Sức bật từ việc nông dân bàn, nông dân làm, nông dân hưởng

Tố Loan Thứ ba, ngày 15/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Sáng nay 14/10, Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong suốt 10 năm, đồng thời đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.
Bình luận 0

Đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Thanh Bình - Phó Chánh Văn phòng T.Ư Đảng, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Những con số ấn tượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đồng chí Thào Xuân Sùng nhấn mạnh: Thời gian qua, BCH T.Ư Hội NDVN đã tập trung đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp dịch vụ…

Hội NDVN cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức 169.777 lớp tập huấn và hội thảo cho 8.448.850 lượt hội viên ND về chủ trương của Đảng, chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng NTM. Qua đó tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Hội ND các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và xây dựng giai cấp ND.

Hội đã phối hợp xây dựng trên 10.000  mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức xây dựng được trên 67.393 mô hình, trong đó: Gần 37.000 mô hình trồng trọt, gần 23.000 mô hình chăn nuôi, trên 4.000 mô hình nuôi trồng thủy, hải sản, gần 1.500 mô hình chế biến, trên 530 mô hình khuyến công, cho gần 632.045.000 lượt hội viên, ND tham gia.

img

   Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng trao tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắctrong triển khai chương trình xây dựng NTM.  (ảnh:  Trọng Hiếu)

Cũng trong 10 năm qua, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên ND cả nước đóng góp trên 150.000 tỷ đồng, trên 29 triệu ngày công, hiến trên 37 triệu m2 đất, làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 480.000km kênh mương nội đồng và 1.570.000km đường giao thông nông thôn, hàng nghìn nhà văn hóa thôn, ấp, bản; xóa 29.411 nhà tạm.

Đối với công tác đào tạo, dạy nghề, thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức được 51.500 lớp tập huấn cho gần 3 triệu lượt hội viên, ND về tổ chức sản xuất theo hướng phát triển các tổ hợp tác, liên kết sản xuất, hợp tác xã kiểu mới gắn với chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng công nghệ cao, an toàn và liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM ở cấp cơ sở, ông Nguyễn Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Nam Định cho hay: Nam Định là tỉnh trọng điểm về nông nghiệp nhưng nguồn thu ngân sách của tỉnh thấp, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, lạc hậu; đất đai manh mún, hạ tầng nông thôn xuống cấp…

Nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn của quá trình xây dựng NTM ở địa phương, Hội ND tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, trong đó rõ nét nhất chính là công tác tuyên truyền, vận động nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực của cộng đồng để xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Hùng Mạnh đúc kết: “Qua thực tiễn tổ chức triển khai thực hiện chương trình NTM, Hội ND tỉnh Nam Định rút ra một số kinh nghiệm: Nơi nào tổ chức Hội chủ động tham mưu với cấp ủy làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào, tạo sự đồng thuận cao và sức lan tỏa mạnh mẽ thì ở đó việc uy động các nguồn lực từ cộng động sẽ đạt được hiệu quả rõ rệt. Thứ hai là đẩy mạnh các phong trào thi đua trong hội viên, coi trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, các điển hình trong huy động nguồn lực xây dựng NTM. Và cuối cùng, đội ngũ cán bộ phải thường xuyên sâu sát cơ sở, lắng nghe dân, gắn bó và đồng hành cùng ND”.

Hà Tĩnh là tỉnh đạt nhiều thành tích trong xây dựng NTM, phần tham luận, chia sẻ của ông Bùi Nhân Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh được rất nhiều đại biểu quan tâm, đặc biệt là kinh nghiệm, cách làm hay trong xây dựng NTM. Ông Sâm khẳng định: Qua 10 thực tiễn ở địa phương, chúng tôi đã đúc rút một số kinh nghiệm, đó là coi trọng việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, làm cho ND thay đổi tư duy, nhận thức về vai trò làm chủ trong xây dựng NTM. Tranh thủ các nguồn lực để xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, từ đó nhân ra diện rộng. Quan tâm các hoạt động giám sát và phản biện các chu trình chính sách, không ngừng củng cố tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. 

Tại hội nghị, lãnh đạo T.Ư Hội NDVN đã trao tặng Bằng khen của Ban Chấp hành T.Ư Hội cho 80 tập thể, 69 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm Hội NDVN tham gia xây dựng nông thôn mới. Báo Nông Thôn Ngày Nay là một trong những tập thể vinh dự được tặng Bằng khen.

Phân vai cụ thể, liên kết “6 nhà”

Bên cạnh những con số đẹp, cách làm hay, đồng chí Thào Xuân Sùng cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Đó là ND chưa thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch và liên kết, tỷ lệ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất còn thấp.

Năng suất lao động, trình độ của ND còn hạn chế dẫn đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả phát triển ngành công nghệ không cao, kém bền vững. Thu nhập của ND còn thấp so với các ngành nghề khác, một bộ phận ND không con tư liệu sản xuất, phải chuyển nghề, đi làm thuê, làm mướn. Tỷ lệ hộ nghèo giữa các vùng còn chênh lệch nhau khá lớn và đời sống của một bộ phận ND dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều khó khăn.

Do đó, để nâng cao vị thế, vai trò và đời sống của ND trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại gắn với tiếp tục thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM, Hội ND sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, thực hiện tốt các Nghị quyết số 04, 05 và 06-NQ/HNDTW về xây dựng Hội NDVN trong sạch, vững mạnh. Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội NDVN các cấp có phẩm chất chính trị đạo đức cách mạng; xây dựng lực lượng hội viên ND có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp; nâng cao sức khỏe cũng như trình độ…

Thứ hai, tiếp tục vận động ND tích cực tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp. Theo đó, phải đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền vận động hội viên ND, khơi dậy sự cố gắng, lòng nhiệt huyết, tích cực sáng tạo của ND cả nước.

Thứ ba, phát huy đầy đủ trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của giai cấp ND trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, ND giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Thứ tư, xây dựng cơ chế và phân vai cụ thể trong vấn đề liên kết “6 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị mới để đảm bảo lợi ích của mỗi bên tham gia. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem