Nhiều “ông lớn” điêu đứng vì biến động tỷ giá

Trần Giang Thứ tư, ngày 04/05/2016 15:22 PM (GMT+7)
Biến động của đồng Yên Nhật (JPY), USD trong thời gian qua khiến không ít doanh nghiệp lớn bị sụt giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Bình luận 0

img

Tính từ đầu năm tới nay, đồng JPY đã tăng giá gần 10% và là đồng tiền tăng mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Một số chuyên gia tài chính cho rằng, đồng JPY nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng giá bởi mức 110 Yên/USD hiện tại vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 99 Yên/USD của 5 năm trước. Điều đó có nghĩa, các doanh nghiệp Việt vay vốn Nhật có thể còn gặp khó khăn về tỷ giá JPY/VND.

Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã CK: PPC) gây bất ngờ với con số lỗ lên tới 157 tỷ đồng trong quý I.2016 mà nguyên nhân là do biến động tỷ giá JPY/VND trong kỳ.

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cũng có lợi nhuận sau thuế rất khiêm tốn do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 660 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2015, Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 641,3 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá đã thực hiện là 22,1 tỷ đồng, làm chi phí tài chính tăng gần 300 tỷ đồng.

Cũng bị sụt giảm lợi nhuận vì biến động của đồng JPY, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT, cho biết vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là khoản dự phòng tỷ giá 1.200 tỷ đồng không được ghi nhận vào giá bán điện. Tỷ giá đã ảnh hưởng lớn tới kết quả doanh nghiệp như trường hợp Phả Lại. Bà Thanh thừa nhận khoản đầu tư vào Nhiệt điện Quảng Ninh là không thực sự hiệu quả.

Biến động tỷ giá liên quan đến các nghiệp vụ phát sinh bằng ngoại tệ cũng “thổi bay” 1.600 tỷ đồng lợi nhuận của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo Vietnam Airlines, năm 2015, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 45,6 tỷ đồng, bằng 19,6% năm 2014, trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái 2.448,8 tỷ đồng.

Một “ông lớn” như Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global), đơn vị phụ trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng chỉ có khoản lợi nhuận sau thuế năm 2015 đạt 500 tỷ đồng, trong khi năm 2014 là 2.317 tỷ đồng.

Lý giải của công ty về lợi nhuận sụt giảm này cũng là do rủi ro tỷ giá từ các giao dịch mua, bán và vay bằng USD và các ngoại tệ khác.

Năm 2015, Viettel Global ghi nhận lỗ ròng từ tỷ giá hơn 600 tỷ đồng. Đặc biệt, tại thị trường châu Phi, Tổng công ty lỗ gần 2.600 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần con số năm 2014, một trong những nguyên nhân là đồng nội tệ của không ít quốc gia mà Viettel đầu tư giảm giá mạnh so với USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem