Sở Nông nghiệp xin khất nợ Bí thư Nhân về chuyện cung cấp giống

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 14/09/2017 15:43 PM (GMT+7)
Do số liệu báo cáo chưa đầy đủ, ông Dương Hoa Sô, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM xin khất nợ lại câu hỏi mà Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra là thành phố có khả năng cung cấp bao nhiêu phần trăm giống cho cả miền Nam.
Bình luận 0

Tiếp tục phiên thảo luận về khả năng hình thành trung tâm cung cấp giống của TP.HCM cho khu vực đang diễn ra sáng nay (ngày 14.9), Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ứng dụng KHCN trong nông nghiệp chính là đặc thù của TP.HCM.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân tham quan thành tựu ứng dụng KHKT vào nông nghiệp

Giá trị GDP mà nông nghiệp tạo ra cho thành phố chưa đầy 1% nhưng vẫn còn cả triệu người đang sống trong khu vực nông nghiệp nông thôn. Công nghệ khoa học mà điển hình là công tác giống là vấn đề nổi bật.

Chi sẻ tại hội thảo, Bí thư Nhân nhắc lại rằng đất nước giải phóng từ năm 1975 nhưng đến năm 2007 mới có hội nghiên cứu giống, chứng tỏ mức quan tâm đến công tác giống của ta đã đi chậm so với các nước.

“Vai trò của nông nghiệp TP.HCM chính là ở sức tác động đến cả khu vực, chứ không phải chỉ ở giá trị hoặc GDP. Vậy khả năng của chúng ta hiện tới đâu?“, ông Nhân hỏi.

img

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân xác định vai trò của nông nghiệp TP.HCM chính là ở sức tác động đến cả khu vực chứ không phải chỉ ở giá trị hoặc GDP.

Trả lời câu hỏi này, ông Dương Hoa Sô, Phó Giám đốc Sở NNPTNT đồng thời là Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) lại xin “khất nợ” câu trả lời.

“Nông nghiệp của thành phố đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Các báo cáo trong khuôn khổ hội nghị chưa đánh giá hết thành tựu này”, ông Sô nói.

Về mặt thuận lợi, TP.HCM có số lượng lớn các viện, trường… nghiên cứu về nông nghiệp. Trung tâm CNSH cũng được coi là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực này hiện nay. Thành phố cũng từng bước triển khai một cách bài bản các chương trình để phát triển giống cây trồng không chỉ phục vụ cho TP.HCM, mà cho cả khu vực.

Số lượng doanh nghiệp cung cấp giống lớn ở TP.HCM, nhưng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới, sản xuất giống liên quan đến rau, hoa kiểng không nhiều.

“Phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào công tác kinh doanh, nhập khẩu giống về và đóng gói cung cấp cho sản xuất hoặc tổ chức sản xuất gia công hạt giống từ các giống nhập nội”, ông Sô giải thích.

Thêm một khó khăn nữa, công tác lai tạo giống cây trồng mới của các đơn vị nghiên cứu cấp nhà nước chưa đáp ứng đúng nhu cầu của thành phố. Ví dụ như Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chỉ tập trung chủ yếu vào lúa, bắp, cây công nghiệp trong khi nhu cầu chủ lực của thành phố xác định là rau, hoa kiểng và  dược liệu.

img

Ông Dương Hoa Sô, Phó Giám đốc Sở NNPTNT

Tỷ trọng các giống rau, hoa mới hầu như không đáng kể. Hầu như không có giống cây trồng mới nào được lai tạo từ các trường đại học trên địa bàn thành phố được đưa vào sản xuất. Vấn đề bảo hộ giống cây trồng theo luật sở hữu trí tuệ cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

“Vì thế, trên cơ sở số liệu báo cáo chưa đầy đủ từ các đơn vị doanh nghiệp, các viện, trung tâm; chúng tôi xin khất nợ lại câu hỏi mà Bí thư đã đặt ra là khả năng TP.HCM cung cấp bao nhiêu phần trăm giống cho cả miền Nam".

GS, TS. Bùi Chí Bửu, Viện khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cũng chia sẻ: về lý thuyết thì đủ cơ sở để TP.HCM hình thành trung tâm giống, vấn đề này đặt ra đã lâu nhưng tại sao chưa hoàn thành? Đây là vấn đề phải phân tích kỹ lưỡng vì doanh nghiệp không làm được, các trung tâm không làm xuể, mà nhà nước cũng có vai trò rất lớn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem