Dịch Covid-19: Dân châu Âu đổ xô mua chuối ăn, cơ hội cho Việt Nam

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 09/04/2020 06:15 AM (GMT+7)
Quả chuối đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nên dù giữa tâm dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, người tiêu dùng châu Âu vẫn đổ xô mua chuối dự trữ để ăn dần. Nhu cầu nhập khẩu chuối tăng cao là cơ hội cho người trồng chuối các nước, trong đó có quả chuối Việt Nam.
Bình luận 0

Nhu cầu chuối tăng cao

Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu quả chuối các loại của 27 nước thành viên EU (EU27) trong năm 2019 đạt hơn 8 triệu tấn, trị giá gần 5,6 tỷ Euro (tương đương hơn 6 tỷ USD), giảm nhẹ về lượng nhưng tăng về trị giá, do giá nhập khẩu bình quân đạt 693,1 Euro/tấn, tăng 1,8% so với năm 2018.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp quốc (FAO) cũng dự báo, tổng sản lượng chuối toàn cầu sẽ tăng 1,5% mỗi năm và đến 2028 sẽ đạt 135 triệu tấn. Chuối tiếp tục dẫn đầu trong các loại trái cây xuất khẩu và sẽ đạt gần 22 triệu tấn xuất khẩu trong năm 2028.

Châu Âu và Mỹ là hai thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất, chiếm lần lượt là 31% và 22% thị trường nhập khẩu chuối toàn cầu.

img

Khách hàng lựa mua chuối ở siêu thị BigC, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Vy

Tại châu Âu, chuối là một trong những chủng loại quả tốt cho sức khỏe nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong cơ cấu mặt hàng quả và quả hạch, chuối là mặt hàng nhập khẩu lớn thứ hai.

Trong lúc dịch Covid-19 lan rộng khắp châu Âu, các nhà nhập khẩu tại Hà Lan cho biết nhu cầu về chuối đang tăng rất cao do người dùng mua tích trữ để ăn dần.

Ở Việt Nam, chuối dễ trồng và được xem là mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Tuy nhiên, năm 2019, Việt Nam mới chỉ xếp hạng thứ 31 trong các thị trường cung cấp chuối cho EU27. Bộ Công Thương đánh giá, so với tổng lượng nhập khẩu của EU27, quả chuối của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để vào thị trường này.

Cơ hội xuất khẩu chuối có dễ "ăn"?

Nhận thấy nhu cầu nhập khẩu chuối từ châu Âu tăng cao, trong khi Việt Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi cho cây chuối, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư trồng chuối.

Gần đây nhất, cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa và Dole Asia Holding PTE. LTD đã ký thỏa thuận hợp tác dự án trồng chuối Nam Mỹ trên quy mô 156ha tại nông trường Thành Long. Sản phẩm chuối Nam Mỹ từ dự án này chủ yếu sẽ dùng để xuất khẩu.  

Theo đó, ngoài các thỏa thuận về nguồn vốn đầu tư tiềm năng, Dole Asia Holding sẽ đóng vai trò hỗ trợ trong thiết kế quy hoạch đồng ruộng, quy trình canh tác, giống nuôi cấy mô và hệ thống nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp này.

img

Diện tích trồng chuối tăng mạnh ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Vy

Tại Đồng Nai, chuối là loại cây trồng có diện tích tăng khá nhanh. Hiện tỉnh này có khoảng 10.500ha trồng chuối, tăng 4.000ha so với năm 2019. Đa số diện tích chuối này sử dụng giống chuối già Nam Mỹ, chủ yếu cung cấp cho thị trường xuất khẩu, trong đó Trung Quốc đang tiêu thụ khoảng 95%.

Với diện tích này, tổng sản lượng chuối thu hoạch của Đồng Nai sẽ đạt khoảng 250.000 tấn. Dự kiến từ nay đến tháng 5/2020, trung bình mỗi tháng Đồng Nai thu hoạch khoảng 30.000 tấn chuối. Riêng huyện Trảng Bom - địa phương đứng đầu về diện tích chuối của tỉnh, hiện đang vào vụ thu hoạch với khoảng 85.000 tấn chuối già cấy mô cần tiêu thụ.

Ông Lý Minh Hùng - Giám đốc HTX Thanh Bình (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng thừa nhận, cây chuối phù hợp với thổ nhưỡng của Đồng Nai và có nhiều lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là người trồng chuối vẫn còn áp dụng quy trình sản xuất theo kiểu truyền thống, chi phí cao trong khi liên kết rời rạc nên khó tiêu thụ…

Theo ông Hùng, để tận dụng được thời cơ, chính nông dân trồng chuối phải là người thay đổi trước tiên, phải áp dụng các quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản tiên tiến, hạn chế hao hụt và hư hỏng sau thu hoạch.

“Nông dân cũng phải liên kết với HTX, doanh nghiệp để có nguồn nguyên liệu với lượng lớn, đáp ứng được yêu cầu của các bạn hàng lớn”, ông Hùng chia sẻ.

img

Trái chuối phải đáp ứng các yêu cầu chất lượng ngày càng cao của khách hàng. Ảnh: Nguyễn Vy

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, một trong những nông dân tiên phong trồng chuối xuất khẩu sang các thị trường khó tính, cũng chia sẻ, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chuối và các nông sản khác vào EU.

Tuy nhiên, EU có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất khắt khe. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thận trọng tuân thủ các quy định của châu Âu về vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc.

Để có được lô hàng chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng phải đảm bảo từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch… Đặc biệt là việc viết nhật ký sản xuất.  

Nhật ký sản xuất phải rõ ràng, minh bạch, không được thêm bớt hoặc làm cho đẹp số liệu, gian dối thông tin. “Vì nhật ký không phải để đối phó khách hàng mà là để chính mình kiểm soát chất lượng sản phẩm”, ông Võ Quan Huy nói. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem