Chủ tịch Hội NDVN: Hỗ trợ nông dân làm thương hiệu nông sản

Công Tâm Thứ năm, ngày 24/10/2019 05:45 AM (GMT+7)
Đó là yêu cầu của đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư NDVN) với Hội ND các cấp tỉnh Ninh Thuận, sau khi đi thăm, nắm bắt tình hình sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân tỉnh này.
Bình luận 0

Ngày 23/10, đoàn công tác T.Ư Hội NDVN do đồng chí Thào Xuân Sùng làm trưởng đoàn đã về làm việc tại tỉnh Ninh Thuận. Đoàn công tác làm việc tại tỉnh Ninh Thuận với các nội dung kiểm tra công tác hội và phong trào nông dân; tiến độ, kết quả thực hiện Kết luận số 61/2011 của Ban Bí thư, Quyết định số 673/2011 của Thủ tướng Chính phủ; nắm thực tiễn nhằm phục vụ việc xây dựng, ban hành các nghị quyết của Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN về hỗ trợ nông dân, xây dựng nông thôn văn minh…

img

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng thăm mô hình trồng măng tây xanh của HTX Tuấn Tú. Ảnh: C.T

Sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Trước khi làm việc với Tỉnh ủy, UBND, Hội ND tỉnh, đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã thăm, tìm hiểu mô hình trồng măng tây xanh tại Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của nông dân Nguyễn Văn Vinh (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam).

Báo cáo với đoàn, ông Hùng Ky - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết, đơn vị đã được UBND huyện Ninh Phước quy hoạch sản xuất cánh đồng măng tây xanh lớn diện tích 20ha. Đặc biệt, mô hình trồng măng tây xanh đang áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm và tưới nước nhỏ giọt.

Theo ông Ky, cây măng tây xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều thành viên và hộ nông dân của địa phương. Nhờ cây trồng này mà bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt, người dân xem đây chính là cây xóa đói giảm nghèo và ví von là loại “rau vua”.

Trong những năm qua, HTX đã nhân rộng được 25ha sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2019, số lượng măng tây thương phẩm đạt 36 tấn, tổng doanh thu 1,8 tỷ đồng.

Giám đốc HTX Tuấn Tú cho hay, để có được kết quả trên, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hội nghị và hướng dẫn cho các thành viên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Từ đó, các thành viên mới mạnh dạn sản xuất cây măng tây xanh theo hướng VietGAP. Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tăng cường liên kết với các công ty để mở rộng diện tích sản xuất cây măng tây xanh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HTX đang gặp một số khó khăn như: Đầu vào của giống măng tây xanh Hà Lan còn khá cao, việc đầu tư các vật tư ban đầu đòi hỏi vốn lớn nên phát triển vùng sản xuất còn chậm, một số hộ dân chưa mạnh dạn tham gia. HTX đề nghị các cấp tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn vay cho HTX cũng như trong các thành viên để phát triển mở rộng mô hình.

Ông Phạm Hữu Luận – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Ninh Phước cho biết, trước đây người dân do chưa biết kỹ thuật nên diện tích trồng măng tây rất ít. Qua nhiều đợt hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông dân đã mạnh dạn áp dụng và trồng nhiều giống mới có chất lượng cao. Toàn huyện có gần 100ha diện tích trồng măng tây xanh, chủ yếu trồng tại xã An Hải, Phước Hải…

Ông Luận cho biết thêm, để phát triển mô hình trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn để người dân mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

Hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, đoàn công tác T.Ư Hội NDVN đã đến thăm mô hình nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Vinh. Anh Vinh là người nông dân đầu tiên trong nước nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể xi măng tròn có mái che đạt hiệu quả kinh tế cao và hạn chế dịch bệnh.

Anh Vinh chia sẻ, gia đình đã gắn bó với nghề nuôi tôm gần 30 năm và trải qua nhiều giai đoạn thất bại do ô nhiễm nước dẫn đến tôm bị dịch bệnh. Đến nay, gia đình anh đã nuôi tôm thẻ thành công 10ha/23 bể xi măng hình tròn. Sản lượng tôm thẻ đạt  trên 500 tấn/năm, với giá bán tôm thương phẩm dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg mang lại doanh thu từ 50 – 60 tỷ đồng/năm, trừ chi phí lợi nhuận từ 30 – 40%.

Nông dân có thể có hộ không thiếu vốn, nhưng quan trọng nhất là đa số hộ thiếu kiến thức kỹ thuật, thông tin thị trường, thủ tục hành chính… Những cái thiếu này của hội viên, nông dân rất cần được Hội ND chủ động tìm hiểu và đề ra giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con”.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng

Anh Vinh bộc bạch, nhờ chịu khó học hỏi để thay đổi cách làm, cách nghĩ nên mới có thành công như ngày hôm nay. Hiện tại, trại nuôi tôm của gia đình anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 30 lao động vùng nông thôn. Anh Vinh cho biết, ở mỗi bể xi măng hình tròn nuôi tôm được lắp đặt hệ thống sục khí, hệ thống dẫn nước và cấp thoát nước riêng biệt, có sử dụng lưới che nên rất tiện lợn cho việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh trên tôm. Nhờ cách làm khác người này mà tôm thẻ phát triển nhanh, khả năng đề kháng các dịch bệnh cao và gia đình anh cũng tăng thêm nguồn thu nhập.              

Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng và đoàn công tác ghi nhận, đánh giá cao sự năng động, sáng tạo, cần cù của nhiều nông dân giỏi tỉnh Ninh Thuận, nhất là qua 2 mô hình trồng măng tây xanh và nuôi tôm thẻ trong bể xi măng tròn.

Chủ tịch Thào Xuân Sùng cho rằng, tuy khí hậu khắc nghiệt hơn các địa phương khác, nhưng Ninh Thuận rất có lợi thế để phát triển các loại cây trồng như: Nho, táo và đặc biệt cây măng tây xanh. Với sự chủ động tham mưu, vào cuộc của Hội ND, Ninh Thuận đã xây dựng thành công một số thương hiệu nông sản đặc trưng như nho, táo…

Trong thời gian tới, Ninh Thuận cần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây măng tây để loại nông sản này ngày càng vươn xa ra thị trường trong và ngoài nước. Hội ND các cấp tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, hướng dẫn xây dựng thương hiệu để bà con nông dân yên tâm sản xuất và  mở rộng phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem