Thái Nguyên: Nhà đầu tư xót xa nhìn tiền "chôn" chặt vào dự án phát triển đô thị

Vũ Khoa Thứ bảy, ngày 08/07/2023 08:05 AM (GMT+7)
Hơn 1 năm sau khi đấu giá thành công, hạ tầng Dự án Khu đô thị số 5 vẫn dở dang khiến người dân huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên lâm vào cảnh lao đao.
Bình luận 0

Hạ tầng dự án xuống cấp khi chưa hoàn thiện

"Tại thời điểm đấu giá, hạ tầng tại đó còn khang trang, sạch đẹp hơn bây giờ. Bởi kể từ đó cho đến nay, dự án không phát triển được thêm một chút nào. Bản thân tôi cũng bức xúc chứ không chỉ riêng người dân", Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Thái Nguyên Phạm Bình Công nói với PV báo Dân Việt khi đề cập tới dự án Khu dân cư số 5, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Thực tế, "bức xúc" không thể hiện hết tâm tư của người dân, nhà đầu tư đã tham gia và trúng đấu giá đất tại dự án này. Theo những chia sẻ, nhiều người lâm vào cảnh vay nợ, bất hòa với gia đình vì "chôn" tiền vào dự án mà không tìm ra lối thoát.

Thái Nguyên: Nhà đầu tư xót xa nhìn tiền "chôn" chặt vào dự án phát triển đô thị - Ảnh 1.

Tuyến đường cụt tại dự án "không lối thoát" Khu đô thị số 5, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Thân Văn Toàn, người dân sống tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên cho biết, theo cam kết tại thời điểm đấu giá thì tháng 12/2022 dự án sẽ được bàn giao hạ tầng. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm, mọi công trình xây dựng tại dự án vẫn nguyên trạng khiến người dân không thể xây dựng nhà cửa để sinh sống, làm ăn.

Ghi nhận tại dự án vào cuối tháng 6/2023 của PV cho thấy, trên toàn bộ dự án mới chỉ được san nền một phần với chỉ vài chục mét đường được dải bây đã bị mưa xối. Dễ thấy nhất là những ống bê tông cốt thép ngổn ngang, những vỉa hè chưa hoàn thiện đã vỡ nát, xuống cấp. Ao tù, nước đọng ngay bên dưới đường điện tiềm tàng nguy cơ về tai nạn.

Thái Nguyên: Nhà đầu tư xót xa nhìn tiền "chôn" chặt vào dự án phát triển đô thị - Ảnh 2.

Theo tìm hiểu của PV, Dự án Khu đô thị số 5 huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên có Chủ đầu tư là Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên. Theo Quyết định phê duyệt của UBND huyện Phú Bình, dự án có tổng diện tích quy hoạch là 6,6 ha. Ngày 3/6/2022, Dự án được đưa ra đấu giá. Đơn vị tổ chức đấu giá là Công ty đấu giá hợp danh Việt Bắc.

Tại phần thuyết minh tính chất dự án, UBND huyện Phú Bình nêu "Là khu dân cư mới với cấu trúc hiện đại về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối đồng bộ với các khu dân cư lân cận, hục vụ nhu cầu phát triển dân cư, nhà ở trên địa bàn thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình".

Nghịch lý Dự án lãi, người dân lỗ

Ngày 27/10/2021, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 3354/QĐ-UBND về việc giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị số 5, huyện Phú Bình. Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Lê Quang Tiến ký.

Nội dung giao đất nêu rõ, giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên diện tích 51,3 ha để sử dụng thực hiện dự án. Trong đó gồm 23,7 ha đất thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; 27,6 ha để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhà văn hóa bao gồm giao thông; xây dựng hạ tầng kỹ thuật; cây xanh, mặt nước; nhà văn hóa và công trình công cộng.

Nhìn vào các Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Phú Bình, bất kỳ ai cũng nghĩ Khu đô thị số 5 huyện Phú Bình là dự án đầy tiềm năng để sinh sống, đầu tư, phát triển kinh thế. Quy trình cấp Giấy CNQSDĐ cũng được thực hiện rốt ráo càng thu hút sự tham gia của người dân. Tuy vậy, trái với cam kết, Chủ đầu tư dự án là Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh Thái Nguyên đã không thể hoàn thiện hạ tầng, gây ra sự mất lòng tin nghiêm trọng của người dân đối với chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh.

Thái Nguyên: Nhà đầu tư xót xa nhìn tiền "chôn" chặt vào dự án phát triển đô thị - Ảnh 3.

Hàng ti đồng tiền vốn của người dân "chôn" chặt vào dự án

Hàng tỉ đồng từ các nhà đầu tư "rót" vào dự án bị chôn chặt vào lòng đất chỉ để nuôi cỏ mọc. Đây là sự lãng phí vô cùng lớn, đặc biệt đối với không ít người chỉ mới rời bỏ ruộng đồng, gói ghém tất cả những khoản tích cóp nhiều năm đi đầu tư với kỳ vọng thay đổi cuộc sống. Suốt quá trình tìm hiểu, PV ghi nhận được không ít trường hợp người dân mang tài sản đi thế chấp để lấy tiền đấu giá đất, nay không thể thanh khoản và có nguy cơ mất cả "chì lẫn chài".

Nhằm rộng đường dư luận, PV Dân Việt đã có buổi làm việc với đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên; Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên. Tại đây, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Thái Nguyên khẳng định về kết quả đầu tư, dự án đã thu lãi về ngân sách tỉnh trên 50 tỷ đồng ngay từ giai đoạn đầu.

Vậy điều gì tạo ra nghịch lý dự án lãi nhưng người dân lỗ? Nội dung này sẽ được báo Dân Việt làm rõ trong bài viết tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem