Như thế nào được gọi là tù binh chiến tranh?

MA Thứ tư, ngày 22/12/2021 23:16 PM (GMT+7)
Công ước Geneva về đối xử nhân đạo đối với tù binh, hàng binh chiến tranh là công ước về các quy tắc mà các nước đã phê chuẩn hoặc chưa phê chuẩn được khuyến cáo tuân theo khi đối xử với tù binh, hàng binh chiến tranh và dân thường trong vùng chiếm đóng...
Bình luận 0

Các công ước Geneva bao gồm một loạt thỏa thuận quy định chuẩn mực về nhân quyền quốc tế, ra đời gần 150 năm nay. Công ước này đưa ra cơ sở pháp lý cho sự hình thành và hoạt động của Ủy ban Chữ Thập Đỏ Quốc tế (ICRC). Cơ quan này có nhiệm vụ bảo hộ không thiên vị nạn nhân của các cuộc xung đột trên thế giới.

Như thế nào được gọi là tù binh chiến tranh? - Ảnh 1.

Phi công Mỹ bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Việt Nam.

Ý tưởng về các công ước bắt đầu được hình thành năm 1859 khi Henry Durant, một thương nhân người Thụy Sĩ, chứng kiến trận chiến Solferino ở Italia, trong đó 40.000 người bị giết hoặc bị thương trong một ngày.

Năm 1864, nỗ lực của Durant ngăn chặn những thảm kịch tương tự trong tương lai đã có kết quả. Công ước Geneva I ra đời, quy định một loạt nguyên tắc ứng xử trong chiến tranh.

Công ước thứ hai, hoàn thành năm 1899, mở rộng đối với giao tranh trên biển. Công ước thứ 3 và 4, được phê chuẩn vài năm sau đó, lần lượt xác định sự bảo hộ đối với tù nhân chiến tranh và thường dân trong thời kỳ xung đột.

Năm 1949, toàn bộ 4 công ước được xem xét lại và ký kết để hình thành bộ công ước Geneva. Hai nghị định thư sau đó đã được thảo thêm, nêu ra những điều cấm kỵ trong giao chiến quốc tế và nội chiến. Tổng cộng, gần 200 nước đã ký kết Geneva. Nếu một nước vi phạm công ước, người ta có thể kiện ra Tòa án quốc tế ở La Haye.

Điều 4 Công ước Geneva III quy định tù binh chiến tranh là những người rơi vào tay đối phương, đáp ứng các tiêu chuẩn sau:

1. Thành viên của lực lượng vũ trang của một bên trong cuộc xung đột hay các địa phương quân hoặc tình nguyện quân thuộc lực lượng vũ trang như vậy.

2. Thành viên của các nhóm địa phương quân hay đơn vị tình nguyện khác, bao gồm những người trong một phong trào kháng chiến có tổ chức với điều kiện họ:

(a) được chỉ huy bởi một người có trách nhiệm đối với cấp dưới.

(b) có những dấu hiệu đặc biệt có thể nhận ra từ xa.

(c) công khai mang vũ khí

(d) tổ chức tấn công và phòng ngự theo đúng luật và tập quán chiến tranh.

3. Thành viên của lực lượng vũ trang chính quy trung thành với một chính phủ hay chính quyền không được bên bắt giữ công nhận.

Khoản 6 của điều 4 cũng gộp vào hàng tù binh chiến tranh những người sống trên vùng lãnh thổ không bị chiếm đóng đã tự giác cầm súng đánh đuổi xâm lược, với điều kiện họ công khai mang vũ khí và tôn trọng tập quán và luật chiến tranh.

Điều 5 của công ước quy định, "nếu có điều gì chưa rõ ràng" như là liệu những người bị giam giữ có thể được xếp vào loại nào trong số trên, họ sẽ "được hưởng sự bảo hộ của công ước" cho tới khi vị trí của họ được xác định chính thức bởi một toà án thích hợp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem