Tổ chức tháng tiêu độc khử trùng, dập tắt dịch tả lợn châu Phi

Anh Thơ Thứ bảy, ngày 02/11/2019 07:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình dịch bệnh và kết quả giám sát các loại mầm bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, dại, … vẫn còn lưu hành ở mức cao tại nhiều địa phương, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có Chỉ thị yêu cầu các địa phương tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân.
Bình luận 0

Chỉ thị nêu rõ, vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020 (vụ đông xuân), nguy cơ dịch bệnh xảy ra là rất cao, làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi chuyển mùa, làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và tạo thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán rộng

Tổng đàn gia súc, gia cầm tăng cao và việc vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm sẽ tăng mạnh do nhu cầu thực phẩm các tháng trước và sau Tết Nguyên đán; trong khi hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại một số địa phương chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc vận chuyển bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật qua biên giới gây nguy cơ mang theo mầm bệnh vào Việt Nam

Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai đầy đủ và bị hạn chế bởi dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trong thời gian qua.

img

Bộ NNPTNT yêu cầu các địa phương thực hiện tốt việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm. Ảnh: I.T

Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại một số địa phương còn chưa được quan tâm đúng mức, có ban hành văn bản chỉ đạo nhưng thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện tại tuyến cơ sở; có nơi không công bố dịch, không triển khai các biện pháp quản lý ổ dịch.

ông tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh động vật chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; công tác giám sát, phát hiện sớm và báo cáo ổ dịch tại một số địa phương chưa được thực hiện nghiêm, chỉ báo cáo khi dịch đã lây lan rộng;

Để tăng cường tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ đông xuân, Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

Đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ; các văn bản của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, của Bộ NNPTNT.

Rà soát, tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm phòng, trong đó chú ý các khu vực có ổ dịch cũ, các địa bàn có nguy cơ cao và địa phương bị ảnh hưởng lớn về thời tiết (lũ lụt, rét đậm, rét hại, …).

Đồng loạt tổ chức thực hiện Tháng tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hóa chất từ ngày 01/11/2019 - 01/12/2019 tại các khu vực đã từng xuất hiện ổ dịch, khu vực sau lũ lụt, khu vực chăn nuôi mật độ cao, các chợ, cơ sở buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Chấn chỉnh công tác thú y tại tuyến huyện, tuyến xã; đặc biệt chú trọng khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh, báo cáo số liệu dịch bệnh theo đúng quy định.

img

Tổ chức tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, bảo vệ đàn gia súc. Ảnh: I.T

Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây bức xúc cho người dân và cộng đồng;

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép ra, vào Việt Nam.

Bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch xây dựng vùng, cơ sở, chăn nuôi gia súc, gia cầm để được công nhận an toàn dịch bệnh theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước.

Khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020; dự trữ hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh.

Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tổ chức các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm, nguy cơ cao về dịch bệnh để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh của các địa phương, đặc biệt tại tuyến xã, tuyến huyện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem