Tây Ninh phát triển giao thông nông thôn: Cần cơ chế đặc thù về vốn

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 14/10/2019 20:53 PM (GMT+7)
Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) ở Tây Ninh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ sản xuất của người dân. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn còn hạn chế, Tây Ninh đang cần thêm cơ chế đặc thù để đáp ứng chỉ tiêu giao thông.
Bình luận 0

Nhiều thành quả

Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, Tây Ninh vốn là tỉnh nghèo thuần nông ở biên giới. Vì thế, việc đầu tư mạng lưới đường GTNT có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện đời sống người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trước năm 2011, mạng lưới các tuyến đường huyện và đường xã trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có tổng chiều dài trên 3.700km, chưa bao gồm các tuyến đường xóm và đường trục chính nội đồng. Tỷ lệ nhựa hóa, bêtông hóa các tuyến đường còn thấp. Hệ thống đường đô thị có tổng chiều dài trên 210km, tỷ lệ nhựa hóa chỉ đạt hơn 34%.

img

Tây Ninh cần cơ chế đặc thù để nâng cao khả năng huy động đầu tư cho giao thông nông thôn. Ảnh: N.V

"Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 53 xã đạt tiêu chí giao thông. Giai đoạn 2021 - 2025 cần tính toán lại cách thức triển khai, tránh đi theo lối mòn là tư vấn thiết kế, rồi chờ Nhà nước đầu tư”.

Ông Võ Đức Trong - Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM
tỉnh Tây Ninh

Năm 2011, tỉnh Tây Ninh bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp khi bình quân mỗi xã chỉ đạt 3,1 tiêu chí. Riêng tiêu chí giao thông, không có xã nào trên toàn tỉnh đạt được.

Theo ông Hải, thực tế từ năm 1998, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định về huy động vốn trong nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội để xây dựng GTNT trên địa bàn.

Qua 10 năm, kết quả thực hiện tiêu chí giao thông trong chương trình NTM đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Quy hoạch GTNT cho 9 huyện, thành phố giai đoạn đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tây Ninh đã có 36/80 xã hoàn thành tiêu chí giao thông với 2.200km đường được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống đường huyện dài hơn 978km, hệ thống cầu trên đường GTNT từng bước được đầu tư, nâng cấp.

Còn nhiều khó khăn

Bà Trần Ngọc Sâm (ngụ xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) chia sẻ: “Từ khi có chủ trương làm NTM, đường sá đẹp hơn hẳn, kể cả đường nội đồng. Việc đi lại thuận tiện, sạch sẽ, giúp ích nhiều cho người dân buôn bán, sản xuất”. Tuy nhiên, theo bà Sâm, tốc độ cải thiện GTNT hiện còn chậm, cũng không ít tuyến đường trong tỉnh chỉ đưa vào sử dụng một thời gian, nhiều con đường đã hư hỏng. 

Thừa nhận thực tế trên, ông Hải cho biết quá trình xây dựng GTNT còn không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn cần để thực hiện tiêu chí giao thông rất lớn. Một số địa phương thực hiện việc vận động người dân và doanh nghiệp chung tay xây dựng NTM còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách. Công tác phân khai nguồn vốn ở một số địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai thi công các công trình.

Ông Võ Đức Trong - Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh cho biết, hiện Tây Ninh vẫn chưa có cơ chế đặc thù cho xây dựng NTM, nhất là với tiêu chí xây dựng GTNN luôn chiếm tỷ lệ kinh phí rất lớn.

Tây Ninh cần có cơ chế đặc biệt trong xây dựng NTM, nhất là cho giao thông đường làng, ngõ xóm. Không thể bất cứ kinh phí nào cũng trông chờ vào ngân sách. Tỷ lệ vốn ngân sách đã đầu tư hiện cao nhưng khả năng huy động thêm từ các nguồn lực khác còn rất ít.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem