Những chuyến xe đặc biệt chở trẻ nhỏ từ Nghệ An vào Nam đoàn tụ với bố mẹ

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ hai, ngày 26/06/2023 06:10 AM (GMT+7)
Đó là hành trình vất vả nhưng cũng đầy háo hức của những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở các vùng quê nghèo Nghệ An. Con trẻ phải xa bố mẹ từ khi còn rất nhỏ, chỉ được gặp nhau vài ngày trong năm. Những chuyến xe dài ngàn cây số chở đầy tình yêu thương và hy vọng của những gia đình lao động nghèo.
Bình luận 0

Hành trình "di cư ngược" của những đứa trẻ ngày hè

Trời gần sáng của một ngày giữa tháng 6, Lầu Mến Thương (8 tuổi, quê ở xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cùng em gái là Lầu Y Xia (7 tuổi) được ông nội chở ra bến xe huyện Kỳ Sơn để bắt đầu hành trình vượt hơn ngàn km vào tỉnh Bình Phước thăm bố mẹ. 

Bố của Thương gọi điện thoại, dặn dò con. Mọi việc từ lộ trình, tiền ăn uống của chị em Thương đã được bố mẹ thỏa thuận với nhà xe từ trước qua điện thoại.

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 1.

Những đứa trẻ ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được "ký gửi" cho nhà xe để vào các tỉnh phía Nam để thăm bố mẹ trong dịp hè. Trong chuyến hành trình "di cư ngược" chúng được nhà xe quan tâm hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Tình

Trên chuyến xe này, ngoài chị em Thương, còn có nhiều đứa trẻ khác, thậm chí có em còn nhỏ hơn chị em Thương và Xia, cũng đi một mình. Những chuyến xe chở các hành khách đặc biệt này không còn xa lạ với người dân các huyện miền núi tỉnh Nghệ An vào dịp nghỉ hè. 

Ở Nghệ An, mùa hè, học sinh ở các thành phố thường được cha mẹ gửi về thăm ông bà, chơi hè ở quê thì ngược lại, nhiều học sinh ở các vùng quê quanh năm ở quê cùng ông bà, đến hè lại "di cư ngược" vào các tỉnh phía Nam để đoàn tụ với cha mẹ. Phải trải qua chặng đường dài vất vả nhưng cháu nào cũng háo hức bởi chúng được đi xa, được đoàn tụ với cha mẹ sau thời gian dài xa cách.

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 2.

Trong chuyến xe đặc biệt, thường phải bố trí thêm phụ xe mới đủ nhân lực phục vụ các cháu nhỏ. Ảnh: Nguyễn Tình

Mới 6 tuổi nhưng đây là lần thứ 2, Giản Thị Huyền Trâm "độc hành" vào Nam thăm bố mẹ. Cô bé tỏ ra khá lanh lợi. Bố mẹ của Trâm vào tỉnh Bình Dương làm công nhân từ 10 năm trước. Do làm theo ca, họ không thể đưa đón con đi học, đành gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm chỉ tranh thủ về với con ít ngày vào dịp tết. Nghỉ hè, Trâm được nghỉ học, bố mẹ cũng ít việc nên đặt xe cho Trâm vào chơi, bù đắp lại những thiếu thốn tình cảm thời gian qua".

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 3.

Chị Hà Thị Hạnh là chủ một nhà xe chạy tuyến Kỳ Sơn - TP Hồ Chí Minh ân cần chăm sóc những hành khách đặc biệt trên chuyến xe của mình. Ảnh: Nguyễn Tình

Bố mẹ của Trâm tin tưởng hoàn toàn vào nhà xe khi gửi con đi xa cả ngàn cây số một mình. Nhiều phụ huynh khác cũng vậy. Mấy năm nay, khi biết có nhà xe quen biết chuyên nhận chở trẻ nhỏ vào Nam, nhiều phụ huynh gửi con cho họ.

"Bảo mẫu" bất đắc dĩ

Trên đường đi, các cháu nhỏ được chủ nhà xe kết nối để trò chuyện với bố mẹ. Qua điện thoại, anh Lầu Bá (trú tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) dặn dò hai cô con gái nếu cần gì thì cứ nhờ nhà xe giúp đỡ. Người bố cũng không quên dặn các con gắng ngủ một giấc rồi mai cha con gặp nhau.

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 4.

Trong suốt hành trình, chị Hạnh thường xuyên gọi video để bố mẹ các cháu yên tâm. Ảnh: Nguyễn Tình

Chiếc xe khách chạy tuyến huyện Kỳ Sơn – TP Hồ Chí Minh chở hơn 30 trẻ nhỏ rời quê dừng chân ở một nhà hàng trên tuyến đường tránh thành phố Vinh để nghỉ trưa, ăn cơm. 

Tại đây, những hành khách đặc biệt được phân thành từng nhóm nhỏ đi vệ sinh, rửa tay chân rồi ngồi vào bàn ăn.

Bà Hà Thị Hạnh là chủ nhà xe bất đắc dĩ trở thành một bảo mẫu cho hàng chục đứa trẻ. Bà Hạnh dặn những đứa trẻ ăn nhiều vào, chưa no thì "nói cho bác, bác gọi thêm". Ăn cơm không mất tiền. Vừa nói chị Hạnh vừa "điểm danh" xem có thiếu cháu bé nào không.

Suốt 7 năm nay, từ khi nhà xe của bà Hạnh đi vào hoạt động, cứ đến hè, lại nhận chở những vị khách nhí này. Những năm đầu, các cháu thường được ông bà hoặc người thân đi cùng nhưng rồi ông bà chúng đã cao tuổi, đi xa vất vả lại tốn kém nên họ "ký gửi" con trẻ cho nhà xe. Mới đầu nhà xe chỉ nhận đưa giúp vài cháu. Dần dần, nhiều người biết đến, gửi trẻ nhỏ theo xe ngày một nhiều.

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 5.

Tất cả nhân viên của nhà xe tận tình phục vụ các hành khách đặc biệt từ trên xe cho đến những bữa cơm dọc đường. Ảnh: Nguyễn Tình

Ngày thường, xe chỉ có vợ chồng bà Hạnh và thêm tài xế nhưng dịp hè, bà Hạnh phải thuê thêm 3 người nữa để phụ quản lý, chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là mỗi khi dừng xe để ăn cơm hay đi vệ sinh. Để hỗ trợ các cháu nhỏ, nhà xe tuyển phụ xe với yêu cầu "yêu trẻ nhỏ, sẵn sàng lau dọn, vệ sinh cho các cháu".

Trên hành trình kéo dài 2 - 3 ngày, có không ít các cháu mới 3 - 4 tuổi thường xuyên khóc. Những lúc này, các phụ xe phải thay phiên nhau gọi video để các cháu nói chuyện với bố mẹ, phụ huynh nhìn thấy con mình qua video cũng yên tâm.

Những đứa trẻ độc hành cả ngàn cây số với chuyến "di cư ngược" để thăm bố mẹ ngày hè - Ảnh 6.

Niềm vui lớn nhất của những đứa trẻ ở các huyện miền núi Nghệ An đó là được gặp bố mẹ trong dịp nghỉ hè. Vì cuộc sống của gia đình, bố mẹ các em phải đi làm ăn ở xa, công việc vất vả không có thời gian về thăm con. Ảnh: Nguyễn Tình

Trước mỗi chuyến hành trình, bà Hạnh thường mua sữa, bánh kẹo, bỉm để phát cho các em nhỏ. Với các cháu có hoàn cảnh khó khăn, chị không lấy tiền vé mà còn cho thêm tiền để mua quần áo mới. Đối với những cháu được giấy khen, tặng 100.000 đồng để khích lệ. Bà Hạnh đau đáu mong muốn một ngày sẽ miễn phí hoàn toàn cho các cháu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem