6 bài học xây dựng nông thôn mới ở Thủ đô

Thanh Bình - Thiên Ngân Thứ tư, ngày 08/04/2020 18:10 PM (GMT+7)
Mới đây, Sở NNPTNT Hà Nội có báo cáo về tổng kết, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2020-2025. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM, trong đó có ít nhất 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao…
Bình luận 0

Nhiều chỉ tiêu về đích trước kế hoạch

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện đã có 6 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm) được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, thị xã Sơn Tây hiện cũng đã đủ điều kiện, đoàn thẩm tra cũng đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019.

img

Cơ sở sản xuất rau an toàn Thanh Hà, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Nội, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm đầu năm 2016 đến đầu năm 2020 là 44.717 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách đạt hơn 4.231 tỷ (đóng góp của nhân dân bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất… là 1.913 tỷ đồng; còn lại vốn doanh nghiệp, hợp tác xã).

Năm 2020, TP vừa quyết định bố trí ngân sách cho các địa phương xây dựng NTM hơn 4.680 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trực tiếp 1.027 tỷ, vốn hỗ trợ lồng ghép gần 3.660 tỷ.

Về xây dựng xã NTM và NTM nâng cao, đến nay, toàn thành phố có 356/386 xã (chiếm 92,2%) được UBND thành phố công nhận đạt chuẩn NTM, 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Trong số 30 xã còn lại, xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất) không xây dựng NTM do nằm trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc, 21 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí, còn 8 xã đạt và cơ bản đạt 11 - 14 tiêu chí.

Đáng chú ý, toàn thành phố có 4 chỉ tiêu về đích trước 1 năm so với mục tiêu chương trình đề ra là số xã đạt chuẩn NTM, thu nhập bình quân dân cư nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đánh giá về những kết quả này, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội cho biết, so với năm 2016 và trước khi Chương trình xây dựng NTM được triển khai, kết quả này không chỉ là thành tích đáng tự hào của Thủ đô mà còn xếp khá cao và toàn diện so với mặt bằng chung của cả nước.

Thông điệp của Hà Nội là rất rõ ràng, trong xây dựng NTM “không có điểm dừng” và nhiệm vụ này được quán triệt từ khi xây dựng NTM đến nay.

“Thành phố cũng xác định rõ không ai đứng ngoài cuộc trong xây dựng NTM, do đó thời gian qua, cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về xây dựng NTM có nhiều chuyển biến tích cực, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại mà chủ động tham gia thực hiện” - ông Chí cho biết.

img

Thu hoạch rau xà lách tại một trang trại trồng rau thuỷ canh trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Thiên Ngân 

Ngoài nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 4.231 tỷ đồng. Ngoài ra, 12 quận của thành phố cũng đã tích cực hỗ trợ các huyện trong xây dựng NTM với tổng kinh phí gần 670 tỷ đồng.

6 bài học kinh nghiệm

Từ thực tiễn xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, ông Chí cho biết, thành phố đã đúc rút 6 bài học làm cơ sở, để thực hiện cho giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội phải làm tốt công tác tuyên truyền.

Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết bằng chương trình hành động cụ thể. Lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc cơ sở để nắm tiến độ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Thứ ba, công tác quy hoạch, xây dựng đề án NTM phải đi trước một bước, gắn với thực tiễn, bảo đảm dân chủ, sự đồng thuận, khoa học, có tính khả thi cao.

Thứ tư, phát huy cao độ quyền làm chủ của nhân dân, người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch những công việc trực tiếp liên quan đến lợi ích của cộng đồng.

Thứ năm, dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách thành phố để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình thiết yếu (điện, đường, trường, trạm). Tích cực tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và nhân dân tham gia xây dựng NTM...

Thứ sáu, đào tạo và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xây dựng NTM, nhất là ở các xã, thôn. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật, có cách làm sáng tạo trong các lĩnh vực…

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem