Trồng rau tự động ở Cầu Đất Farm, chỉ cần ấn nút ra hết quy trình

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 16/03/2018 06:40 AM (GMT+7)
Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng Cầu Đất Farm (xã Trạm Hành, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng, sản phẩm chiếm lĩnh thị trường nhờ quy trình sản xuất nông sản khép kín, tự động hiện đại dựa trên hệ thống IoT (Internet of Things - kết nối vạn vật) thông minh của Intel.
Bình luận 0

Làm nông từ hệ thống IoT

Ông Đinh Anh Huân, đại diện của Cầu Đất Farm cho biết, cách đây 2 năm, ông cùng một số người có tâm huyết với nền nông nghiệp sạch của Đà Lạt đã thành lập Cầu Đất Farm với kỳ vọng đem đến cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, dựa nên nền tảng của khoa học kỹ thuật hiện đại. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Huân cùng cộng sự không ngại đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất thật bài bản.

img

 Sản xuất dâu tây sạch ở Cầu Đất Farm. Ảnh: D.H

Cầu Đất Farm đặt ra mục tiêu kiểm soát chất lượng nông sản bằng hệ thống IoT thông minh của Intel. Chính vì vậy, song song với việc dựng nhà kính và giàn trồng rau đạt tiêu chuẩn công nghệ sản xuất nông nghiệp của Israel, Cầu Đất Farm cũng đã kịp thời nhập về những thiết bị công nghệ nông nghiệp tự động hiện đại nhất để lắp đặt tại trang trại.

Cầu Đất Farm là đơn vị tiên phong lắp đặt hệ thống kỹ thuật điều khiển nhà kính. Bộ điều khiển này có thể thu thập cảm biến môi trường, điều khiển bơm, quạt đảm bảo môi trường sạch, điều kiện nhiệt độ lý tưởng để các loại cây trồng phát triển. Ngoài ra, một hệ thống cảm biến gồm nhiều cảm biến đặt trong nhà kính, kết nối đến Gateway (cổng vào) để cung cấp thông tin môi trường. Bên cạnh đó, trang trại còn có các hệ thống cơ cấu chấp hành, gồm quạt, rèm vách, cắt nắng, bơm tưới... tạo môi trường thuận lợi nhất cho cây trồng phát triển; lắp đặt hệ thống camera giám sát, chụp hình cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây.

Ông Tạ Danh Tình, quản lý Cầu Đất Farm cho biết, hệ thống IoT của Intel quản lý nông trại khép kín và tự động hoàn toàn. Từ một hệ thống điều khiển đặt tại nhà vườn gửi các dữ liệu lên server, hệ thống sẽ kiểm soát độ ẩm, nước tưới, nhiệt độ, phân bón trong nhà vườn, khi độ ẩm hay nhiệt độ vượt quá giới hạn hệ thống sẽ tự cảnh báo.

Đến nay, Cầu Đất Farm đã mở rộng diện tích canh tác lên 7ha, tất cả đều được kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng hệ thống thông minh và hệ thống IoT của Intel. Chi phí lắp đặt hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh ở Cầu Đất Farm lên tới 2,7 tỷ đồng/ha.

Liên kết, chuyển giao công nghệ

Nhờ sản xuất dưới một nền nông nghiệp tự động, hiện đại mà chất lượng các loại nông sản ở Cầu Đất Farm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Trang trại này đang tập trung phát triển những loại sản phẩm chủ lực gồm các loại rau xà lách, cà chua, dưa leo, rau cải, cà rốt, khoai tây, khoai lang mật, dâu tây...

Ở Cầu Đất Farm, ngoài giai đoạn xuống giống và thu hoạch các loại sản phẩm là cần phải sử dụng tới bàn tay con người, hầu hết các giai đoạn chăm sóc cây trồng còn lại đều được thực hiện tự động. “Chỉ cần ngồi một nơi ấn nút hoặc cài đặt sẵn hoạt động theo giờ là toàn bộ các công đoạn chăm sóc cho cây trồng sẽ làm việc hết sức nhịp nhàng”- ông Tạ Danh Tình cho biết. Hiện nay, khách hàng mua rau, củ sạch của Cầu Đất Farm ở TP.HCM đã có thể xem trực tuyến hình ảnh công nhân thu hoạch các nông sản ngay tại Đà Lạt, xem nhật ký trồng trọt để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Nhờ có chất lượng cao mà sản phẩm nông nghiệp của Cầu Đất Farm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường rộng lớn ở TP.HCM và các tỉnh phía Bắc. Hiện, mỗi tháng Cầu Đất Farm thu hoạch từ 15 - 20 tấn sản phẩm các loại/ha, riêng xà lách một tuần sản xuất ra từ 3 - 5 tấn/ha nhà kính.

Cầu Đất Farm đang mở rộng liên kết sản xuất với các hộ nông dân trong vùng. Người tham gia chuỗi liên kết này có thể truy cập vào hệ thống kiểm soát, chăm sóc cây trồng tự động của Cầu Đất Farm để học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia... về vấn đề của họ

Gửi hồ sơ tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” trước ngày 30.3.2018
Hồ sơ của nông dân, hội viên nông dân tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” gửi về Ban tổ chức trước ngày 30.3.2018, theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay - Tầng 9, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8472263; email: toilanongdan40@gmail.com.
Thể lệ cuộc thi, xin mời xem trên Báo Điện tử Dân Việt (danviet.vn)  

NTNN

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem