"Ông lớn" bất động sản kêu khó: 16 năm chưa triển khai dự án vì vài hộ dân

Văn Dũng Chủ nhật, ngày 23/02/2020 11:37 AM (GMT+7)
Vướng nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, hồ sơ bị các sở ngành “ngâm” trong thời gian dài, hàng loạt "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM đã than phiền.
Bình luận 0

16 năm chưa triển khai được dự án vì vướng vài hộ dân

Trong cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp bất động sản vào sáng 22/2, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nghe nhiều doanh nghiệp trình bày mong muốn, kiến nghị để mong chính quyền sớm tạo điều kiện giải quyết vướng mắc liên quan đến các dự án trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, Công ty CP Địa ốc Phú Long nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng 2 dự án. 

Theo đó, công ty Phú Long trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định và đã được UBND TP. HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.

Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Phú Long không thể triển khai. 

img

Chủ tịch UBND TP.HCM cùng cấp dưới đã có buổi gặp gỡ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn thành phố. Ảnh: V.D

UBND TP.HCM đã giao công ty Phú Long làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè). Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có trách nhiệm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho Phú Long thực hiện. Công ty Phú Long có trách nhiệm ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và ngầm hóa tuyến điện. 

Theo phương án bồi thường được duyệt, công ty Phú Long đã chuyển hơn 160 tỷ đồng cho trung tâm phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng hơn 12 năm nay, trung tâm phát triển quỹ đất và Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất.

img

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TNMT TP.HCM tại buồi gặp gỡ. Ảnh: V.D

Trước những vướng mắc đó, trong những năm qua, Công ty Phú Long đã có nhiều văn bản gửi UBND TP. HCM, UBND huyện Nhà Bè và các Sở ngành có liên quan kiến nghị giải quyết. UBND TP. HCM cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này. 

Gần đây nhất, ngày 12/2/2019, UBND TP.HCM đã có ý kiến tại thông báo giao UBND huyện Nhà Bè thực hiện thủ tục cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bất kỳ sự tiến triển nào trong việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án phân khu số 15 và dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220Kv Nhà Bè - Tao Đàn.

Công ty Phú Long đề nghị UBND TP. HCM chỉ đạo các Sở, ngành và UBND huyện Nhà Bè khẩn trương thực hiện dứt điểm việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai dự án nói trên để công ty được giao đất đầy đủ để triển khai dự án. 

Ba năm chưa xong thủ tục đầu tư, đối tác đòi rút khỏi dự án nghìn tỷ

Công ty Quốc Cường Gia Lai có dự án 91ha, tổng giá trị 50.000-70.000 tỷ đồng tại huyện Nhà Bè (TP.HCM) mất đến 3 năm vẫn chưa thể làm xong thủ tục khiến nhà đầu tư nước ngoài muốn rút khỏi dự án.

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai, trình bày hiện nay công ty có 6 dự án gặp nhiều khó khăn khiến công ty thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Những dự án còn vướng mắc, theo bà Loan, có nhiều thủ tục khiến công ty bối rối, thậm chí chuyên viên của các sở, ban ngành thụ lí hồ sơ cũng không biết phải giải quyết thế nào.

img

Bà Nguyễn Như Loan - Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai trình bày những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải suốt nhiều năm. Ảnh: V.D

Cụ thế, dự án dự án 91 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư từ năm 2017, thời hạn từ tháng 8/2017 đến tháng 8/2020 sẽ hết hạn. Kế hoạch sử dụng đất của Quốc Cường Gia Lai đăng kí đến nay cũng hết hạn. 

Quốc Cường Gia Lai chấp thuận đầu tư hạ tầng, riêng quĩ đất để đầu tư hạ tầng thì công ty đã đền bù 100%. Công ty nộp hồ sơ lên Sở Tài nguyên – Môi trường xin giao đất để làm trước bước xây dựng hạ tầng. Nhưng khi nộp hồ sơ lên thì các chuyên viên của Sở khá lúng túng. 

"Họ nói, chưa bao giờ thấy có việc giao đất để thực hiện hạ tầng trước nên họ không biết giải quyết như thế nào", bà Loan trình bày. Sau đó, chuyên viên của Sở hướng dẫn công ty quay về lại Sở Kế hoạch – Đầu tư để làm lại như từ ban đầu.

Theo bà Loan, dự án này quá lớn, tổng doanh thu của dự án dự kiến lên đến 50.000-70.000 tỷ đồng thì không thể nào một mình Quốc Cường Gia Lai đủ khả năng tài chính để làm mà phải liên doanh với các đối tác nước ngoài. 

"Chúng tôi đã có các đối tác nước ngoài đồng hành với Quốc Cường Gia Lai 3 năm nay nhưng bây giờ họ đang rất nản, muốn rút. Họ nói, lý do là dự án đã được chấp thuận đầu tư rồi, 3 bước đã xong rồi, kế hoạch sử dụng đất có rồi thì tại sao bây giờ kế hoạch sử dụng đất không được gia hạn?

Quốc Cường Gia Lai đã mất 3 năm để được chấp thuận đầu tư. Nếu bây giờ làm lại từ đầu thì mất bao nhiêu lâu nữa? Dự án này là sự sống còn của doanh nghiệp chúng tôi", bà Loan bộc bạch.

Bên cạnh đó, theo bà Loan, dự án cũng góp phần đóng ngân sách cho nhà nước rất lớn, nếu cộng cả ba loại thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất) thì phải trên 10.000 tỷ đồng.

"Đối tác nước ngoài đã nản quá rồi, chắc là phải rút. Nhưng bây giờ rút thì Quốc Cường Gia Lai cũng không có tiền để trả. Đây là một bài toán mà Quốc Cường Gia Lai không biết giải như thế nào", bà Loan chia sẻ.

img

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland (người đứng) trình bày những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt. Ảnh: V.D

Cũng tại buổi gặp gỡ, nhiều “ông lớn” khác trong ngành BĐS như Novaland, Hưng Lộc Phát, Đại Phúc Group cũng trình những mong muốn của doanh nghiệp mình với lãnh đạo thành phố nhằm để sớm tháo gỡ vướng mắc tại các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai.

Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland đề xuất với các Bộ, Sở ngành 2 phương án để giải quyết dự án The Water Bay 30,2 ha tại phường Bình Khánh, quận 2.

Phương án 1, Novaland được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá. 

Phương án 2, Novaland được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem