LẠ MÀ HAY: Cho lợn rừng ăn cành thanh long, vườn sạch, thêm tiền

Thứ sáu, ngày 22/02/2019 19:15 PM (GMT+7)
Không chỉ phát triển, mở rộng diện tích trồng cây thanh long ruột đỏ, gần đây, một số hộ dân xã Vân Trục (Lập Thạch, tỉnh tỉnh Vĩnh Phúc) có các làm lạ mà hay, đó là còn tận dụng thân, cành và hoa thanh long tỉa bỏ để nuôi lợn rừng, đem lại thu nhập cao. Mô hình này đang được nhiều hộ gia đình trong xã nhân rộng vừa dọn sạch vườn thanh long lại đỡ khoản tiền mua rau cỏ cho lợn rừng.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Kim Khôi, Chủ tịch UBND xã Vân Trục cho biết: Năm 2008, xã Vân Trục được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (Sở NN&PTNT) hỗ trợ lợn rừng giống theo Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho nông dân.

Phát huy lợi thế có vườn rộng, cùng với tận dụng phế phẩm từ cây thanh long ruột đỏ, từ 1 - 2 con lợn nái hỗ trợ ban đầu, một số gia đình đã nhân giống, mở rộng quy mô đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đình Long, thôn Tam Phú.

img

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ kết hợp nuôi lợn rừng của gia đình ông Nguyễn Đình Long, thôn Tam Phú, xã Vân Trục (Lập Thạch) cho thu nhập từ 300 - 350 triệu đồng mỗi năm. Trong ảnh: Ông Nguyễn Đình Long cắt cành thanh long tươi cho đàn lợn rừng ăn thay rau cỏ...

Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm trang trại của gia đình ông Long đúng vào dịp gia đình đang chuẩn bị lợn rừng để xuất bán dịp Tết Nguyên đán. Trên diện tích vườn rộng gần 1 ha, ngoài trồng hơn 7.000 gốc thanh long ruột đỏ, ông Long dành hơn 300m2 để xây dựng 3 chuồng nuôi kiên cố, kết hợp với sân vườn có quây lưới chắc chắn để nuôi lợn rừng theo hình thức bán chăn thả...

Được biết, trước đây, gia đình ông Long chủ yếu trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2008, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 1 cặp lợn rừng để nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, ông Long nhận thấy lợn rừng rất thích ăn cành, hoa thanh long - một trong những phụ phẩm mà gia đình ông đang đau đầu trong việc xử lý môi trường, làm sạch vườn thanh long.

Từ đó, ông Long tích cực nhân giống để phát triển quy mô đàn. Từ 1 cặp giống ban đầu, đến nay, gia đình ông Long có 10 lợn nái và gần 80 con lợn thịt.

Ông Long cho biết: Trồng thanh long rất nhiều sản phẩm phụ, bởi, tháng nào cũng phải tỉa bỏ cành. Từ tháng 2 - 4, gia đình còn phải tỉa bớt hoa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Với hơn 7.000 gốc thanh long, trung bình mỗi tháng gia đình tỉa bỏ hơn 8 tấn cành và hoa. Nếu như vứt bỏ tại vườn, cành và hoa thanh long sẽ thối rữa, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của thanh long.

Vì vậy, trước đây, gia đình ông Long phải vận chuyển đi tiêu hủy rất mất thời gian và tốn chi phí. Thế nhưng, phụ phẩm này lại là một loại thức ăn ưa thích của lợn rừng, bởi nó chứa nhiều nước và chất dinh dưỡng. Ban ngày chỉ cần cho lợn ăn cành, hoa thanh long, đến tối cho ăn thêm một bữa cám gạo hoặc ngô là đủ.

Theo ông Long, trung bình một ngày, 100 con lợn rừng có thể tiêu thụ khoảng 50kg cành hoặc hoa thanh long. Hơn 10 năm qua, các sản phẩm phụ từ trồng thanh long đều được lợn rừng ăn hết. Việc tận dụng cành và hoa thanh long không chỉ giúp gia đình tiết kiệm được chi phí chăn nuôi, lợn rừng nhanh lớn, chất lượng thịt thơm, ngon mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Với hơn 7.000 gốc thanh long, trung bình mỗi năm, ông Long thu được khoảng 35 tấn quả. Với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Riêng lợn rừng nuôi theo phương pháp tự nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán, gia đình ông Long có thể bán với giá từ 100 - 120 nghìn đồng/kg. Thông thường, sau khoảng 10 tháng, lợn rừng có thể đạt trọng lượng từ 30 - 35 kg/con.

Tháng trước, gia đình ông Long xuất bán 20 con lợn rừng thu về gần 70 triệu đồng. Với 10 lợn nái và hơn 50 con lợn thịt cung ứng cho thị trường trước, trong và sau Tết, ước tính năm 2018, gia đình ông Long thu lãi hơn 100 triệu đồng từ nuôi lợn rừng.

Ông Long cho biết thêm: Lợn rừng là động vật ăn tạp, dễ nuôi, có khả năng thích nghi tốt nên rất thích hợp với những vùng có nhiều đồi núi. Bên cạnh đó, với 1 ha diện tích trồng cây thanh long, đây là nguồn thức ăn chính để lợn rừng của gia đình phát triển.

Nuôi lợn rừng, kết hợp với trồng thanh long thật sự là hướng đi mới, LẠ MÀ HAY và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân ở những vùng đồi núi như xã Vân Trục. Mô hình này đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Long. Không chỉ vậy, một số gia đình khác trên địa bàn xã cũng đang tích cực tìm hiểu và nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, để nuôi lợn rừng bà con cần thiết kế khu vực riêng và có chuồng trại, tránh lợn rừng làm hại đến diện tích trồng cây thanh long.

Thanh Huyền (Báo Vĩnh Phúc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem