“Nhiều họa sĩ sợ bị ném đá nếu theo đuổi body painting“

Thứ hai, ngày 08/06/2015 17:37 PM (GMT+7)
Theo họa sĩ Ngô Lực, các đồng nghiệp của anh không dám thử nghiệm vẽ trên cơ thể người vì sợ người thân nghi ngờ, dư luận bàn tán về việc tiếp xúc với cơ thể người mẫu.
Bình luận 0

Body painting du nhập vào Việt Nam đã lâu nhưng đến nay chưa có nhiều họa sĩ thành danh với loại hình này. Theo anh, đâu là lý do?

- Tôi cho rằng, một số họa sĩ ngại điều tiếng khi cho rằng đây là môi trường làm việc nhạy cảm. Họ sợ bị hiểu lầm là không giữ được ranh giới mỏng manh giữa họa sĩ và người mẫu trong lúc làm việc. Một số người không muốn rắc rối trong mối quan hệ với người thân như vợ, người yêu.

Ngoài ra, một số khác lại không muốn làm người đi sau, không xâm lấn vào một lãnh địa nào đó mà người đi trước đã có chút tiếng tăm. 

1492242-684414214949192-7188307904832905

Ngô Lực (phải) trong một festival nghệ thuật quốc tế.

Anh nghĩ gì về ranh giới mỏng manh giữa họa sĩ và mẫu trong công việc này?

- Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nhiều người sợ dư luận ném đá, kiểu như "tiếp xúc gần gũi như thế, chẳng có gã họa sĩ và cô người mẫu nào không nảy sinh chuyện tình cảm trai gái". Bởi body painting không chỉ sử dụng cọ vẽ, đôi khi người nghệ sĩ trực tiếp vẽ trên cơ thể mẫu bằng chính ngón tay của mình.

Theo tôi, sự sợ hãi đến không dám thử nghiệm vì những quan niệm như thế thật tào lao. Thực tế, một dự án body painting lúc nào cũng có ít nhất bốn người: họa sĩ, thợ trang điểm, mẫu và nhiếp ảnh. Có thể trong quá trình làm việc, người này, người kia nảy sinh những cảm xúc khác lạ, nhưng trong môi trường tập thể họ biết quên nó đi vì công việc chung. Khi làm việc, tôi thường không để đầu mình nghĩ đến những chuyện khác. 

Tôi thấy rất tiếc khi ở Việt Nam rất nhiều người biết vẽ và vẽ đẹp nhưng không thử nghiệm với một chất liệu mới là cơ thể con người. Một vài nghệ sĩ body painting được coi là có tiếng, theo tôi biết, họ vốn là thợ trang điểm. Cái nhìn và những nét vẽ của họ không thể mạnh mẽ như dân học mỹ thuật chính thống. Nếu có thêm nhiều họa sĩ làm body painting, tôi tin hội họa Việt Nam đương đại sẽ phát triển với tốc độ nhanh.

Theo anh, đâu là sức hấp dẫn của nghệ thuật hội họa này?

- Với tôi, đôi khi vẽ trên một tấm toan rất buồn, dù bức vẽ đó bán được. Khi ngồi trước một chất liệu bất động, người nghệ sĩ vừa nhỏ bé vừa tự cao, tự đại hơn rất nhiều khi chỉ mình anh ta được quyết định khuynh hướng của tác phẩm.

Nhưng khi vẽ trên cơ thể người, họa sĩ, người mẫu và êkíp có một sự cộng hưởng cảm xúc rất kỳ lạ. Đối lập hoàn toàn với một tấm toan câm lặng là một cơ thể có sự chuyển động nhịp nhàng của các mạch máu. Đó là một chất liệu biết nói, biết tác động trở lại cảm quan của người nghệ sĩ, có mặt và tham gia trực tiếp vào kết quả cuối cùng của anh ta.

Cái đẹp nhất và tạo nên sự khác biệt giữa các nghệ sĩ khi làm body painting nằm ở chỗ buông, bỏ của cọ chứ không phải chỗ vẽ. Body painting phổ biến hơn ở phương Tây nhưng họa sĩ của họ không giỏi trong cách đặt mảng, miếng và tạo hình. Người châu Á tinh tế hơn khi chú trọng vẽ cái thần và biết "cắt", "đặt", "để" và bố trí khoảng hở, khoảng kín trong một tác phẩm. 

Ngoài giá trị nghệ thuật, vấn đề thương mại của loại hình này thế nào tại Việt Nam?

- Trên thế giới hay ở Việt Nam hiện nay, nhiều người có nhu cầu chụp lại cơ thể mình trong trạng thái không nude hoàn toàn. Họ không thích xăm mình, cũng không thích khoe hết các bộ phận trên cơ thể. Những người đó sẵn sàng bỏ từ 500 đến 1.000 USD trả cho họa sĩ và nhiếp ảnh để họ tôn vinh cơ thể để trần của mình.

Nhiều dự án quảng cáo và show trình diễn thời trang cần đến body painting để tạo điểm nhấn. Thay vì trang điểm cho người mẫu, họ muốn tôi tạo ấn tượng tại một điểm nào đó trên khuôn mặt hay cơ thể mẫu để tôn vinh trang phục. Những show như vậy, số tiền họa sĩ nhận được cũng không hề nhỏ.

Bạn còn có nhiều cơ hội giao lưu học hỏi với nước ngoài nếu được mời tham gia những festival. Tôi thường đăng tải tác phẩm của mình lên mạng xã hội và nhận được lời mời tham gia các sự kiện đó. Cơ hội nhận được những dự án khác cũng mở ra qua những dịp giao lưu như thế. Tôi từng có thời gian dài làm việc ở nước ngoài và nhận thấy các họa sĩ body painting vừa được thỏa đam mê, vừa có thu nhập khá do công việc này mang lại.

10408678-10152819233274720-338-2752-3456

Ngô Lực (trái) tạo điểm nhấn hình thể cho diễn viên Vân Trang.

Môi trường nước ngoài tạo điều kiện tốt cho loại hình nghệ thuật này phát triển. Vì sao anh không thay đổi môi trường sống và làm việc để nắm bắt nhiều cơ hội hơn?

- Các tác phẩm của tôi đều hướng đến những tín hiệu văn hóa Á Đông. Nếu ở phương Tây, tôi còn đâu chất liệu để sáng tạo. Tôi nghĩ môi trường chuyên nghiệp hay không là do mình tạo ra. Nếu tách khỏi đất nước này, tôi như con cá tách khỏi nước vậy. Về đây, tôi có thể làm rất nhiều thứ như hội họa, kiến trúc, phim ảnh.

Những người từng học ở nước ngoài đều hiểu một điều cơ bản: khi làm bất kỳ việc gì cũng nên dùng ngôn ngữ quốc tế để kể câu chuyện địa phương của họ chứ không phải bắt chước phương Tây.

 

Họa sĩ Ngô Lực sinh năm 1979 tại Ninh Bình. Anh tốt nghiệp cả ba chuyên ngành mỹ thuật, kiến trúc, đạo diễn điện ảnh.

Ngô Lực được coi là một trong những nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên thử nghiệm body painting. Anh từng vẽ cho nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz như diễn viên Minh Thư, Vân Trang, Jolie Phương Trinh... Họa sĩ được mời tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng được tổ chức khắp nơi trên thế giới nhờ ý tưởng nghệ thuật đậm chất Á Đông. 

 


Nội dung..

 

(Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem