Nhà văn Nguyễn Văn Thọ: Nhiều người đã phải trả giá cho ước mơ làm giàu nơi trời Tây

Thứ ba, ngày 29/10/2019 15:28 PM (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ từng sinh sống và làm việc ở Đức từ những năm 80 của thế kỷ trước. Thông tin 39 người di cư tử vong trong thùng lạnh container hôm 23/10 vừa qua khiến ông không khỏi xót xa, bàng hoàng…
Bình luận 0

img

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Ảnh: TL

35 năm ở Đức, tôi quá thấu hiểu bi kịch của những người di cư

Với những kiến thức thực tế, sau này về nước, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã viết tiểu thuyết "Quyên" (giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết 2006-2009 của Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 2015, tiểu thuyết được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh, do Nguyễn Phan Quang Bình làm đạo diễn. Người đẹp Ngọc Anh (vai Quyên) và diễn viên Trần Bảo Sơn (vai Hùng) đảm nhiệm vai chính trong phim.

"Quyên" kể về cô gái Hà Nội nghe theo chồng vượt biên từ Nga sang Đức. Cuộc ra đi tìm kiếm đất hứa trở thành cuộc phiêu lưu 9 năm với biết bao biến cố, bi kịch và sống lênh đênh ở xứ người chính ngay giữa đồng bào mình. Qua đó cũng phản ánh về những mặt trái của vấn đề di dân; để thấy rằng làm giàu bằng con đường làm ăn phi pháp nguy hiểm như thế nào… Đến nay, tiểu thuyết "Quyên" đã tái bản lần thứ 7.

Trước câu chuyện 39 người tử vong trong thùng container đông lạnh ở Anh hôm 23/10, nhà văn Nguyễn Văn Thọ không khỏi xót xa. Ông chia sẻ: "Câu chuyện 39 người chết là rất đau xót nhưng nó có bất ngờ không? Tôi cho là không bất ngờ. Vì dòng người di dân bất hợp pháp đã tồn tại từ rất lâu và cho đến hôm nay, nó vẫn đang tiếp diễn.

Cần phải thấy rằng di dân bất hợp pháp thì kể cả ở đất nước tiến bộ nhất, họ cũng không tạo điều kiện cho tầng lớp này. Vì thế, dù bỏ ra số tiền lớn từ 20.000 - 30.000 USD để sang các nước châu Âu thì dù muốn hay không, họ buộc phải sống chui sống lủi, làm lậu hoặc tiếp tay cho nhóm người xấu. Chi phí cho số tiền lớn như vậy chỉ để đi làm công việc đó là một nghịch lý đau xót.

Tôi đã từng ở Đức 35 năm nên hiểu rằng, dấn thân ra nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp thì tỷ lệ nguy hiểm lên đến 80-90%. Vậy nhưng dòng người di dân vẫn cố gắng vượt biên sang Ba Lan, Tiệp, Nga, Đức để mưu cầu đổi đời. Nếu đã hiểu đời sống Sở tại thì tôi tin rằng không có ai đủ dũng cảm để đưa con cháu mình sang đó, để rồi đánh đổi sinh mạng của họ như vậy. Nhìn các cháu đang ở độ tuổi mơn mởn, tương lai còn rất dài ở phía trước phải chết trong một hoàn cảnh kinh khủng như vậy, chúng ta là người ngoài mà nghĩ thôi cũng đã đủ ớn lạnh chứ nói gì người trong cuộc.

39 người chết hiện nay chỉ là con số bề nổi. Rất nhiều người đã phải trả giá cho ước mơ làm giàu ở trời Tây. Tôi có hai người bạn sang Anh cũng bằng con đường tương tự và bị mất tích mà cho đến giờ vẫn không rõ tin tức".

Theo tác giả tiểu thuyết "Quyên", qua câu chuyện này cần phải thức tỉnh người dân. Khi đã chọn con đường này là họ đã mang trong mình tư tưởng thích làm giàu nhanh, giàu sổi. Bởi với số tiền như thế tại sao không chọn cách làm ăn chân chính?

"Những thanh niên còn rất trẻ, tương lai còn nhiều mà chết như thế, đau đớn quá. Ước mơ, khát vọng đó theo tôi không chính đáng. Bất cứ ai có lương tri cũng đều thương xót cho 39 con người, nhưng cần phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ngay từ ban đầu, họ đã chọn con đường đầy sai trái, nguy hiểm. Cần phải loại trừ cách kiếm tiền, làm giàu bằng hình thức như vậy", nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

Ý thức kiếm tiền mang về mạnh hơn cái chết

Nhớ lại câu chuyện ở Đức, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho biết, ông sang Đông Đức theo hình thức xuất khẩu lao động từ năm 1988, khi đó ông 40 tuổi. Lúc này, Đông Đức vẫn là cuộc sống bao cấp, là một đất nước tiên tiến vì họ rất quy củ và có tính kỷ luật. Nhưng khi Đông Đức và Tây Đức thống nhất, đó cũng là lúc hết thời hạn lao động của ông. Người Việt muốn ở lại phải tự túc, rơi vào cảnh sống tạm bợ. Bản thân ông phải đi bán hàng rong kiếm sống qua ngày. Trong hành trình mưu sinh gian nan ấy, cũng có lúc ông làm "lậu", cũng tham tiền như bản năng của con người. Chỉ khác là ông không phải sống chui sống lủi vì có giấy tờ vô thời hạn ở Đức.

Khoảng thời gian này với nhà văn Nguyễn Văn Thọ vô cùng khó khăn. Có lúc trong tay ông chỉ đủ số tiền để sống lay lắt khoảng 2 tuần. Mua bánh mỳ phải chọn giá nào rẻ nhất vì không biết ngày mai mình sẽ sống bằng cái gì. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, khi ấy ông an ủi mình rằng dân Đức sống được thì mình cũng sống được nên tìm mọi cách để tồn tại. Nghị lực, ý thức mãnh liệt về việc làm sao có tiền để trở về mạnh hơn cả cái chết.

"Khó khăn về vật chất đã đành, lại mang trong mình nỗi đau tha hương. Buồn nhất là mỗi khi Tết đến. Ngay cả khi người ta có tiền để sắm một cái Tết đầy đủ thì vẫn buồn, vì thiếu tình cảm của người thân, thiếu cái không khí của quê hương. Mà gia đình với người Việt thiêng liêng lắm", nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.

Nhìn vấn đề di dân ở góc độ xã hội, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng cần phải xem lại cách nhìn nhận giá trị vật chất hiện nay. Như thế là kích động lòng tham của con người. Cùng với đó, do luật pháp cần chặt chẽ hơn để nhóm người lợi dụng chính sách xuất khẩu lao động không còn cơ hội lừa đảo người dân.

Nhật Minh (Gia đình & Xã hội)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem