Bão số 4: Vì sao quốc tế lấy địa danh Sơn Ca để đặt tên bão?

Đình Thắng Thứ ba, ngày 25/07/2017 16:00 PM (GMT+7)
Cơn bão số 4 đang tiến vào Bắc Trung Bộ có tên Sơn Ca (tên quốc tế là Sonca). Trước đó có nhiều cơn bão được quốc tế đặt tên theo tiếng Việt như Côn Sơn, Sông Đà, Ba Vì, Trà My, Hạ Long, Vàm Cỏ. Vậy vì sao quốc tế lấy địa danh của Việt Nam để đặt tên bão?
Bình luận 0

Theo thống kê, mỗi năm trên toàn thế giới có khoảng 80 cơn bão. Trong đó Bắc bán cầu là nơi hình thành bão nhiều nhất, chiếm 73% tổng số cơn bão toàn cầu.

Bão thường xuất hiện tại 8 vùng biển: Khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương (bao gồm cả biển Đông Việt Nam) mỗi năm bình quân hình thành khoảng 30 cơn bão, chiếm 38% tổng số cơn bão trên toàn cầu. Khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương mỗi năm có 14 cơn bão chiếm 17% tổng số cơn bão trên toàn thế giới. Bắc Đại Tây Dương (bao gồm cả vùng biển Caribe và Vịnh Mexico) bình quân mỗi năm có 9 cơn bão…

img

Bão Hạ Long (Halong) đổ bộ vào Nhật Bản tháng 8.2014 . Ảnh: I.T

Những nước chịu ảnh hưởng nhiều bão nhất thế giới là Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh, Úc, Mỹ, Mexico và một số nước khác thuộc vùng biển Caribe.

Có rất nhiều người băn khoăn, bão được đặt tên từ bao giờ, và ai là người đặt tên cho bão? Theo ông Lê Thanh Hải – Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, việc đặt tên các cơn bão nhiệt đới được thực hiện từ đầu thế kỷ 20. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho việc liên lạc giữa các nhà dự báo thời tiết và công chúng trong việc theo dõi và cảnh báo, tránh nhầm lẫn giữa các cơn bão.

img

Bão Hạ Long (Halong) đổ bộ vào Nhật Bản tháng 8.2014 khiến 10 người thiệt mạng, hơn 1 triệu người phải di tản tránh bão. Ảnh: I.T

Trước đây, việc đặt tên cho các cơn bão do Cơ quan dự báo khí tượng của Hải quân Hoa Kỳ thực hiện và cơ quan này đánh số cho từng cơn bão trong từng mùa mưa bão theo nguyên tắc lấy ngày cơn bão xuất hiện để đặt tên cho bão. Sau đó, Hải quân Hoa Kỳ có sáng kiến lấy tên Thánh của ngày xuất hiện cơn bão để đặt tên và danh sách tên đề cử sẽ được gửi cho Tổ chức Khí tượng thế giới sử dụng theo thứ tự từ A đến Z.

Đến chiến tranh thế giới thứ II, các cơn bão nhiệt đới ở Thái Bình Dương được đặt tên không chính thức theo tên của phụ nữ. Đây là nguyên tắc bất thành văn đoàn dự báo thời tiết của Lục quân và Hải quân Mỹ đề ra. Dựa trên việc phân tích trong tiếng Anh, tiếng Pháp và một số nước phương Tây thì bão có nghĩa là giống cái.

img

Bão Côn Sơn (Conson) đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình ngày 17.7.2010 khiến 12 người chết và mất tích. Ảnh: IT

Đến những năm 1960, phong trào nữ quyền thế giới phản đối việc lấy tên phụ nữ đặt cho bão vì bão toàn đem lại điều tồi tệ. Do vậy, Tổ chức Khí tượng thế giới đã dùng cả tên nam giới và nữ đặt tên cho các cơn bão xen kẽ nhau. Tên cơn bão này do các nước thành viên tiến cử cho Tổ chức Khí tượng thế giới lựa chọn.

Từ ngày 1.1.2000, bão nhiệt đới ở tây bắc Thái Bình Dương (khu vực có Việt Nam) được đặt theo một danh sách các tên mới lạ. Những tên mới bổ sung bao gồm các tên châu Á, được lấy từ các nước thành viên của Tổ chức Khí tượng Thế giới trong khu vực. Những tên này có hai điều khác biệt so với tên bão ở các nơi trên thế giới.

Thứ nhất, hầu hết chúng không phải là tên riêng của người mà thường là tên hoa, động vật, chim, cây cỏ hay thậm chí tên món ăn. Thứ hai, các tên này không được đặt tuần tự theo thứ tự bảng chữ cái, mà theo thứ tự chữ cái của tên các nước. Trước đây, cơn bão số 7, cơn bão Saola, lấy tên của một loài động vật quý hiếm của Việt Nam đã tràn vào Nhật Bản.

img

Bão Sơn Tinh (Sontinh) mạnh cấp 12, hình thành trên biển Đông vào tháng 10.2012 - cơn bão mạnh nhất 30 năm qua đã khiến Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: IT

Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm: “Ủy ban bão của khu vực đã họp và đưa ra quyết định các nước sẽ đề cử tên các cơn bão để lựa chọn vào danh sách được duyệt đặt tên cho bão. Mỗi năm Ủy ban bão sẽ họp một lần và có bàn đến nội dung các nước đề cử tên mới, loại tên cũ theo danh sách, các nước có thể kiến nghị bỏ tên bão do nước khác đặt”.

Ở Việt Nam, những cơn bão thường đặt tên theo số thứ tự trong năm. Nhưng trên thế giới bão lại có tên quốc tế rất lạ, khi thì mang tên một cô gái, lúc lại là một loài hoa, động vật, thức ăn... Thậm chí, có nước còn lấy tên những chính trị gia, tên thánh đặt cho bão.

Thực tế là các nước đã đăng ký tên các vị thần, các loài hoa, loài thú quý hiếm, địa danh nổi tiếng và cả món ăn… để đề cử cho Ủy ban bão của khu vực. Trung Quốc từng đề cử tên bão là Ngokhong, Lào có tên Champa… để giới thiệu cho Ủy ban bão của khu vực lựa chọn.

Với Việt Nam, trước đây Tổng cục Khí tượng thủy văn đã đề xuất 20 tên gọi cho bão là tên thuần túy tiếng Việt. Và Ủy ban bão của khu vực chọn 10 tên do chúng ta đề cử gồm: Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem