Hà Nội sắp trở thành... “Thành phố không đốt rơm rạ”

Hải Đăng Thứ tư, ngày 18/10/2017 06:20 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TNMT Hà Nội), mỗi năm trên địa bàn phát sinh khoảng trên 1 triệu tấn rơm, rạ và phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hơn 1/3 số phụ phẩm này đang bị đốt bỏ, vừa gây lãng phí vừa làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Bình luận 0

Lãng phí, gây ô nhiễm

Được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn 20 quận, huyện, thị xã có diện tích canh tác nông nghiệp, trong đó, có 18 địa phương vẫn trồng nhiều lúa. Hoạt động gieo trồng hàng năm làm phát sinh khoảng 642.000 tấn rơm rạ, chiếm 59% tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cộng với trên 171.000 tấn trấu, 204.000 tấn thân và lá ngô, 68.000 tấn lõi ngô...

img

Người dân các xã, huyện ngoại thành của Hà Nội đốt rơm rạ khiến cho không khí của Thủ đô bị ô nhiễm.  Ảnh:  Hải Đăng 

Ông Mai Trọng Thái cho biết thêm, mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình, ông Thái kiến nghị thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ vốn triển khai các giải pháp xử lý rơm rạ, phấn đấu năm 2018 sẽ phổ biến mô hình “Phường, xã không đốt rơm rạ”; năm 2019 là “Quận, huyện không đốt rơm rạ” và tới năm 2020, Hà Nội trở thành “Thành phố không đốt rơm rạ”.

Theo khảo sát của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, đối với rơm rạ, hiện các địa phương đang đốt bỏ khoảng 36,4% tổng lượng phát sinh. Tỷ lệ đốt bỏ rơm rạ cao nhất tại huyện Đan Phượng (90%), tiếp đến là các huyện: Mê Linh (70%), Hoài Đức (69%), Gia Lâm (60%)…

Đối với các phụ phẩm nông nghiệp khác, tỷ lệ đốt bỏ cũng ở mức 31,2%. Không chỉ gây lãng phí, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, việc đốt rơm rạ nói riêng, phụ phẩm nông nghiệp nói chung còn tạo ra nhiều khí thải độc hại như CO2, CO, CH4, N2O, SO2…

Trong đó, chiếm chủ yếu là CO2 với ước tính phát thải lên tới 273.000 tấn/năm. Cùng với đó là khoảng 6.500 tấn CO, 2.400 tấn bụi bay vật chất dạng hạt. Khí thải gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, cản trở tầm nhìn giao thông, đặc biệt là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân.

Nhiều giải pháp hiệu quả

Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các quận, huyện, thị xã định kỳ trước và trong thời gian thu hoạch lúa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, hạn chế đốt rơm rạ, nhất là khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư thị trấn, thị tứ để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và các hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nhận thức được tác hại của việc đốt bỏ phụ phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương đã bước đầu quản lý, sử dụng các sản phẩm sau thu hoạch theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đơn cử như tại thị xã Sơn Tây, 50% phụ phẩm nông nghiệp được dùng làm thức ăn chăn nuôi. Hay tại Ba Vì, khoảng 30% rơm rạ và 100% phụ phẩm từ cây ngô được người dân dùng lót chuồng, chế biến làm thức ăn chăn nuôi.

Tại Thạch Thất, từ năm 2015, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã thử nghiệm sử dụng chế phẩm vi sinh AT-YTB để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Bà Vũ Thị Lệ Quyên - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thạch Thất cho biết, trung bình mỗi năm khoảng 1.100 tấn rơm rạ phát sinh trên địa bàn được xử lý bằng chế phẩm AT-YTB. Không chỉ giúp bảo vệ môi trường, quá trình xử lý còn tạo ra phân hữu cơ vi sinh, thực tiễn sử dụng bón cho cây trồng đã giúp nâng cao đáng kể năng suất.

Đặc biệt, hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường năm 2017, tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Sở TNMT Hà Nội đã phối hợp Hội Nông dân thành phố phát động chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ”. Mục tiêu của chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho nông dân về tác hại của việc đốt rơm rạ, đưa ra các phương án hữu ích trong việc tái chế, tái sử dụng rơm rạ đáp ứng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người dân, khuyến khích nông dân "nói “không với việc đốt rơm rạ sau mùa gặt.

Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, ngay tại lễ phát động chiến dịch, chính quyền địa phương cùng khoảng 100 hộ ở xã Thọ Xuân đã tình nguyện ký cam kết tham gia chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”. Đồng thời, nông dân còn được cung cấp và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần tăng chất lượng và mức độ an toàn cho sản phẩm nông sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo ông Thái, sau khi tiến hành thí điểm mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ thay vì đốt rơm rạ tại xã Thọ Xuân, Sở TNMT Hà Nội tiếp tục đưa chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” vào thực hiện trên diện rộng, nhằm hướng tới một thành phố cam kết không đốt rơm rạ gây nguy hại đến sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống người dân, trả lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô.

Cũng theo ông Thái, tiềm năng để biến phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt và năng lượng sạch là rất lớn. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem