Sơn La: Thắp sáng nụ cười cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh

Văn Chiến Thứ sáu, ngày 13/07/2018 08:00 AM (GMT+7)
Niềm vui, nụ cười trọn vẹn và cả những ước mơ của hàng trăm trẻ em bị dị tật bẩm sinh ở Sơn La đang được thắp sáng từ chương trình phẫu thuật nhân đạo, do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La phối hợp với Trung tâm hỗ trợ trực tiếp trẻ khuyết tật tổ chức.
Bình luận 0

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La và Trung tâm hỗ trợ trực tiếp trẻ khuyết tật vừa tổ chức chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ bị dị tật bẩm sinh.

Ngay từ cổng Bệnh viện, chúng tôi bắt gặp tốp tốp những ông bố, bà mẹ bồng bế, địu con bị dị tật bẩm sinh, khẩn trương tiến về hội trường – nơi các bác sỹ đang tiến hành khám sàng lọc, trước khi chỉ định phẫu thuật đối với trẻ em khuyết tật.

img

160 trẻ em bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật miễn phí trong đợt này

Trên khuôn mặt khắc khổ, lo lắng bấy lâu của mỗi người ánh lên niềm hy vọng, tin tưởng con mình sẽ được như những đứa trẻ bình thường khác, trước sự can thiệp của các bác sĩ đến từ Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.

Kể từ ngày sinh bé Cà Thanh Bình đến nay, chị Quàng Thị Yêu (mẹ của bé) bản Cắp (xã Mường Bằng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ngày nào cũng dằn vặt bản thân bởi đứa con do chị mang nặng, đẻ đau 9 tháng, 10 ngày, không lành lặn như những đứa trẻ bình thường khác. Bé bình bị hở môi ngay từ lúc lọt lòng.

img

Trong tổng số 160 trẻ khuyết tật có chỉ định phẫu thuật, có nhiều trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch

“Tháng 3.2017, tôi sinh bé Bình. Tôi rất đau lòng khi thấy con mình sinh ra không được hoàn thiện. Con tôi bị hở môi nặng. Cháu không bú được sữa mẹ mà phải ăn sữa ngoài. Tôi cũng muốn đưa cháu đi phẫu thuật ở bệnh viện nhưng ngặt nỗi kinh tế gia đình eo hẹp. Lần này đưa con đến phẫu thuật, tôi đặt trọn niềm tin vào tay nghề của các bác sĩ. Hi vọng các bác sĩ thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo đợt này, sẽ mang nụ cười trọn vẹn trên môi cho đứa con bé bỏng của tôi...” – chị Yêu phấn khởi nói.

img

Các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tích cực tham gia thực hiện ca phẫu thuật cùng các bác sĩ đến từ Hà Nội

Như sợ trẻ khuyết tật bị đau, các bác sĩ thực hiện chương trình phẫu thuật nhân đạo, nhẹ nhàng, tỉ mỉ thăm khám cho các cháu.

Kết thúc khám sàng lọc vào buổi sáng, 160 trẻ em bị dị tật bẩm sinh: sứt môi, hở hàm ếch, khuyết tật vận động, thoát vị bẹn, dị dạng tiết niệu sinh dục... đã có chỉ định phẫu thuật trong đợt này.

img

Các bác sĩ làm việc rất khẩn trương, tỉ mỉ, với mong muốn thắp sáng ước mơ, nụ cười cho trẻ em bị dị tật bẩm sinh

Ngổi cạnh con (cháu Lò Hồng Ngọc, 10 tuổi) bên chiếc giường trong phòng hậu phẫu, chị Lường Thị Thiên, bản Nà Pát (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) không giấu nổi niềm vui khi tiếp chuyện với chúng tôi.

Chị Thiên xúc động, nói: “Con tôi bị sứt môi, hở hàm ếch rất nặng. Bên trong hàm con tôi trống rỗng. Đã 10 tuổi rồi mà hàm trên của con tôi mới chỉ có 2 cái răng. Đây là lần thứ 3 tôi đưa con đi phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch ở Bệnh viện. Các bác sĩ nói, sang năm con tôi phải tiến hành phẫu thuật thêm lần nữa thì mới hoàn thiện được. Cũng may có chương trình phẫu thuật nhân đạo, chứ không gia đình tôi biết xoay sở đâu ra tiền để đưa cháu đi phẫu thuật. Cảm ơn các bác sĩ đã giúp con tôi thành người hoàn chỉnh”.

img

Đã có gần 100 trẻ bị dị tật bẩm sinh được phẫu thuật thành công

Thạc sĩ Đỗ Xuân Thụ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, cho biết ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn là khám chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Bệnh viện đặc biệt quan tâm đến công tác xã hội từ thiện.

Đã mấy năm nay, năm nào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cũng phối hợp với Trung tâm hỗ trợ trực tiếp trẻ khuyết tật, tổ chức chương trình phẫu thuật nhân đạo cho trẻ khuyết tật bẩm sinh trong tỉnh. Mỗi năm, trên địa bàn toàn tỉnh có từ 120 – 150 trẻ khuyết tật được phẫu thuật miễn phí. Trong tổng số 160 trẻ khuyết tật có chỉ định phẫu thuật trong đợt này, phần lớn là trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch.

Mục đích của chương trình phẫu thuật nhân đạo là tạo cho trẻ bị dị tật bẩm sinh trên địa bàn tỉnh có cơ hội hòa nhập cộng đồng, xoa dịu những tự ti, mặc cảm của trẻ khuyết tật, giúp trẻ có điều kiện phát triển cả về thể chất và tâm sinh lí.

“Chương trình phẫu thuật nhân đạo góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho những gia đình có con em bị dị tật bẩm sinh. Chương trình hỗ trợ chi phí đi lại, ăn uống cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong thời gian phẫu thuật, hồi sức. Chúng tôi huy động tất cả y, bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện tham gia thực hiện chương trình cùng với các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành đến từ các bệnh viện: Xanh Pôn, Việt Đức, Thái Nguyên... Dự kiến chương trình sẽ kéo dài trong 1 tuần” – ông Thụ cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem