Tự nguyện, gắn kết là “linh hồn” HTX kiểu mới

Trần Phượng Thứ hai, ngày 25/09/2017 13:30 PM (GMT+7)
Đó là nhận định của ông Trần Văn Khởi - quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa phối hợp Sở NNPTNT TP.Hải Phòng tổ chức.
Bình luận 0

Nền tảng để tái cơ cấu nông nghiệp

Trao đổi tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi cho biết: HTX nông nghiệp từng đóng vai trò nòng cốt trong phát triển nông nghiệp ở Việt Nam. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, có những thời điểm HTX cũ tê liệt, tan rã hoặc tự chuyển đổi để thích nghi với môi trường mới. Với việc ra đời Luật HTX năm 2012, việc hình thành và triển khai HTX kiểu mới là nền tảng quan trọng, khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và tạo thu nhập bền vững cho người nông dân.

img

Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm của các HTX trưng bày tại diễn đàn.  Ảnh: T.P 

Bộ KHĐT đánh giá số HTX thành lập mới hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả. Cụ thể, doanh thu bình quân của một HTX năm 2016 đạt 3 tỷ đồng, tăng gần 500 triệu đồng so với thời điểm năm 2012, có HTX ở Đông Nam Bộ có doanh thu hơn 9 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng 10 triệu đồng, lên mức 31 triệu đồng/năm.

Ông Khởi cho biết, thực tế, quá trình chuyển đổi sang mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới tại một số địa phương thu được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũ trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều bất cập và yếu kém. Việc đăng ký lại hoạt động của các HTX theo Luật HTX 2012 còn chậm và mang tính hình thức. Các HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên, vốn ít, lợi nhuận và doanh thu thấp. Chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực này chưa theo kịp cơ chế thị trường.

“Việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, HTX và các doanh nghiệp còn rất hạn chế dẫn đến rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; công tác tuyên truyền nhân rộng các mô hình HTX hiệu quả cũng hạn chế...” - ông Khởi nêu rõ.

Để tháo gỡ cho những mặt tồn tại và hạn chế nêu trên, nội dung mà các đại biểu trao đổi tại diễn đàn xoay quanh những vấn đề như: Phương thức hình thành HTX kiểu mới, thủ tục thành lập HTX; công tác hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản trị kinh doanh cho cán bộ quản lý HTX. Nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học kỹ thuật; vốn cho sản xuất kinh doanh của HTX; liên kết sản xuất của HTX với doanh nghiệp; tham mưu đề xuất để hoàn thiện cơ chế, thể chế để thúc đẩy kinh tế hợp tác phát triển.

Liên kết với doanh nghiệp nâng cao vai trò HTX

Đây là một trong số những giải pháp được thạc sĩ Nguyễn Tiến Định - đại diện cho Viện Chính sách và Chiến lược phát triển  nông nghiệp nông thôn chia sẻ tại diễn đàn.

Theo ông Định, quá trình HTX chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định như: Doanh thu tăng, cung cấp nhiều dịch vụ hơn, hình thành nhiều mô hình HTX điển hình. Hiện nay, xu thế thành lập HTX với số lượng thành viên khoảng trên, dưới 100 người là khá phổ biến. Với HTX kiểu mới, số lượng thành viên giảm nhưng giảm theo chiều hướng tích cực, HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả hơn so với HTX kiểu cũ.

img

Sau khi ban hành Luật HTX 2012, toàn quốc có hơn 19.500 HTX, tăng gần 600 HTX, thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia (giảm gần 1,4 triệu thành viên), tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Hồng và hơn một nửa là các HTX nông nghiệp. Trong giai đoạn 2013-2016 cả nước đã thành lập mới 5.641 HTX.

Tuy nhiên, hiện nay nước ta tồn tại thực trạng thiếu đội ngũ tư vấn, hỗ trợ kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp; HTX tiếp cận văn bản chính sách chỉ đạt khoảng 0,03% HTX. Vậy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có những giải pháp sau: Phân loại, xác định bản chất của HTX; đào tạo cán bộ hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông nhằm chuyển khuyến nông nông nghiệp sang khuyến nông thị trường; xây dựng các mô hình HTX điển hình trọng điểm; HTX liên kết với doanh nghiệp nhằm nâng cao vai trò của HTX; và giải pháp quan trọng nhất đó là phát triển HTX bằng cách lấy liên kết làm nòng cốt thúc đẩy phát triển tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan chuyên môn đã giải đáp tất cả những câu hỏi của lãnh đạo các HTX, nông dân ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng liên quan đến cơ chế chính sách phát triển HTX, Luật HTX như: Quy định về kết nạp thành viên mới; hợp đồng hợp tác là gì nếu quản lý không tốt HTX có nguy cơ phá sản, hướng giải quyết với các thành viên?…

Tham gia Diễn đàn “Phát triển HTX nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp” tổ chức tại Hải Phòng, đại diện các cơ quan chuyên môn, Trung tâm Khuyến nông khu vực đồng bằng sông Hồng, nông dân tiêu biểu trên địa bàn Hải Phòng được trực tiếp xuống tham quan, học hỏi một số mô hình HTX điển hình. Đó là: HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Thiên Hương; HTX Nuôi trồng thủy sản Mắt Rồng (đều tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem