Trước là cây mọc dại, giờ trồng trên đất lúa, nông dân lại phát tài

Phan Chân Thuyên (TTKN tỉnh Phú Yên) Thứ tư, ngày 01/01/2020 13:21 PM (GMT+7)
Nắm bắt được xu hướng cũng như chiến lược phát triển cây dược liệu trong nước, Hội Nông dân xã An Mỹ, huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) phối hợp với Công ty Dược liệu miền Trung triển khai mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ châu trên địa bàn xã.
Bình luận 0

Bước đầu, mô hình trồng cây diệp hạ châu được thực hiện từ tháng 6/2019, trên diện tích 0,6 ha cho 3 hộ nông dân của xã tham gia.

Sau gần 2 tháng triển khai, cây diệp hạ châu phát triển tốt, trong vụ sản xuất đầu tiên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, tổng sản lượng đạt hơn 7.500kg tươi thành phẩm. Với giá bán 4.300 đồng/kg tại chỗ do Công ty Dược liệu miền Trung bao tiêu sản phẩm, mô hình thu lãi được 32.000.000 đồng.

img

Mô hình trồng cây dược liệu diệp hạ chậu tại xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Mặc dù tiết trời mùa hè nắng nóng, oi bức nhưng khi được hỏi thăm về hiệu quả kinh tế mang lại của cây diệp hạ châu, các hộ tham gia mô hình trồng diệp hạ châu ai cũng hào hứng, phấn khởi cho biết: “Trồng cây dược liệu diệp hạ châu ít bị sâu bệnh, dễ canh tác quản lý, đến mùa thu hoạch, do đã được cam kết bao tiêu, nên Công ty Dược liệu miền Trung đã đến tận nơi thu mua, giá thu mua phù hợp nên nông dân không lo về giá cũng như khâu tiêu thụ”.

Cũng theo đánh giá của các hộ tham gia mô hình, nhờ công lao động và chi phí đầu tư thấp, nên mô hình trồng cây diệp hạ châu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, mang lại cho hộ sản xuất mức thu nhập bình quân 50.000.000 đồng/ha/vụ sản xuất. Đây là mức thu nhập khá cao cho người dân nơi đây.

Do vậy, sau khi hết vụ sản xuất thứ nhất , nông dân đã xuống giống và mở rộng diện tích sản xuất cây diệp hạ châu lên đến hơn 2,5ha cho lứa thứ 2, hiện nay đã được gần 1 tháng tuổi. Hiện tại cây diệp hạ châu phát triển tốt, sâu bệnh hại không đáng kể và Công ty Dược liệu miền Trung cũng đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm diệp hạ châu tươi với giá 4.300 đồng/kg.

Theo đại diện của chính quyền địa phương xã An Mỹ cho biết, ngoài trồng cây dược liệu diệp hạ châu thì xã cũng đã mở rộng diện tích đất trồng cây cà gai leo với diện tích 2ha tại thôn Phú Long và Hòa Đa đã hơn 2 năm nay với giá bán 60.000 đồng/kg, có sự tiêu thụ ổn định.

Chính vì thế, xã An Mỹ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất sản xuất cây lúa thường xuyên bị thiếu nước sang trồng cây dược liệu, nhằm ứng phó với tình hình thiếu nước trầm trọng như hiện nay.

Việc chuyển đổi sang trồng cây dược liệu phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả của ngành nông nghiệp, bên cạnh đó còn giúp bà con nông dân địa phương có công việc ổn định và  nguồn thu nhập cao hơn so với trồng lúa.

Chuyển đổi từ đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, có liên kết tiêu thụ sản phẩm là mô hình thành công cần được nhân rộng trên địa bàn xã An Mỹ, huyện Tuy An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem