Nhớ ông thợ hớt tóc xưa

Cát Lộc Thứ năm, ngày 06/08/2015 08:52 AM (GMT+7)
Ngày đó, ở thị trấn quê tôi có một ông thợ hớt tóc già ở tuốt xóm sâu, cứ cả nhà tôi tới cữ hớt tóc là ông lững thững xách cái thùng thiếc nhỏ đựng đồ nghề tới. Ba tôi nhanh nhẹn bắc chiếc ghế đẩu sân nhà rồi ngồi lên hớt trước. Sau đó tới hai anh tôi, sau cùng mới tới tôi.
Bình luận 0

img

Những ông thợ hớt tóc từ lâu đã trở thành “kho truyện sống” ở các làng quê, thị tứ.  (Ảnh minh họa). Ảnh: Đ.D

Thị trấn quê tôi cũng có vài tiệm hớt tóc ghi biển hiệu đàng hoàng. Nhưng chỉ có tiệm ở ngã tư thị trấn mới hấp dẫn. Tiệm hớt tóc này có tấm bảng bằng cây hình chữ nhật dựng đứng trên hai chân vững chắc không hề ngã. Hai mặt bảng sơn màu xanh lợt với hàng chữ “ngộ” lắm: “Hớtóc”. Nghĩa là người ta cố tình viết mất một chữ “t”, cho gọn. Trên vách tiệm có treo một cây đờn ghi ta phím lõm hoặc cây đờn cò. Trưa trưa tôi ưa cùng mấy đứa bạn tới đó ngồi nghe ông thợ hớt tóc lửng tửng mấy tiếng đờn ghi ta phím lõm buồn còn hơn ngọn nắng hè oi ả. Cũng có lúc cao hứng, ông cùng số bạn của mình, kẻ đờn kìm, người đờn cò, ai đó thủ cây vĩ cầm, cùng réo rắt những điệu buồn âm vực cổ nhạc trong tiếng mưa rơi gió hú não nùng, thỉnh thoảng ngân vang tiếng song lan giòn khướu. Rồi, trong những tiếng đờn đắm mê ấy, có ai đó cất cao giọng hát một bài vọng cổ ba mươi hai câu. Mùi rệu.

Tiệm hớt tóc này hấp dẫn tôi đâu chỉ có vậy, vì còn một chuyện nữa mà tôi ưa thích tới ngồi. Đó là những câu chuyện xảy ra ở loanh quanh thị trấn, xa nhất là ở các tỉnh khác, do ông thợ kể lại. Toàn những chuyện mới lạ ở những nơi mà bước chân bé nhỏ của tôi chưa hề đặt tới. Tôi thầm phục cái ông hớt tóc này tài làm sao khi ngồi một chỗ mà biết bao chuyện trên trời dưới đất. Có thể nói ông là một cái đài, nhanh hơn nhật báo, có khi còn hơn “báo giờ” điện tử ngày nay.

Té ra hớt tóc là văn hóa. Ông bà ta từng nói “cái răng cái tóc là gốc con người”. Bây giờ chẳng thể nào thấy được mấy cây đàn cổ nhạc treo trên vách tiệm hớt tóc và làm sao có cơ hội thưởng thức tiếng đàn giọng ca mùi mẫn của những “nghệ sĩ chân đất” kia. Bây giờ cũng chẳng ông thợ nào có tấm da dầy cộm dùng để liếc con dao cạo cho thiệt bén…                                                            

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem