 20 giờ thì xong (theo dự kiến 1 ngày 1 đêm), đưa pháo vào địa điểm dự kiến 3 ngày nhưng sau 7 đêm pháo vẫn chưa tới nơi (do ta không lường trước việc kéo pháo khó khăn, vất vả) và do vậy thời gian nổ súng từ 20.1.1954 phải lùi lại 5 ngày tức là ngày 25.1.1954. Trong tác phẩm “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm” (Trần Thái Bình) ghi lại: 2 ngày trước giờ nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt- Cục phó Cục Bảo vệ đề nghị gặp Võ Đại tướng vào báo cáo: “Pháo của ta đặt trên địa hình rất trống trải, sẽ nguy hiểm nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá. Một số pháo vẫn chưa kéo vào trận địa”. Đây là người đầu tiên và duy nhất nói ra khó khăn. Sát đến ngày N, một chiến sĩ của Sư 312 bị địch bắt, qua điện đàm biết là giờ G bị lộ, ta lùi ngày N xuống 1 ngày (26.1.1954).

“Tình hình chiến dịch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh.
Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại.
Triệt để chấp hành mệnh lệnh!
Không giải thích”.
Trích điện đàm của Đại tướng

Ngày 25.1.1954, Võ Nguyên Giáp không sao chợp mắt được với bao suy nghĩ, đắn đo. Mỗi ngày, ông càng thấy rõ là không thể đánh nhanh được. Đầu bốc lên đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ ở Bộ chỉ huy phải buộc lên trán và hai bên thái dương ông một nắm ngải cứu lớn để làm dịu bớt những cơn đau đầu khi ông suy nghĩ.

Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo 105 ly và cao xạ 37 ly sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta cũng chỉ có vài ngàn viên đạn pháo. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng Đại tướng hiểu, không phải cứ có sức mạnh tinh thần cao là chiến thắng được quân địch! “Chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào. Không thể dùng “chiến thuật biển người” đối với một dân tộc chỉ có 20 triệu dân!”. (Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm).

Khi lần đầu nghe Hoàng Văn Thái nói ở Tuần Giáo về khả năng đánh nhanh thắng nhanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cảm thấy như vậy là mạo hiểm. Sáng ngày 26.1.1954, văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Sau 1 ngày tranh luận căng thẳng và thuyết phục cố vấn Trung Quốc, Đại tướng điện thoại cho pháo binh quyết định đánh chắc, tiến chắc.

Vì sao Pháp chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết đấu

“Ý định của Tướng Navarre muốn đánh bại kẻ địch ở ngay trên đất Việt Nam và chặn đường tiến quân sang Lào của Việt Minh. Ông cho rằng mình có thể cùng một lúc đạt được hai mục tiêu đó (...). Điện Biên Phủ được chọn trong hoàn cảnh đó nhằm uy hiếp sườn của Võ Nguyên Giáp ở phía Tây Bắc Bắc Bộ, buộc Võ Nguyên Giáp phải phân tán lực lượng giữa đồng bằng và vùng núi, che chở được nước Lào, và bẫy Việt Minh vào “con nhím” để tiêu diệt”.
Nhà báo Pháp Georges Boudarel, tác phẩm “Võ Nguyên Giáp”.

“Pháp chọn Điện Biên để bảo vệ Lào và là cái bẫy giăng ra đối với quân đội ta. Họ đánh giá cao “pháo đài bất khả xâm phạm” này và cho rằng ta sẽ thất bại khi tấn công nó. Người Pháp rải truyền đơn thách Việt Minh đến. Họ đã không đánh giá hết sức mạnh của quân đội Việt Nam, sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của T.Ư Đảng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh vô bờ bến của hàng vạn nông dân tham gia làm dân công trong chiến dịch”.
Đại tá Phạm Quế Dương - nguyên TBT tạp chí Lịch sử Quân sự VN.



Nguyễn Thiên Việt (Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem