Nhiều bất cập trong công tác Phòng, chống mại dâm tại TP. Hồ Chí Minh

Thành Nam Thứ năm, ngày 26/12/2019 17:52 PM (GMT+7)
Lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện 3.886 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có 121 có sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm)…
Bình luận 0

Theo số liệu thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn có trên 3.200 người nghi vấn hoạt động mại dâm, gần 9.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội và còn 17 tuyến đường thuộc 19 phường/xã, quận/huyện khoảng 100 người hoạt động mại dâm nơi công cộng.

img

Cơ quan chức năng triệt phá ổ nhóm mại dâm. Ảnh minh họa

Con số thống kê cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các Đoàn, Đội, Tổ kiểm tra liên ngành Văn hóa -Xã hội từ Thành phố đến quận/huyện, phường/xã… đã tổ chức kiểm tra 6.284 lượt cơ sở, phát hiện 3.886 cơ sở vi phạm hành chính về lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội (trong đó có 121 có sở vi phạm liên quan đến mại dâm và khiêu dâm) xử phạt hành chính 3.154 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 25 tỷ đồng.

Mới đây, Viện kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chi Minh cũng đã khởi tố 18 vụ, 19 đối tượng; đề nghị truy tố 15 vụ, 17 đối tượng. Tòa án nhân dân Thành phố xét xử 16 vụ, 17 đối tượng liên quan đến tệ nạn mại dâm.

Theo một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống mại dâm vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Một số chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống mại dâm, chỉ đạo triển khai chưa quyết liệt dẫn đến tình trạng tồn tại các tụ điểm, tuyến đường hoạt động mại dâm.

Lực lượng cán bộ phòng, chống mại dâm cấp cơ sở hiện nay hầu hết là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi công việc, thiếu kinh nghiệm… đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả trong công tác phòng, chống mại dâm tại địa phương.

Hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm (Pháp lệnh phòng chóng mại dâm năm 2003, Nghị định số 178/2004/NĐ-CP) ban hành hơn 15 năm nay đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Cụ thể như: Chưa quy định điều chỉnh, xử lý hành vi "mại dâm đồng tính", quan hệ tình dục nam với nam, quan hệ tình dục nữ với nữ, kể cả quan hệ tập thể nam với nam, nữ với nữ không thuộc khái niệm quan hệ tình dục (giao cấu) nên không thể xử lý hình sự về các tội liên quan đến mại dâm hay xử lý vi phạm hành chính về hành vi đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ để xảy ra tệ nạn mại dâm tại cơ sở quản lý.

Về chính sách hỗ trợ cho người bán dâm như Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị quyết số 24/2012/NQ-QH13 quy định không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm chưa có các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với đặc điểm xã hội của người bán dâm tại cộng đồng. Cụ thể các chương trình can thiệp cho nhóm người bán dâm dựa trên quan điểm tiếp cận mới (bảo đảm sự bình đẳng chú trọng các hỗ trợ xã hội thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…) còn đang trong giai đoạn thí điểm, triển khai chưa đồng bộ, số người được tiếp cận dịch vụ còn rất ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem