Nhà báo Trương Anh Ngọc: World Cup như tôi đã và sẽ có

Trương Anh Ngọc Thứ hai, ngày 19/02/2018 07:10 AM (GMT+7)
Tôi vẫn nhớ như in World Cup đầu tiên mà mình được xem, dù không trọn vẹn, và tất cả chỉ có màu đen-trắng của những chiếc tivi Sanyo hay Neptune cửa lùa. Đấy là Mexico 1986.
Bình luận 0

Những sân cỏ rực nắng trên cao nguyên Guadalajara. Những chiếc mũ sombrero rộng vành của người Mexico trên các khán đài đông nghẹt khán giả. Những tiếng hò reo cùng tiếng gió mà đến bây giờ, khi xem lại những cuốn băng tư liệu bằng phim màu nghe cứ như những tiếng rì rào khó phân biệt rõ ràng. Và những bàn thắng của Maradona, những thất bại trên các chấm phạt đền của Zico và Platini khi Brazil và Pháp đụng nhau, trận chung kết trong mơ giữa Argentina và Đức, cả những bức tranh vẽ lại từng bàn thắng từ vòng knock-out của giải mà Tin nhanh của Thể Thao & Văn Hóa đã in lại.

img

img

img

Nhà báo Trương Anh Ngọc và những lần tác nghiệp tại các kỳ World Cup. Ảnh:  T.L

Những World Cup ngày ấy trôi qua trong khó khăn của cuộc sống hiện tại dưới thời bao cấp, những đêm mất điện hoặc không thể có tín hiệu từ đài Hoa Sen.  Cảm giác đói bóng đá, đói hình ảnh, dù là hình ảnh xấu nhất và đặc biệt là đói thông tin. Và tất cả những gì mà người ta có được là những tờ báo, những bài viết ít ỏi để bù lấp cho số hình ảnh không thể có.

Sau này, khi World Cup đã đủ đầy rồi, không thiếu trận nào, tivi cũng không giật giật và đã có màu sắc, thông tin không thiếu thứ gì, chợt nhận ra một điều, hóa ra, những gì ta đã có trong những năm tháng quá khứ thiếu thốn ấy thật đáng nhớ, cứ như là đã được cất kỹ trong các ngăn kéo của ký ức, lúc nào cũng có thể kéo ra được, để rồi nói một cách tường tận, mô tả thật rõ những sự kiện, nhân vật, đã từng được chứng kiến hoặc được đọc.

Yêu bóng đá không hẳn chỉ là những hình ảnh, mà từ chính những câu chữ. World Cup và bóng đá đã sống bằng sự tưởng tượng từ những câu chữ trong tôi như thế.

Và ngay cả khi truyền hình đã sang màu, bóng đá xuất hiện nhiều hơn trên tivi và báo chí, thông tin cũng không còn là của hiếm hoặc độc quyền như trước thì các World Cup sau đó đối với tôi cũng vẫn như thế.

Cứ 4 năm một lần, World Cup đến rồi lại đi, trở thành một người đồng hành của một đứa trẻ đam mê bóng đá cho đến khi nó dần lớn lên và trưởng thành. World Cup đã đi vào những giấc mơ từ những gì được đọc, được xem, hóa thân vào cả những trận bóng trên những cái sân tập thể mù bụi và đầy gạch đá.

Ai đó trở thành Maradona vì dáng người thấp đậm và những pha xử lí kỹ thuật điêu luyện chân không giày. Bạn lại thành Caniggia, đứa con của gió, vì để mái tóc dài “chất nghệ”. Bạn khác muốn mình là Maldini vì rất giỏi trong việc xoạc bóng mà không làm đau đối thủ. Những ngày hè như thế không khác những ngày hội thực sự, vì cả bọn được nghỉ hè, được đá bóng buổi sáng, được “chém” về bóng đá buổi chiều và đến tối hoặc đêm thì xem World Cup, kể cả đấy là những trận không trực tiếp.

Với một đứa ham đọc sách và đá bóng kém như tôi, World Cup lại có một ý nghĩa khác nữa: đấy là một dịp để tôi đi vòng quanh thế giới. Bản đồ hoặc quả địa cầu trong tay, tôi cứ thế đi khắp nơi, từ châu lục này sang châu lục khác, từ nước này sang nước khác, đến từng cái chấm nhỏ trên đó là các thủ đô.

Thế giới trên sân cỏ đã đưa tôi đến với thế giới trên bản đồ và trong sách vở theo cách ấy, hun đúc trong tôi những ước mơ đi từ ngày ấy, để rồi bây giờ, nhiều năm đã qua, chợt nhận ra rằng, những bước đi trên nhiều góc của thế giới của mình lúc này đã được bắt đầu từ những trận đấu trên tivi đen trắng, những World Cup thiếu thốn hình ảnh và chỉ được hình dung trên các câu từ. 2006 là World Cup gần nhất mà tôi ngồi ở tòa soạn và viết, biên tập.

Một tháng World Cup là một dòng thác của các ngôn từ, của biết bao cảm xúc, những phập phồng hy vọng và rồi vỡ òa trong chiến thắng của đội tuyển Thiên Thanh mà tôi yêu mến. Đấy cũng là World Cup duy nhất tôi được sống trong niềm cảm hứng dạt dào của chiến thắng của đội tuyển Ý khi ngồi trong cabin bình luận bốn lần hô vang “Italia campione del mondo”.

Bởi những World Cup (và EURO) sau đó, tôi đã lang thang trên những nẻo đường World Cup, bằng xe bus, tàu hỏa và cả bằng chân cho những hành trình tưởng như vô tận trong một tháng World Cup. Vẫn những dòng thác ngôn từ và hình ảnh được truyền về nước, nhưng các bài viết ấy ngập tràn hơi thở của World Cup.

Đấy không chỉ là World Cup với trái bóng trên sân, với niềm vui, nỗi buồn, thắng lợi hay thất bại của các cầu thủ, những tranh cãi liên quan đến các bàn thắng hay trọng tài, mà còn là một World Cup khác mà tôi thấy đang diễn ra song song với sân cỏ mà khán giả hay độc giả ở nhà không nhìn thấy.

Đấy là cuộc sống của biết bao con người trong ánh sáng và bóng tối bên ngoài sân vận động, trong những khu phố, những khu định cư, những con đường ngoại ô, những góc sân ga. Đi cùng với họ là những câu chuyện về họ mà tôi muốn viết, bên cạnh những ký sự đường trường của một người ham đi và ham sống, người đã từng trải qua những World Cup trong tưởng tượng, giờ lại đi trên những con đường thế giới xa xôi.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy World Cup ở trước mặt. 2018 sẽ là một năm thế nào ở nước Nga, trên những sân cỏ World Cup? Messi, Ronaldo và Neymar hay những ai nữa sẽ quyết định số phận những đội tuyển của họ ở giải đấu và số phận của chính họ cho cuộc đua tranh Quả bóng Vàng?

Sẽ có trang sử nào được đội bóng nào đó viết, những hy vọng sẽ bùng lên và thất vọng sẽ bao trùm? Bóng đá, xét cho cùng không chỉ là một cuộc chơi trên sân cỏ trong 90 phút hoặc hơn thế, mà còn là niềm vui, nỗi buồn của biết bao con người. Tôi sẽ lại bước đi trên những con đường World Cup ấy, sẽ lại sống một tháng sôi động nhất đời mình, sẽ viết những gì mình thấy và cảm nhận, dù chắc chắn biết, chuyến đi khá dài, vất vả và đầy rủi ro phía trước.

World Cup với một nhà báo là luôn tự mình cháy lên. Phải vậy không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem