Đà Nẵng sẽ là thành phố thực phẩm thông minh?

Lam Hàn - Đình Thiên Thứ bảy, ngày 23/02/2019 06:25 AM (GMT+7)
Đà Nẵng hướng đến thành phố thực phẩm thông minh với việc người dân sẽ được sử dụng các thực phẩm sạch, lành mạnh, được tiếp cận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm,...
Bình luận 0

Trong 2 ngày 21 và 22.2, TP.Đà Nẵng đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chia sẻ kết quả phân tích hệ thống thực phẩm và tiến hành xây dựng chiến lược phát triển thành phố thực phẩm thông minh.

img

Đà Nẵng hướng đến thành phố thực phẩm thông minh vào năm 2030.

Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Định, chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trong thời gian gần đây, công tác đảm bảo An toàn vệ sinh thưc phẩm của Đà Nẵng có nhiều phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải và phụ phẩm, công tác kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi vẫn chưa được ngăn chặn xử lý triệt để…

Còn Tiến sĩ Thái Thị Minh - Giám đốc Khu vực của Tổ chức phi chính phủ Rikolto cho rằng, phần lớn sản phẩm nông sản trên thị trường Đà Nẵng đều nhập từ tỉnh bạn và cả Trung Quốc. Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa thật đảm bảo an toàn cho người sử dụng…

Vị Giám đốc khu vực của Tổ chức Rikolto đã đưa ra Khung chiến lược cho việc phát triển Đà Nẵng thành thành phố thực phẩm thông minh với 4 nội dung, trong đó lấy con người làm vị trí trọng tâm.

Cụ thể, nội dung thứ nhất là thực phẩm phải bổ dưỡng, đa dạng, chất lượng và an toàn. Trong đó, Đà Nẵng cần can thiệp để đẩy mạnh cung cấp thực phẩm lành mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa nhỏ và nhà hàng, quán ăn,… Thứ 2 là tạo việc làm thu nhập tốt và kinh doanh nông sản tốt hơn bằng việc giúp các doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích lao động trẻ tham gia sản xuất,…

Chiến lược thứ 3 mà tổ chức Rikolto đưa ra là cần tăng cường khả năng tiếp cận được an ninh thực phẩm đối với người sử dụng bằng việc hỗ trợ xây dựng kho lạnh, thiết bị đóng gói, đầu tư cho các cơ sở giết mổ…Cuối cùng là thiết lập hệ thống thực phẩm và nông nghiệp có khả năng phục hồi và bền vững từ việc xử lý chất thải bằng biện pháp sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phân bổ ngân sách để test mức độ ô nhiễm, tồn dư hóa chất trong môi trường đất và nước ở các vùng trồng rau.

Bà Krista Verstraelen - Giám đốc Quỹ Tư vấn Việt - Bỉ khẳng định, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Bỉ đang nghiên cứu để xây dựng chiến lược cho Đà Nẵng trở thành thành phố thực phẩm thông minh trong tương lai. Đồng thời, cam kết sẽ mang lại hiệu quả bước đầu cho TP.Đà Nẵng trong thời gian đến.

Để có một chiến lược xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành thành phố an toàn thực phẩm, tháng 6.2018, UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt dự án Phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 dưới sự hỗ trợ không hoàn lại của Quỹ nghiên cứu và Tư vấn Việt – Bỉ. Trong thời gian qua, lãnh đạo Đà Nẵng giao cho Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.Đà Nẵng phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nghiên cứu dự án trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem