Nếu không có dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi sẽ là bao nhiêu?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 22/02/2020 14:20 PM (GMT+7)
Tại hội thảo "Phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hội nhập và đảm bảo an toàn dịch bệnh” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) tổ chức sáng 20/2, nhiều ý kiến cho rằng, với việc giá lợn hơi còn ở mức cao, sức ép cạnh tranh của ngành hàng thịt lợn sẽ tăng cao khi gia nhập EVFTA.
Bình luận 0

Nguồn cung thiếu hụt

Tháng 2/2019, dịch tả lợn châu Phi “tấn công”ngành chăn nuôi lợn, lần đầu tiên phải đối phó với một dịch bệnh mới, chưa có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu trong bối cảnh chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số, sự tổn thất đến ngành hàng này rất lớn: Hơn 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng đàn; sản lượng thịt lợn năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.

img

Thương lái mua lợn ở huyện Tân Yên, Bắc Giang với giá 75.000 đồng/kg hơi. Ảnh:  M.N  

"Trong dài hạn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc ăn cỏ, gia cầm đảm bảo 3 nguyên tắc: Đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; cân đối cung cầu; đảm bảo an sinh xã hội. Thận trọng trong công tác tái đàn lợn, tránh dịch tái bùng phát. Chỉ khuyến khích tái đàn đối với hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn sinh học”.

TS Hạ Thúy Hạnh

Thiếu hụt nguồn cung đã dẫn tới sự tăng giá mạnh. Nếu không có dịch tả lợn châu Phi, dự báo giá lợn cổng trại trong năm 2019 ở mức 46.000 đồng/kg hơi; tuy nhiên dịch bệnh đã khiến giá lợn cổng trại bình quân năm 2019 tăng 22%. Nhập khẩu thịt lợn cũng tăng mạnh để phần nào bù đắp lượng thiếu hụt.

“Năm 2019, nhập khẩu thịt lợn đã tăng tới 30% so với năm 2018" - TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Ipsard nói.

Sự thiếu hụt về nguồn cung, tăng giá của sản phẩm chính là các yếu tố gây suy giảm tiêu dùng thịt lợn trong nước. Tiêu dùng thịt lợn nội địa giảm 14,6%. Hiện, giá lợn hơi đã bắt đầu hạ nhiệt, trong khi giá con giống khá cao, khiến việc tái đàn của các nông hộ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT TP.Hà Nội), hiện việc tái đàn trên địa bàn chủ yếu ở các trang trại lớn, đảm bảo an toàn sinh học, còn nông hộ nhỏ vẫn chưa dám.

Từ thực tế này, có thể thấy, chăn nuôi nông hộ dường như đang vô cùng khó khăn khi tìm kiếm cơ hội trong ngành chăn nuôi. "Chỉ cần một cơn bão như dịch tả lợn châu Phi cũng sẽ khiến những hộ chăn nuôi nhỏ giảm đi đáng kể" - ông Trần Công Thắng nêu một thực tế.

Chưa hết dịch bệnh, lại lo cạnh tranh

Theo báo cáo của Ipsard, từ năm 2019, sức ép từ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA ngày càng lớn. Cụ thể, với EVFTA, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ 22,5% sẽ về 0% sau 7 năm; thuế nhập khẩu lợn tươi sống từ 37,5% sẽ về 0% sau 9 năm.

Với CPTPP, thuế nhập khẩu thịt tươi hoặc ướp lạnh là 27%, xóa bỏ sau 10 năm; đối với thịt đông lạnh, thuế suất 15%, xóa bỏ thuế sau 8 năm.

Trong khi đó, giá bán lẻ thịt lợn của Việt Nam cao hơn từ 20 - 25% so với giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu. Giá bán ở cổng trại cao hơn từ 40 - 60% so với giá của các nước phát triển.

Hiện, xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam còn hạn chế, theo thống kê, năm 2018, xuất khẩu thịt lợn của thế giới đạt 28,46 tỷ USD, trong khi của Việt Nam chỉ đạt 44,866 triệu USD. Với một ngành hàng xếp thứ 5 về sản xuất thịt lợn với sản lượng đạt 2,8 triệu tấn quy thịt, thì con số xuất khẩu như vậy còn rất khiêm tốn.

Từ thực tế này, ông Trần Công Thắng cho rằng, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành các hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp; tăng đầu tư vào vùng chuyên canh nguyên liệu, kết nối với hộ sản xuất. Cải thiện giống, kỹ thuật chăn nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành; tập trung nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm. Đối với người nông dân, cần liên kết để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động nắm bắt thông tin thị trường.

Cùng với đó, ngành chức năng cập nhật tốt các thông tin về quy định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), về vệ sinh an toàn và kiểm dịch (SPS) của các nước; xây dựng các tiêu chuẩn trong nước hài hòa với thông lệ quốc tế để kiểm soát chất lượng nhập khẩu.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh cho chăn nuôi nông hộ, thời gian qua, lực lượng khuyến nông đã tích cực phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và theo khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Nghiên cứu hỗ trợ hộ chăn nuôi quy mô nhỏ chuyển đổi sản xuất...

“Trong ngắn hạn, bà con có thể đẩy mạnh tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm để đảm bảo nguồn cung thịt trong nước” – bà Hạnh nói.

Bà Hạnh cũng đề xuất, ngành chức năng, các địa phương cần quản lý chặt việc tái đàn lợn sau dịch, xử lý nghiêm khắc các trường hợp tái đàn không báo cáo chính quyền địa phương; không hỗ trợ đền bù thiệt hại cho hộ tự ý tái đàn...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem